Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia

Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia
HHT - Bản đồ thể hiện "một Australia chìm trong lửa" được share rộng rãi nhiều ngày qua, dù chúng chứa thông tin sai lệch.

Ít nhất là từ tháng 9/2019, hàng loạt vụ cháy rừng diện rộng ở Australia gây tổn thất nghiêm trọng về người và của. Theo BBC, tính đến 6/1, ít nhất 24 người thiệt mạng (trong đó có 3 lính cứu hỏa), 6,3 triệu ha rừng cùng hơn 2000 ngôi nhà bị phá hủy; hơn 500 triệu con vật bị giết hại. 

Những tấm bản đồ, với các chấm lửa đỏ rực đáng báo động trùm khắp Australia, đang được viral liên tục trên mạng. Bên cạnh tác dụng nâng cao ý thức về thảm họa, chúng có thể trở thành một nguồn lan truyền thông tin không chính xác. 

Dưới đây là một số hình ảnh được share nhiều và lý do vì sao chúng cần được "đọc" một cách tỉnh táo hơn, theo Buzzfeed.

Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia ảnh 1
Tấm bản đồ (bên trái) được chia sẻ trên mạng xã hội gần đây.

Tấm bản đồ trên, được hơn 51.000 lượt retweet, xuất phát từ trang web mang tên MyFireWatch, điều hành bởi Landgate - một cơ quan có thẩm quyền nắm giữ thông tin về đất đai ở Tây Australia. Dữ liệu mà cơ quan này sử dụng trong bản đồ được thu thập từ các vệ tinh do Đội Kỹ thuật Phân khúc Đất Quốc gia (ANGSTT) thống kê.

Bản đồ sử dụng các ký hiệu màu đỏ, cam và vàng, tạo nên một bức tranh rất kịch tính, căng thẳng về vấn nạn cháy rừng ở Australia. Tuy nhiên, nó không nên được "đọc" một cách đơn giản như vậy.

Trước hết, dữ liệu vệ tinh mà MyFireWatch dựa vào để xây dựng bản đồ là nhằm biểu thị nguồn nhiệt. Nhiệt ở đây thông thường, nhưng không phải lúc nào cũng, xuất phát từ lửa. Thứ hai, hệ thống biểu thị màu mà trang web sử dụng không ngụ ý hoàn toàn về mức độ cháy hay sự nguy hiểm mà (thật ngớ ngẩn) gắn liền với yếu tố thời gian. Ký hiệu màu đỏ mà MyFireWatch dùng ám chỉ những khu vực có nguồn nhiệt lớn được phát hiện trong 12 giờ qua. Còn màu cam và vàng chỉ những nguồn nhiệt xuất hiện trong khoảng 12 đến 72 giờ trước đó.

So sánh với hình ảnh bản đồ trên một trang web khác thuộc Sở Cứu hỏa Nông thôn New South Wales (RFS), chúng ta sẽ có cái nhìn khác về tình hình cháy rừng ở Australia hiện tại. Với RFS, một khi xuất hiện những ký hiệu màu đỏ trên bản đồ, điều đó có nghĩa cháy đang ở mức đáng báo động và cần có biện pháp phòng cháy, chữa cháy lập tức.

Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia ảnh 2
Bản đồ của MyFireWatch (phía bên trái) và của RFS (bên phải).

Cùng một mốc thời gian là 11 giờ sáng, ngày 6/1, báo cáo tình trạng cháy ở New South Wales, Australia đến từ hai trang web trên hoàn toàn khác nhau. RFS sử dụng gam màu xanh nhạt để biểu thị tình hình ở mức độ "Cảnh báo nhẹ", đồng nghĩa với việc có hỏa hoạn ở những khu vực đánh dấu, nhưng không trong tình trạng khẩn cấp. Còn MyFireWatch lại khiến người xem bối rối về tình hình hiện tại với sự xuất hiện dày đặc của những dấu chấm đỏ và cam và vàng.

