Sự kỳ thị nguy hiểm hơn căn bệnh

Sự kỳ thị nguy hiểm hơn căn bệnh
TP - Theo nhiều chuyên gia, sở dĩ nhiều phụ huynh chặn đường đến trường của các em học sinh nhiễm HIV là do không hiểu cơ chế lây lan của virus này. Sự kỳ thị thiếu hiểu biết đó còn nguy hiểm hơn HIV.

Những đứa trẻ bị chặn đường đến trường:

Sự kỳ thị nguy hiểm hơn căn bệnh

Trẻ nhiễm HIV: Đường đến trường bị chặn

Trẻ không có lỗi

Khi được các cơ quan, tổ chức vận động chấp nhận sự hoà nhập của trẻ nhiễm HIV, các phụ huynh đưa ra rất nhiều lý do như sợ trẻ hiếu động dẫn tới va chạm đổ máu, hoặc các bệnh nhiễm khuẩn cơ hội từ trẻ nhiễm HIV lây sang trẻ bình thường…

Trở lại câu chuyện Tiền Phong đã phản ánh, một số phụ huynh học sinh trường THCS Yên Bài A (xã Yên Bài, Ba Vì- Hà Nội) chặn đường không cho trẻ nhiễm HIV ở Trung tâm Lao động Xã hội số 2 vào lớp học chung với con em mình. Cô Khuất Thị Thơm, Hiệu trưởng trường THCS Yên Bài cho hay: “Dù các anh chị trong trung tâm Lao động Xã hội số 2 khẳng định các cháu nhiễm HIV được giáo dục tốt, có ý thức phòng tránh lây lan ra cộng đồng nhưng phụ huynh vẫn cho rằng, trẻ con thì ai ngăn được các cháu chạy nhảy? Ở vùng này đã từng xảy ra hiện tượng hai cháu chạy từ hai phía va vào nhau, cả hai cùng chấn thương, chảy máu. Nếu một trong hai cháu nhiễm HIV thì quả là nguy hiểm!”.

Ám ảnh về nguy cơ lây HIV, ngay trong nhiều cuộc truyền thông về quyền của trẻ em nhiễm HIV, nhiều phụ huynh vẫn không ủng hộ chuyện học hoà nhập. Nhiều người khi được chỉ định nêu ý kiến đã ngại ngùng nêu lý do: “Hiện tại tôi đã thông cảm hơn với các cháu nhưng những phụ huynh khác họ sẽ không thông cảm”. Bác H, một phụ huynh thôn Phú Yên, xã Yên Bài tâm sự: “Chúng tôi đồng cảm với những gì các anh chị làm công tác xã hội nói về trẻ nhiễm HIV. Chúng tôi hiểu trẻ nhiễm HIV không có lỗi gì, các em có quyền đi học hoà nhập, quyền được đối xử bình đẳng. Nhưng còn quyền lợi của con em chúng tôi thì sao? Các anh chị ấy bảo khó lây, nhưng khó nghĩa là vẫn có thể. Vậy ai sẽ là người chịu trách nhiệm nếu con em chúng tôi lây HIV?”.

Theo bà Victoria Boggiano, chuyên gia của Tổ chức Cứu trợ Trẻ em, nỗi lo của phụ huynh Yên Bài cũng là tâm trạng chung của nhiều phụ huynh Hà Nội mà bà từng gặp gỡ trong quá trình khảo sát nguyên nhân dẫn đến kỳ thị trẻ em nhiễm HIV. Trong số 60 phụ huynh được hỏi, chỉ 6 người đồng ý cho trẻ nhiễm HIV học hoà nhập vô điều kiện. Trích dẫn lời hai bà mẹ có con học ở các trường phổ thông quận Ba Đình- Hà Nội, bà Victoria nhận xét: “Cho rằng, khi những học sinh chơi với nhau, đánh nhau gây ra những vết xước, hoặc đứt tay chảy máu... sẽ làm lây HIV chứng tỏ phụ huynh không được hiểu rõ cách HIV lây lan”.

Hiểu sai cơ chế lây nhiễm

Bác sĩ Nguyễn Văn Lâm, Phó Trưởng khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương cho biết, sự sợ hãi với HIV hiện nay tương tự như những định kiến xã hội dành cho bệnh nhân phong/ cùi trước đây. Những gì phụ huynh nhìn nhận về HIV hiện nay chỉ là định kiến mà thiếu cơ sở khoa học. Nguồn lây của HIV, viêm gan B, viêm gan C giống hệt nhau, thậm chí khả năng lây lan của viêm gan B còn mạnh hơn HIV. Mắc virus viêm gan B có thể xơ gan, có thể chết vì viêm gan cấp, ung thư gan. Trong khi đó khoảng 15 - 25% dân số có virus viêm gan B, còn tỉ lệ người nhiễm HIV chỉ dưới 0,5%. “Sao họ không sợ viêm gan B mà lại sợ HIV. Nếu HIV đáng sợ đến mức đó thì chúng tôi mới là những người phải sợ. Hằng ngày chúng tôi tiếp xúc với hơn 1.000 bệnh nhân nhiễm HIV, trong đó có những bệnh nhân trong máu tải lượng virus rất cao”, bác sĩ Lâm nói. Theo bác sĩ Lâm, nỗi lo trẻ có thể lây nhau HIV do va vào nhau, gây xây xát hoặc đổ máu là thiếu căn cứ. “HIV chỉ truyền qua đường máu khi máu của người này hòa với máu của người kia thành một dòng. Trong trường hợp trẻ con va vào nhau, chẳng bao giờ có chuyện các em tiếp tục ôm nhau, dí vết thương đang chảy máu của cả hai bên vào nhau cả. Kể cả có trường hợp đó, điều kiện y tế ở ta hiện nay luôn sẵn nguồn thuốc dự phòng để điều trị hiệu quả người phơi nhiễm”, bác sĩ Lâm nói.

Theo các chuyên gia, thái độ cởi mở của phụ huynh với trẻ có HIV chỉ có lợi cho chính con em họ.

Những trẻ bị HIV mà phụ huynh biết chỉ là một bộ phận rất nhỏ trong số hàng ngàn trẻ nhiễm HIV ở nước ta. Nhiều em nhiễm HIV nhưng vẫn đi học bình thường ở trường mà không ai biết. Việc chúng ta cởi mở với người nhiễm HIV sẽ giúp số người nhiễm HIV đủ can đảm tự nói ra ngày càng nhiều. Điều này khiến việc phòng lây nhiễm tốt hơn” . Bác sĩ Đỗ Thiện Hải khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi Trung ương

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG