Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn

Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn
HHT - Đằng sau vườn nhà tôi có trồng nhiều cây ăn trái, như đu đủ, hồng, cam, bòng (bưởi) và quýt. Những chú sóc cũng để ý thấy và hay lại tìm ăn khi đến mùa trái chín.

Cách đây khá lâu, tôi tình cờ xem trên TV chương trình phỏng vấn một nhà khoa học nổi tiếng về nhân chủng học tại ngôi nhà bà đang ở. Cuộc phỏng vấn được diễn ra sau vườn rau của bà. Thấy nhiều luống rau bị xéo nát nên người phỏng vấn đã hỏi bà, rằng nếu trồng rau mà cứ bị thú đến “phá đám” như vậy, sao bà không đuổi chúng đi...? Tôi tin chắc câu hỏi này có tính “gài bẫy”. Nếu nhà khoa học trả lời là sẽ tìm cách nào đó để ngăn cấm các con thú, vô hình trung, bà có thể bị xem là ích kỷ và không có lòng bác ái đối với thú vật. Còn cứ để kệ cho chúng tới ăn rau trái trong vườn thì bà thật là khờ khạo...

Câu trả lời (giản dị) sau đó của nhà khoa học khiến tôi khâm phục: “Đó cũng là những sinh vật do thượng đế sinh ra. Chúng cũng phải cần kiếm ăn để sống chứ. Tôi trồng thêm vài luống rau củ để chúng có đến thì sẽ chia sẻ với chúng chứ có thiệt thòi gì đâu. Mình ăn thêm hay bớt đi tí chút cũng không thành vấn đề, đâu cần gì phải làm hàng rào hay đuổi chúng đi!”. Chẳng thể bắt bẻ hay khai thác gì thêm câu trả lời của nhà khoa học, người phỏng vấn lảng sang chuyện khác…

Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn ảnh 1

Ở các nước phát triển, có các hiệp hội bảo vệ thú vật do tư nhân và chính quyền tổ chức. Không những vật nuôi trong nhà để làm bạn với người được bảo vệ, mà những gia cầm, gia súc nuôi cũng được lưu tâm. Nếu chúng được nuôi để làm lương thực cho con người, chúng cũng phải được hưởng chế độ chăm sóc nhất định, và khi bị giết cũng phải nhanh chóng không gây đau đớn... Lần đầu tiên, khi được biết về những điều rất nhân văn ấy, tôi đã rất xúc động. 

Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn ảnh 2

Cá nhân tôi cũng gần gũi với thế giới động vật. Có dịp tôi thường hay đi tìm và ngắm chúng sinh hoạt ngoài thiên nhiên để hiểu biết thêm lối sống của những con vật này. Một thời gian, khi tôi làm ở hãng hóa học tại thành phố Deer Park (Mỹ), vào những buổi ăn trưa, tôi lái xe đến công viên San Jacinto Battle Ground Park gần đó, nơi trồng nhiều cây sồi, ngồi ăn bánh mì sandwich và ngắm những con sóc tìm kiếm những hạt sồi rồi đem giấu dưới những bụi cỏ. Thấy chúng lăng xăng chạy tìm, ngửi những hạt cây này, rồi đem chôn xuống đất thật thú vị.

Những lúc như thế, tôi lại nghĩ, không biết chúng có tìm lại được chỗ chôn những hạt này vào mùa Đông không? Rồi tôi tự phỏng đoán - Nếu chúng chôn nhiều chỗ và có thể đánh hơi được thì chắc cũng có thể tìm lại được! Tôi cũng thường mang những hạt đậu phộng, hay hạt hạnh nhân cho chúng ăn. Lúc đầu chúng cũng sợ người, phải thẩy những hạt đó xa xa cho chúng tới lượm và ăn. Riết rồi chúng cũng quen, có nhiều con dạn dĩ còn tới nhận những hạt cây này từ tay tôi. Nhiều chú sóc ăn thoả thuê rồi nhưng vẫn đến xin để đem giấu dưới bụi cỏ, để dành cho những ngày không kiếm được đồ ăn. Thì ra loài vật cũng biết lo xa…

Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn ảnh 3

Đằng sau vườn nhà tôi có trồng nhiều cây ăn trái, như đu đủ, hồng, cam, bòng (bưởi) và quýt. Những chú sóc cũng để ý thấy và hay lại tìm ăn khi đến mùa trái chín. Lũ sóc này rất khôn, nhiều trái quýt trên cây nhìn chín mọng ngon lành nhưng trong ruột trống rỗng vì chúng đã ăn một góc rồi để lại nguyên cả vỏ. Chúng chỉ lựa những trái chín và ngọt mới ăn.  

Hồi xưa mẹ tôi có trồng rau ngoài vườn và chim chóc cũng đến ăn rau cỏ bà trồng nhưng bà không đuổi và có lẽ vì thế chim chóc cũng không sợ. Đã vậy, chúng thường nhảy quanh, hót líu lo ngoài vườn vì cảm thấy an toàn không bị đe dọa hoặc đuổi đi. Nhưng với ba tôi thì khác, thấy thú vật trong vườn là ông đuổi chúng đi vì sợ ăn hết rau và cây trái trong vườn. Có lần, tôi thấy ông la đuổi mấy con sóc đi vì chúng đến phá phách trong vườn.  “Tụi nhóc” chắc biết ba tôi đã già nên không sợ mà còn dừng lại nhìn như chọc tức vậy. Một lần khi bị đuổi, chúng leo lên cây bòng và cắn đứt hai trái bòng rớt xuống đất làm ba tôi tức mình mà không làm gì được.

Tôi trêu: “Ba càng đuổi và làm chúng tức thì chúng sẽ cắn hết những trái bòng của ba cho mà xem!” Một bữa, chắc bực quá, nên ba ra hái hết những trái hồng còn xanh ngoài vườn vào vì những trái hồng chín bị sóc ăn hết. Những trái hồng xanh này rồi cũng không ăn được. Mẹ tôi về rày ba mất công, nhọc người, rồi khuyên ba cứ để những trái hồng đó trên cây. Thà như thế, may ra còn có trái chín mà ăn, mà nếu sóc ăn hết cũng không sao. Thà là để một bên có gì đó cho vào bụng còn hơn cả hai bên đều không được ăn gì cả. Ba tôi nghe ra và không đuổi chúng nữa.  

Sống chậm lại: Chuyện kể về lũ sóc trong vườn ảnh 4

Mấy năm gần đây, vườn nhà tôi lại sai trĩu trịt: Những cây hồng, cây quýt và cây bòng, trái như bện trên cây vậy. Những chú chim và sóc cũng có đến ăn nhưng cũng không hết được. Có lẽ thiên nhiên đã “ưu đãi” cho cả gia đình tôi và tụi chim sóc, vì chúng tôi đã học được cách chung sống hòa bình cùng nhau!

                                                                   Nguyễn Đăng Kha

MỚI - NÓNG
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
Tween Tiểu học Nam Thành Công xúc động, vui Liên hoan Chiến sĩ nhỏ Điện Biên
HHT - Liên hoan "Chiến sĩ nhỏ Điện Biên" của trường Tiểu học Nam Thành Công (Hà Nội) diễn ra đầy ấn tượng với những tiết mục văn nghệ, hoạt cảnh đầu tư công phu, chỉn chu. Phần thi kiến thức liên quan tới chiến dịch Điện Biên Phủ để lại dấu ấn sâu đậm nhờ sự thông minh, đáng yêu của các bạn nhỏ.

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.