Mitchell Whitelaw, Phó Giáo sư tại Đại học Quốc gia Australia, chuyên ngành Nghệ thuật và Thiết kế, nói, việc hiển thị tình hình cháy rừng qua ký hiệu và màu sắc cực kỳ quan trọng và có sự liên quan mật thiết với nhau.

"Chúng ta luôn tìm thấy sự liên kết giữa màu sắc và cường độ (mạnh - yếu, nóng - lạnh). Đáng lẽ nên dùng màu để biểu thị sức nóng, thì họ (MyFireWatch) lại sử dụng nó để ám chỉ thời gian", Whitelaw nói với BuzzFeed. 

Phát ngôn viên phía Landgate, khi được hỏi tại sao lại dùng ký hiệu về đám cháy mà không để biểu thị cháy, đã trả lời: "Mục đích của tấm bản đồ này là để khoanh vùng những nơi xảy ra cháy. Việc hiển thị quá nhiều ký hiệu đỏ cho thấy có nhiều vụ hỏa hoạn lớn đang diễn ra".

Cũng theo người đại diện này, tấm bản đồ được cập nhật tự động, nhưng luôn có một đội ngũ soát lỗi kiểm tra lại. 

Tuy vậy, lời giải thích của phía đại diện bên Landgate bị cho không thỏa đáng khi tấm bản đồ trên đã đưa ra báo cáo không chính xác về tình trạng cháy do lửa hình thành. Theo bản đồ của MyFireWatch, có đến 34 "điểm nóng" không phải là đám cháy. Chẳng hạn như vùng Moomba ở Nam Australia, là nơi có nguồn nhiệt cao bởi tập trung các nhà máy khí đốt.

Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia ảnh 3
Nếu dùng dịch vụ của MyFireWatch, Mỹ bây giờ trông sẽ như thế này.

Một bằng chứng khác cho thấy dịch vụ bản đồ bên MyFireWatch chưa thực sự chính xác. Các vệ tinh đôi khi có thể mắc sai sót và bỏ qua nhiều vụ cháy do bề mặt đất bị che phủ bởi khói bụi hay mây mờ hoặc không đủ sức nóng. Một số trường hợp như đốt lửa trại, hay những vụ hỏa hoạn diện nhỏ bị khuất dưới các tán cây dày đặc trong rừng, sẽ khó lòng bị phát hiện bởi các vệ tinh nhân tạo.

Trang web MyFireWatch có cung cấp cảnh báo về những sai sót và hạn chế trong việc phát hiện hỏa hoạn thông qua dữ liệu vệ tinh. Họ khuyến cáo, cân nhắc người xem trước khi sử dụng tấm bản đồ. Tuy nhiên, phần đông không để ý tới chi tiết này. Họ mải share hoặc retweet.

Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia ảnh 4
Sự thực về tấm bản đồ được "share thiếu hiểu biết" về cháy rừng ở Australia ảnh 5
Hai hình ảnh khác chứa thông tin sai lệch hoặc dữ liệu không đáng tin cậy về cháy rừng ở Australia.

Link bài gốc: https://ione.vnexpress.net/tin-tuc/nhip-song/hong/tam-ban-do-duoc-share-thieu-hieu-biet-ve-chay-rung-o-australia-4038627.html

Theo ione.vnexpress.net
MỚI - NÓNG
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
Hoa hậu H’Hen Niê đồng hành cùng các hoạt động hướng đến người dân gặp khó khăn
HHT - Hoa hậu H'Hen Niê vừa có chuyến công tác tại tỉnh Điện Biên, hưởng ứng "Tháng Nhân đạo năm 2024 cấp Quốc gia", đồng hành cùng Trung ương Hội chữ thập đỏ Việt Nam trong chuỗi hoạt động “Hành trình nhân đạo, trao nhận yêu thương” hướng đến trẻ em, phụ nữ, người dân gặp khó khăn tại Điện Biên.

Có thể bạn quan tâm