Ngày 30/8/2019, lãnh đạo và các cán bộ cấp cao của Bộ Y Tế (BYT), Cục Phòng, chống HIV/AIDS (VAAC), Đại sứ quán Hoa Kỳ, tổ chức phi chính phủ PATH, Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), nhà tài trợ, các công ty tư nhân, các doanh nghiệp xã hội, nhà đầu tư, vườn ươm doanh nghiệp, chính quyền địa phương, các tổ chức quốc tế và các tổ chức cộng đồng cùng trao đổi thảo luận về đóng góp chiến lược của khu vực tư nhân trong việc đảm bảo nguồn tài chính cho Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS hiện tại và tương lai.
![]() |
Nguồn tài trợ quốc tế giảm mạnh cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam là một thách thức lớn đối với Chính phủ Việt Nam trong việc đảm bảo duy trì chương trình phòng, chống HIV/AIDS, đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã cam kết đạt mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS đề ra và kết thúc dịch AIDS vào năm 2030.
Ngoài nguồn lực tài chính từ Bảo hiểm Y tế và ngân sách Nhà nước, việc huy động nguồn lực từ khu vực tư nhân đóng góp cho các hoạt động tạo cầu, cung cấp hàng hóa và dịch vụ HIV cũng đóng vai trò vô cùng quan trong để duy trì Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
![]() |
Dự án Healthy Markets đã hợp tác với Bộ Y tế và Cục Phòng, chống HIV/AIDS từ năm 2014 triển khai các hoạt động nhằm phát triển thị trường thương mại về hàng hóa và dịch vụ HIV. Healthy Markets đã kết nối các doanh nghiệp thương mại, doanh nghiệp xã hội và các tổ chức cộng đồng để cùng nhau đáp ứng các nhu cầu còn thiếu hụt trong Chương trình Phòng, chống HIV/AIDS. Với cách tiếp cận theo định hướng thị trường, lấy con người làm trung tâm, và cùng chia sẻ những giá trị cốt lõi, hơn 50 doanh nghiệp xã hội (SE), các tổ chức cộng đồng (CBOs) và các phòng khám tư nhân của cộng đồng đang cung cấp những lựa chọn mới nhằm đáp ứng nhu cầu những người bị ảnh hưởng bởi HIV.
Kết quả khảo sát do dự án Healthy Markets thực hiện với 9 tổ chức là phòng khám tư cộng đồng, doanh nghiệp xã hội và tổ chức cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh hàng hóa và dịch vụ HIV, cho thấy bằng chứng trong 5 năm qua, các đối tác tư nhân tham gia lĩnh vực HIV có thể tự chủ được về mặt tài chính. 9 đối tác được khảo sát đại diện cho các mô hình kinh doanh khác nhau: từ đại lý bán bao cao su nhỏ cho đến chuỗi phòng khám tư. Những đối tác này có mức doanh thu hàng năm tăng hơn gấp đôi, từ US$355,886 lên đến US$863,033 từ năm 2016-2018. Nguồn tài chính thu được từ các mô hình kinh doanh này thúc đẩy định hướng đảm bảo tài chính trong nước cho chương trình Phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam và nâng cao khả năng tự chủ tài chính.