Sống với chính mình phiên bản mạnh mẽ hơn thì ở môi trường nào cũng thú vị cả!

HHT - Nào cô bé, em có thể trả lời cho anh biết em muốn đi đến đâu sau khi nhận “học bổng phụ huynh” và cầm chiếc vé máy bay trên tay không?

Anh Sky ơi, em mới thi tốt nghiệp xong, bạn bè rần rần nộp đơn đi du học, gap year… đủ các kế hoạch “thoát ly” anh ạ. Thật lòng em cũng không có kế hoạch du học từ trước nhưng em không sẵn sàng nhảy ngay vào Đại học ở Việt Nam. Mẹ em bảo là nếu em muốn, em có thể có “học bổng phụ huynh” để đi du học ngắn hay dài tùy nguyện vọng. Em nhớ anh bảo là anh đã đi du học rồi, anh nghĩ em có nên xách ba-lô lên và đi không ạ?

(Em xin giấu tên)

Chào em!

Anh nói nhỏ cái này em đừng kể với ai nhé, hồi đấy anh đi du học chủ yếu là để “đi” thôi, “học” chẳng mấy đâu J, giống tâm trạng của em bây giờ chưa? Phải qua rất nhiều năm sau khi đi học về anh mới có thể dũng cảm nói với bố mẹ rằng lúc đó anh đã xem du học là một trải nghiệm hơn là một kì vọng về chuyện học tập. Không phải vì nền giáo dục ở nước ngoài không tốt, mà vì bản thân anh khi đứng trước lựa chọn du học, chưa thực sự rõ điều gì chờ đợi mình, cái gì là cái mình cần và kế hoạch sau khi đi học về là gì.

Sống với chính mình phiên bản mạnh mẽ hơn thì ở môi trường nào cũng thú vị cả! ảnh 1 Đứng trước nhiều sự lựa chọn trước mắt nhưng lại không biết tương lại ra sao sau chuyến du học.

Trong bộ phim Alice lạc vào xứ sở thần tiên, khi mới vừa lọt thỏm vào thế giới kì lạ đầy màu sắc, Alice ngơ ngác hỏi chú mèo béo: “Tôi nên chọn đi con đường nào đây?”. Chú mèo hỏi lại: “Cô muốn đi đến đâu?”. “Tôi không biết”, Alice trả lời. “Vậy thì việc chọn con đường nào đâu có quan trọng. Nếu cô không biết cô muốn đi đến đâu thì chọn đường nào chẳng như nhau”.

Nào cô bé, em có thể trả lời cho anh biết em muốn đi đến đâu sau khi nhận “học bổng phụ huynh” và cầm chiếc vé máy bay trên tay không? Ai cũng sẽ khuyến khích em hãy nhảy ra khỏi “vùng an toàn” của mình, hãy trải nghiệm, nhưng sau đó rồi sao nữa? Mỗi trải nghiệm chỉ thực sự đáng nhớ và quý giá nếu nó thêm vào giá trị cho con người em. Anh có một người bạn rất giàu trải nghiệm. Trước mỗi ngưỡng cửa chuyển giao trong cuộc sống, người bạn đó đều chọn cách “thoát ly”, gap year một năm hoặc vài tháng rồi mới chọn lựa hoặc quyết định đi đâu, làm gì tiếp theo. Chuyện đó không có gì là xấu cho đến khi bạn ấy giật mình nhận ra mình đang đi đường vòng quá xa, tệ hơn là nhận ra mình chẳng đang ở đâu cả: Không có công việc ổn định vì không gắn bó với nơi làm việc nào, không yêu ai vì không sẵn sàng dừng lại, không có những bữa cơm với gia đình vì mãi dành thời gian cho những chuyến đi…

Cảm giác “thoát ly” để tránh việc phải đối diện với áp lực, tránh phải đưa ra lựa chọn, lại trở thành con đường vòng.

Sống với chính mình phiên bản mạnh mẽ hơn thì ở môi trường nào cũng thú vị cả! ảnh 2 Bình tĩnh xem thử mình thực sự cần gì.
Em không đủ can đảm để vào Đại học ngay vì môi trường quá mới, cần quá nhiều tính kỉ luật và sự tự giác khi em vừa “nhảy” khỏi trường cấp Ba - nơi mà thầy cô trả bài và kiểm tra vở mỗi ngày? Nhưng em có biết du học ở môi trường giáo dục phát triển còn đòi hỏi gấp năm, gấp mười lần sự tự giác và tính kỷ luật không?

Em không đủ can đảm để chịu được môi trường mà “nghe đồn” là nhàm chán của Đại học nhà mình, em cần một nơi thú vị hơn? Nhưng em có từng hình dung là ngôi trường du học của mình có thể nằm ở khu vực “in the middle of nowhere” kiểu như rừng hay thậm chí gần sa mạc không?

Bình tĩnh xem thử mình thực sự cần gì, từ những điều rất bé như anh vừa hỏi em phía trên, những điều này sẽ giúp em hình dung ra con đường cần chọn đấy!

Sống với chính mình phiên bản mạnh mẽ hơn thì ở môi trường nào cũng thú vị cả! ảnh 3 Hãy tự tin và cho mình một cơ hội

Một tác giả yêu thích của anh - Haruki Murakami từng nói rằng: “Dù bạn có đi bao xa, bạn cũng không thể chạy trốn bản thân mình”. Vậy nên, đừng chạy trốn áp lực, bởi nó sẽ giúp em thay đổi và trưởng thành, sống với một em mạnh mẽ hơn thì ở môi trường nào cũng thú vị cả!

Theo Ảnh mang tính minh họa
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm