"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai
HHT - Đạo diễn Tom McCarthy của “Phim hay nhất Oscar 2016” Spotlight đã nói “Lạm dụng tình dục ở trẻ em là vấn đề rất nhạy cảm nhưng không nên trốn tránh, phải đối mặt. Vì nó là vấn đề toàn cầu.” Điện ảnh cũng không được đứng ngoài cuộc.

Spotlight là bộ phim dựa trên sự kiện có thật, về một tòa soạn báo đã điều tra những vụ lạm dụng tình dục trẻ em mà kẻ phạm tội là những linh mục. Điều đáng chú ý là những linh mục này được Giáo hội bao che, dùng tiền và sức ảnh hưởng để đổi lấy ở nạn nhân sự im lặng.

Mặc dù đề tài của bộ phim vô cùng nhạy cảm, đặc biệt là khi khai thác nạn ấu dâm và có nhắc đến tôn giáo. Nhưng Spotlight không phải là một bộ phim công kích bất cứ ai, nó chỉ là bộ phim đề cao sự thật và việc đấu tranh bảo vệ sự thật, bất chấp sự thật ấy được che giấu ở đâu, bởi ai. Như trong chính bộ phim cũng đã có nói “Giáo hội chỉ là một thể chế, do con người tạo ra, nó sẽ biến mất, còn đức tin của tôi thì vĩnh cửu.” Chính tờ báo L’Osservatore Romano - tờ báo chính thống của Tòa thánh Vatican cũng đã nhận xét về bộ phim rằng đây là câu chuyện vô cùng chân thật và không hề phản Công giáo.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 1

Spotlight là tên một nhóm nhà báo có 4 người làm việc tại một tờ báo địa phương Boston Globe. Họ viết không nhiều, nhưng những đề tài họ chọn đều là những đề tài có sức ảnh hưởng đến độc giả và phải dành nhiều thời gian để thực hiện, có thể vài tháng đến cả năm. Họ không cần những câu chuyện câu khách, mà là những câu chuyện có sức nặng.

Ở đầu phim, tờ báo Boston Globe đón nhận một Tổng biên tập mới. Ngay khi vừa nhậm chức, Tổng biên tập Marty Baron đã đề nghị phòng Spotlight bắt tay vào một đề tài. Có một gã luật sư được cho là gàn dở Mitchell Garabedian đang kệ đơn kiện Giáo hội vì đã bao che cho linh mục Geonghan - người đã lạm dụng tình dục trẻ em. Marty Baron muốn phòng Spotlight theo đuôi và đi sâu vào câu chuyện này.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 2

Ban đầu, đề tài này không hề được phòng Spotlight mặn mà, vì họ còn nhiều hoài nghi và đây có thể xem là trận chiến một mất một còn. Nhiều ý kiến bên ngoài cho rằng do vị Tổng biên tập mới là người Do Thái nên không thích Giáo hội, và chỉ muốn lợi dụng sự việc này để tạo tên tuổi. Phòng Spotlight sẽ bị đem ra làm bia đỡ đạn cho mục đích cá nhân của ông ta. Nếu đề tài họ làm đi đúng hướng, Spotlight sẽ có vụ lớn nhất từ trước tới nay họ từng làm, nhưng nếu không họ sẽ bị hủy hoại. Tờ Boston Globe có tới 53% lượng độc giả theo Công giáo. Và Giáo hội đã có quyền lực hàng thế kỷ nay.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 3

Sự việc chỉ bắt đầu bằng một linh mục Geonghan lạm dụng tình dục trẻ em từ 15 năm trước mà được Giáo hội - cụ thể là Hồng y Law bao che. Nhưng càng đi sâu tìm hiểu, những nhà báo Spotlight bàng hoàng nhận ra con số linh mục phạm tội đã lên đến 11 người, rồi 20 người, và cuối cùng là 87 người chỉ tính riêng tại Boston. Có nghĩa câu chuyện này không còn chỉ là ở một cá nhân, mà nó là cả một hệ thống. Không chỉ có một linh mục phạm tội, mà là có rất nhiều linh mục phạm tội, và họ đã được Giáo hội bao che. Sau khi phạm tội, nạn nhân được sắp xếp hòa giải, và Giáo hội xoa dịu nạn nhân bằng cách chuyển linh mục đó đi nơi khác. Chỉ có điều, ở nơi mới đó, họ lại tiếp tục lặp lại sai phạm cũ.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 4

Từ hoài nghi, các nhà báo của Spotlight đã chuyển sang ráo riết điều tra khi họ nhận thức được chính xác chuyện gì đang diễn ra. Họ hy sinh thời gian cá nhân của mình, cố gắng cân bằng giữa công việc và cuộc sống mưu sinh hàng ngày để tìm ra sự thật và bảo vệ nó. Họ tìm gặp các nạn nhân, các luật sư, thậm chí cả bác sĩ tâm lý… để thu thập thật nhiều bằng chứng. Điều đáng nói nhất là họ không làm việc này vội vàng và vội vã đăng tải bất kì điều gì khi các bằng chứng chưa được xác minh. Sự thật luôn cần thời gian. Nếu vội vàng, thông tin không chính xác, mục đích vạch trần hệ thống bao che đó của phòng Spotlight sẽ không còn giá trị nữa. Và lúc đó sẽ không có kẻ xấu nào bị trừng trị, không có nạn nhân nào được giúp đỡ.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 5

Nhà báo Matt Carroll, một thành viên của Spotlight, trong quá trình điều tra nhận ra có một linh mục trong danh sách tình nghi đang là hàng xóm khu phố nhà mình. Nhưng vì thông tin này chưa được xác nhận từ nguồn đáng tin cậy, chưa thể dựa vào đó để “kết tội”, nên anh không vội hô hào kêu gọi tẩy chay. Thay vào đó, anh đã chụp hình ngôi nhà và dán lên cửa tủ lạnh nhà mình, trên đó có mảnh giấy tạm cảnh báo “Các con, hãy tránh xa ngôi nhà này, và tránh xa người đàn ông sống trong đó.”

Không chỉ có các nhà báo của Spotlight và những người làm việc ở Boston Globe, bộ phim còn có nhiều “anh hùng đời thường” trong trận chiến đi tìm và bảo vệ sự thật này.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 6

Luật sư Mitchell Garabedian là người đầu tiên tố cáo Hồng y Law biết chuyện cha xứ Geonghan lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng cố tình che giấu. Ông đại diện cho khoảng 80 nạn nhân của linh mục lạm dụng tình dục trẻ em, nhưng không công bố tên nạn nhân. Ông bị xem là kẻ gàn dở và gần như phải đơn độc chiến đấu ở đầu phim. Ông từ chối hòa giải, dù việc đó có thể mang đến cho ông và thân chủ của mình tiền bạc, chấp nhận bị Giáo hội canh chừng và muốn tước bằng hành nghề của mình. Ông đã cung cấp cho các nhà báo những tài liệu quý giá để họ có thể dựa vào đó chứng minh được Hồng y biết chuyện mà vẫn bao che cho linh mục Geonghan. Trong phim, ông có một lời thoại vô cùng xuất sắc “Cần đến cả một ngôi làng để nuôi lớn một đứa trẻ, và cũng cần đến cả làng để lạm dụng nó.”

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 7

Các nạn nhân cũng không hề im lặng. Họ tập hợp lại, cùng nhau thành lập một hội được viết tắt là SNAP - Mạng lưới những nạn nhân sống sót sau khi bị linh mục lạm dụng. Sở dĩ gọi như vậy vì có rất nhiều nạn nhân đã phải nhờ đến rượu, thuốc phiện để giúp vượt qua tổn thương tâm lý, có người không vượt qua được thì tự sát. Các nạn nhân dũng cảm đối mặt lại với nỗi đau tổn thương tâm lý của mình để kể lại câu chuyện, hy vọng mình có thể giúp cho những đứa trẻ khác không gặp phải chuyện tương tự. Người đứng đầu SNAP là Phil Saviano trong rất nhiều năm đấu tranh đã không ít lần bị xem là kẻ khùng điên.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 8

Một nhân vật khác không hề xuất hiện từ đầu đến cuối phim, chỉ xuất hiện giọng nói, là bác sĩ tâm lý Sipe, người đã dành hơn 30 năm nghiên cứu về việc linh mục lạm dụng tình dục trẻ em. Ông đã cung cấp rất nhiều thông tin dựa trên nghiên cứu khoa học, đáng tin cậy để hỗ trợ cho các nhà báo Spotlight.

Ngay cả luật sư Eric Macleish, người giúp Giáo hội hòa giải với nạn nhân, kẻ tường chừng ở phía bên kia chiến tuyến, hóa ra cũng không hề là một người xấu. Nhiều năm về trước, anh ta đã muốn tố cáo tội ác này, nhưng không thể làm được chuyện đó nếu chỉ có một mình. Eric cần tiếng nói của báo chí nên đã gửi đến tòa soạn báo Boston Globe một danh sách các linh mục phạm tội. Đáng tiếc danh sách ấy đã bị quên lãng cho đến tận mấy năm sau. Nhưng chậm còn hơn không.

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 9

Khi muốn lấy xấp tài liệu đã bị niêm phong tại tòa án - tập tài liệu này chứng minh được Hồng y Law bao che cho linh mục Geonghan - nhà báo Mike Rezendes đã được hỏi “Trách nhiệm của báo chí ở đâu khi công bố những tài liệu nhạy cảm này?”. Và anh đã đáp lại bằng một câu hỏi khác “Trách nhiệm của báo chí ở đâu khi KHÔNG công bố những tài liệu nhạy cảm này?”. Đó là một câu trả lời vô cùng đanh thép. Sự thật cần được sáng tỏ, không có bất cứ lý do gì để bất cứ ai phải che giấu nó. Cũng chính Mike là người có lời thoại quyết liệt nhất toàn bộ phim: “Bọn chúng biết, mà vẫn để nó tiếp diễn. Với trẻ con. Nạn nhân đã có thể là anh, là tôi, là bất cứ ai trong chúng ta. Chúng ta phải tóm cổ lũ khốn kiếp này. Ta phải cho mọi người thấy không ai có thể thoát tội, kể cả là linh mục, Hồng y, thậm chí là cả Giáo hoàng.”

"Spotlight" - Câu chuyện chống nạn ấu dâm không là trách nhiệm của riêng ai ảnh 10

Spotlight là một bộ phim không có một nhân vật anh hùng nào nổi bật. Hầu như tất cả các nhân vật đều rất đời thường, đều có thể là bất cứ ai trong chúng ta, nhưng họ chọn không im lặng. Họ dũng cảm đến cùng và đã đưa được sự thật ra ánh sáng. Bộ phim cũng không có các cảnh quay xuất sắc, vì vậy nếu không được dựng khéo léo nó đã trở thành một bộ phim tài liệu nhàm chán. Sở dĩ Spotlight xứng đáng là “Phim hay nhất Oscar 2016” là vì chính thông điệp mà nó truyền tải. Sự thật là vô giá. Sự thật luôn đầy sức mạnh. Bất kỳ ai cũng không thể che giấu nó. Và mỗi người chúng ta, dù là bất kỳ ai, dù ở bất kì thời đại nào, cũng phải dũng cảm lên tiếng, đấu tranh và bảo vệ sự thật cũng như những điều đúng đắn.

GIANG TRẦN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm