Sống chậm lại: Bạn chọn loại khó khăn nào?

Sống chậm lại: Bạn chọn loại khó khăn nào?
HHT - Vinh quang thì ai chẳng thích, bất kể loại nào. Nhưng chọn loại khó khăn nào để gắn bó cả sự nghiệp thì lại là một câu hỏi khác.

Kết thúc năm nhất đại học, tôi đối mặt với câu hỏi chọn ngành. Hai lựa chọn của tôi là Lịch sử và Kinh tế. Tôi thích và có kết quả tốt ở cả hai, nhưng không đặc biệt đam mê ngành nào. Tuy nhiên, tôi chắc chắn rằng ước mơ của mình là trở thành một nhà nghiên cứu xuất sắc. Điều đó bắt buộc tôi phải dứt khoát chọn một lĩnh vực để học chuyên sâu. Tôi đem điều này thảo luận với nhiều bạn bè, nhưng họ không giúp được gì nhiều ngoài việc hỏi lại tôi: “Bạn thích ngành nào hơn?”. Vấn đề là, chính tôi cũng không chắc chắn. Càng nghĩ theo hướng này, tôi càng thấy luẩn quẩn và căng thẳng.

Thay đổi chỉ đến sau khi tôi nói chuyện với Timothy McLarnan - một giáo sư Toán học rất nổi danh trong trường. Thầy được sinh viên yêu quý không chỉ bởi kiến thức uyên thâm (thầy có tới ba bằng Tiến sĩ) mà còn bởi sự gần gũi và hóm hỉnh. Thay vì cho tôi một lời khuyên cụ thể, thầy kể một câu chuyện về người bạn thân thời sinh viên:

- Đó là một anh chàng thú vị, với một niềm lạc quan vô hạn và đam mê hầu như bất tận với mọi điều trong cuộc sống. Cậu ta, cũng như em, khi hết năm nhất vẫn không thể quyết định nên theo đuổi lĩnh vực nào: Vật lý điện tử hay Lịch sử âm nhạc. “Mình sẽ chết mất nếu phải vứt bỏ một trong hai!” - cậu ta thường than vãn với tôi như vậy. Chứng kiến bộ mặt rầu rĩ ấy ngày này qua ngày khác, tôi bèn khuyên cậu ta hãy đi đâu đó xa xa, bởi vì những thư viện khổng lồ của Đại học Chicago sẽ chỉ khiến cậu thêm bế tắc. Và thế là năm hai, cậu xin tạm nghỉ học, bay qua châu Âu, vừa du lịch bụi, vừa làm việc bán thời gian cho các tiệm sách và cửa hàng điện tử. Đầu năm ba, gã lãng tử của tôi trở về, hớn hở như một đứa trẻ dù bộ râu đã rậm rạp như lông gấu. Chà, nhớ lại vẻ mặt cậu ta mới đắc thắng làm sao! Acsimet nhảy khỏi bồn tắm reo "Ơ-rê-ca!" có lẽ cũng đến như vậy.

Sống chậm lại: Bạn chọn loại khó khăn nào? ảnh 1

- Bạn của thầy đã nhận ra niềm đam mê thực sự ạ?

- Hừm, tôi cho rằng không cần chữ “thực sự.” “Đam mê” có lẽ cũng không cần. Gần đây người ta nói nhiều về hai từ này quá, cảm tưởng như ngoài ước mơ ra thì mọi thứ trên đời là giả dối và nhạt nhẽo cả. Không, phát kiến của anh chàng giản dị và thú vị hơn nhiều: Sau cả năm trời loay hoay với hàng tấn sách vở và linh kiện, cậu thú nhận với tôi rằng cả hai đều đáng chán như nhau. “Bây giờ mình nghĩ lại rồi, mình sẽ chết mất nếu phải dành cả đời trong thư viện hoặc phòng thí nghiệm” - nguyên văn lời anh bạn tôi đấy. Tuy nhiên, sau một năm trời du hí và vật lộn với đời sống, cậu chàng nhận ra rằng thế giới bên ngoài tuy có rộng lớn, song cậu chỉ gắn bó tha thiết với học thuật mà thôi. Thế thì nhất quyết phải phấn đấu trở thành giáo sư, nghĩa là ngoài việc giảng dạy, phải dành phần lớn thì giờ trong thư viện hoặc phòng thí nghiệm, cần mẫn nghiên cứu như một con ong chăm chỉ.

