Hồi mới vào đại học, có lần tôi tổ chức ăn tối cùng một số bạn bè. Chúng tôi dành cả ngày để cùng nhau nấu ăn. Rất nhiều món được chuẩn bị: thịt gà, khoai tây, quả đậu, khoai lang, và tất nhiên là bánh mỳ ngọt nữa. Tôi nhận trách nhiệm làm bánh mỳ ngọt. Sau này, khi nhìn lại, tôi nghĩ đây đúng là một sai lầm.
Từ nhỏ, tôi đã thích ăn… bột sống. Hầu như mọi loại bột: bột làm bánh quy, bột làm bánh ga-tô, bột làm bánh mỳ… Bạn hiểu không, tức là không phải bột mỳ không thôi, mà là một mẻ bột đã trộn để làm loại bánh gì đó, nhưng chưa nướng. Tôi cũng không hiểu sao mình mê món bột sống đến thế.
Và thế là, tôi cán mỏng âu bột đã lên men, rồi cắt một góc và ăn nó, rồi lại cán thêm chút nữa, cắt và ăn, lại cán, lại cắt, lại ăn… Tôi không thể nhớ được là mình đã ăn bao nhiêu bột trước khi bánh được nặn thành hình và đưa vào lò. Tôi chỉ nhớ rằng đó là một buổi chiều tuyệt vời.
Cho đến khoảng nửa tiếng sau đó.
Có vẻ như (hoặc bạn có thể đã biết) men thích môi trường tối, ẩm và ấm. Trong bụng tôi, men đã tìm được môi trường như thế và làm cái điều mà nó vẫn làm tốt nhất: nó sinh sôi, và tăng trưởng. Và tăng lên. Và tăng lên nữa.
Sau một lúc, tôi cảm thấy như mình là một bao bột mỳ biết ợ hơi!
Chẳng mấy chốc sau là đến giờ ăn, nhưng tôi quá đầy bụng, không ăn nổi thêm gì nữa. Có quá nhiều món ăn ngon lành mà tôi lại không thể ăn một miếng nào!
Ngày hôm đó, tôi học được một bài học mới về sức mạnh của men: Không cần quá nhiều cũng có thể tạo nên điều khác biệt.
Những điều bé nhỏ có thể tạo nên những khác biệt lớn. Những điều bé nhỏ như men bánh mỳ chẳng hạn. Và những điều bé nhỏ như lòng tốt.
Douglas, một cậu bạn 15 tuổi, sống ở bang Missouri (Mỹ), đã cảm thấy không khỏe suốt mấy ngày liền. Mẹ cậu là bà Donna đưa cậu đến phòng cấp cứu, nơi các xét nghiệm máu cho thấy một trong những điều đáng sợ nhất: Douglas bị chẩn đoán mắc bệnh bạch cầu.
Cuộc sống của Douglas đã thay đổi. Cậu bắt đầu hàng loạt những xét nghiệm, truyền máu, kiểm tra cột sống và tủy xương, và hóa trị. Những cơn đau thể chất là một chuyện, nhưng Douglas còn trở nên trầm cảm nữa. Mà có ai không thế chứ? Cậu ấy đang mất đi cuộc sống trước đây của mình, mất đi con người khỏe mạnh của mình. Những ước mơ đầy nhiệt huyết, những kế hoạch to lớn mà một cậu học sinh 15 tuổi đang ấp ủ, giờ đây biến mất, và tất cả những gì Douglas nhìn thấy chỉ là căn bệnh bạch cầu. Cậu thấy mình chỉ là một bệnh nhân không thể sống lâu nữa.
Douglas được nằm ở một bệnh viện tốt, với các bác sĩ tốt. Nhưng cậu không có hy vọng. Và không có hy vọng, thì tình hình đúng là nghiêm trọng rồi.
Một người cô của Douglas gọi điện cho tiệm hoa gần nhà. Bà đề nghị người chủ cửa hàng đặc biệt chú ý đến những yêu cầu của bà: "Tôi muốn những bông hoa và chậu hoa nhỏ phải rất đẹp mắt. Bởi chúng dành cho cháu trai tôi ở bệnh viện. Cháu tôi bị bệnh bạch cầu".
"Vậy mình sẽ thêm một số bông hoa vừa mới cắt ở vườn nhà để lẵng hoa trông tươi sáng hơn" – Người chủ cửa hàng hoa thầm nghĩ.
Khi lẵng hoa tới, Douglas cẩn thận mở phong bì đựng tấm thiệp và đọc những dòng chữ chúc sức khỏe của cô mình gửi. Rồi cậu nhìn thấy một tấm thiệp khác. Hóa ra, đó là thiệp của người chủ tiệm hoa. Cô ấy viết: "Douglas, tôi là người chuẩn bị lẵng hoa cho cậu. Tôi làm việc ở tiệm hoa. Tôi cũng bị bệnh bạch cầu khi tôi mới 7 tuổi. Bây giờ tôi đã 22 tuổi rồi. Chúc may mắn. Trái tim tôi ở bên cậu. Chân thành, Laura".
Douglas mỉm cười. Cuối cùng, cậu đã cảm thấy một chút hy vọng thực sự. Mà tại sao không cơ chứ? Bởi cũng có một người bị bệnh bạch cầu và giờ đây cô ấy vẫn sống khỏe mạnh và vẫn làm việc! Nếu cô ấy làm được, thì cậu cũng làm được. Douglas đã tìm được đúng điều mình cần: là hy vọng, và khát khao được sống.
Những điều nhỏ bé có thể tạo ra một sự khác biệt lớn. Những điều nhỏ bé như lòng tốt, những lời động viên, và hy vọng. Những điều nhỏ bé mà tất cả chúng ta đều có thể cho đi.
Và bạn thấy đấy, đâu cần gì nhiều để tạo nên một điều khác biệt lớn.