- Chính ở điểm này mà em băn khoăn đấy ạ. Em cực kì đam mê nghiên cứu, nhưng khám phá ra một điều bất ngờ trong quá khứ và hiểu được một cơ chế phức tạp của thị trường đối với em đều thú vị như nhau.

- Này cô sinh viên trẻ ơi, đây cũng chính là mấu chốt của vấn đề - phát kiến của cậu bạn tôi sau chuyến đi châu Âu đấy. Trở về, cậu ta không tự hỏi mình thích Vật lý hay Lịch sử nữa. Cậu suy nghĩ xem đọc sách cả đời và thử linh kiện cả đời, việc nào đỡ tệ hơn.

Sống chậm lại: Bạn chọn loại khó khăn nào? ảnh 2

- Đỡ tệ hơn ạ? Em nghĩ cả hai đều là hứng thú rồi?

- Đó là một ảo giác kì quặc của con người. Chúng ta leo một ngọn núi thật cao, vượt qua trùng trùng thác thác để rồi khoan khoái tận hưởng vài phút thăng hoa trên đỉnh cao. Chúng ta phấn khích tới nỗi nhầm tưởng rằng cả quãng đường leo núi nhọc nhằn chỉ toàn những phút giây mãn nguyện và thư giãn. Nhưng không, không dễ dàng như thế. Dù là người đam mê sách nhất cũng không thể cả đời đọc sách mà không có lúc cảm thấy chán nản, huống chi là nhà nghiên cứu, có khi đọc cả trăm cuốn sách, làm cả trăm thí nghiệm mới may mắn vỡ ra được một vài kết luận mới và hay. Cũng như em, cậu ta biết những khoảnh khắc thăng hoa khi học Vật lý và Lịch sử đều đáng quý như nhau. Nhưng khác em, cậu ta nhận ra rằng trước khi đạt tới vinh quang, ta phải trải qua một quãng đường dài đầy mệt mỏi, khó khăn. Vinh quang thì ai chẳng thích, bất kể loại nào. Nhưng chọn loại khó khăn nào để gắn bó cả sự nghiệp thì lại là một câu hỏi khác.

Sống chậm lại: Bạn chọn loại khó khăn nào? ảnh 3

Tôi cảm thấy đã vỡ ra được một điều gì đó:

- Ra vậy. Có lẽ từ bây giờ em nên nghĩ theo hướng: Đọc sách và làm Toán – đâu là việc mình có thể “chịu” được cả đời. Nhưng dù sao, đó vẫn là một câu hỏi khó, bởi vì sẽ có những khó khăn em không lường hết. Vậy thì làm sao biết quyết định của mình là đúng hay sai? Người bạn của thầy hiện giờ có hài lòng về quyết định của mình không ạ?

- Cậu ta à? Rất hài lòng ấy chứ. Bây giờ cậu ấy đã là chuyên gia hàng đầu thế giới về nhạc cổ điển – đúng mục tiêu ban đầu: Trở thành nhà nghiên cứu đỉnh cao. Nhưng cậu cũng thú nhận với tôi rằng: Trong những năm đầu theo đuổi đề tài Lịch sử mà không đạt được gì đột phá, cậu nhiều lúc hối hận, tự nhủ nếu từ đầu học Vật lý thì sẽ thành công dễ dàng hơn. Song, cái viễn cảnh không mấy dễ chịu về việc phải làm việc trong phòng thí nghiệm cả đời khiến cậu bình tĩnh dần, tự nhủ rằng đọc sách cả đời dù sao cũng không quá tệ. Bằng cách đó, cậu ấy đã kiên nhẫn cố gắng từng chút, cho đến khi chinh phục được vinh quang. Mà em biết đấy, vinh quang khiến cho mọi quyết định thành ra đúng hết.

Quỳnh Anh

(Sinh viên ngành Kinh tế và Quốc tế học, ĐH Earlham, Hoa Kỳ)

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

Công xưởng xanh của Apolenka: Chìm vào màu xanh tuyệt đẹp như thế giới cổ tích

HHT - “Công xưởng xanh của Apolenka” là một cuốn sách tuyệt đẹp. Không chỉ bởi các bức tranh với sắc xanh diệu kỳ tưởng như đang ở thế giới cổ tích, mà còn vì câu chuyện được kể rất ấm áp. Không những thế, cuốn sách còn mang đến cho các bạn nhỏ những hiểu biết thú vị về một nghề truyền thống ở nước Séc xa xôi.