Thanh lọc công nghệ - trào lưu khuynh đảo thế giới
Theo công ty phân tích dữ liệu Globalwebindex, hiện nay 96% thế hệ Z trên toàn thế giới sở hữu cho riêng mình một chiếc điện thoại thông minh. Không những thế, khi được hỏi đến vật dụng “bất ly thân”, 7/10 công dân Z sẽ lập tức trả lời đó chính là các thiết bị kết nối Internet, chẳng hạn như điện thoại, máy tính bảng, laptop,... Phải thừa nhận rằng công nghệ là một phần không thể thiếu trong những “tháng năm rực rỡ” vì những tiện ích vượt bậc.
Tuy nhiên, theo nhà tâm lý học Jean Twenge, với thói quen “nghiện” online, thế hệ Z chúng mình đã mắc phải “căn bệnh” FOMO (Fear of Missing Out - hội chứng sợ bỏ lỡ thông tin trên mạng xã hội). Twenge cũng nhận định rằng thời lượng online càng nhiều sẽ khiến chỉ số hạnh phúc “tụt dốc” không phanh, hình thành sự cô đơn hay thậm chí là các bệnh tâm lí như áp lực dẫn đến trầm cảm.
Ngoài ra, mạng xã hội chính là “hố đen” nuốt chửng quỹ thời gian khổng lồ của chúng ta. Theo Globalwebindex: 3 tiếng 38 phút là thời gian trung bình Gen Z dành để lướt web, xem video, cập nhật thông tin,... Bạn Mai Hân (lớp 12, TP.HCM) chia sẻ: “Ngày nào cập nhật Facebook, tớ cũng thấy mọi người chia sẻ những thông tin không rõ nguồn gốc về kỳ thi THPT Quốc gia. Chẳng hạn như môn Toán phải tăng tốc độ làm bài làm bài gấp 10 lần hay mỗi môn phải trên 5 điểm mới được tốt nghiệp,... Thời gian ôn thi còn không đủ, vậy mà tớ còn mất thời gian kiểm chứng các thông tin xung quanh kì thi”.
Hơn nữa, công nghệ cũng chính là nguyên nhân tiềm tàng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu bạn thường xuyên “cắm cọc” trên máy tính, hãy chuẩn bị tinh thần đối mặt với cơn đau cổ tay trong tương lai. Ngoài ra, Gregory Marcus (giáo sư khoa Y Dược, trường University of California) cũng cho rằng sử dụng thiết bị điện tử trước khi ngủ chính là nguyên nhân hàng đầu tạo nên “bầy cú đêm” và làm giảm chất lượng giấc ngủ.
“Với thuật toán chuyển đổi video liên tục của Facebook và Instagram, tớ cứ xem hết video này đến video khác. Vì vậy mà có những hôm đến 3 giờ sáng tớ mới “chăn êm nệm ấm” đi ngủ. Đồng hồ sinh học đảo lộn đột ngột, sáng đi học tớ chẳng khác gì... xác sống lờ đờ. Học không xong, làm việc cũng không được!” - Ngọc Hân (cựu học sinh trường THPT Hoàng Hoa Thám, TP.HCM).
Chính vì thế, thay vì “quay lưng” với “hành tinh” kỹ thuật số, cả thế giới đã tập trung vào liệu trình “thanh lọc” công nghệ (digital detox) - tạm thời nói lời chia tay mạng xã hội và hạn chế tối đa tần suất tiếp xúc công nghệ. Bạn biết không, đây chính là cách mà những ngôi sao hàng đầu thế giới như Ed Sheeran, Selena Gomez, Kanye West, Kendall Jenner,... tìm lại sự cân bằng trong cuộc sống và kích thích sự sáng tạo đó!
“Lộ trình” thanh lọc cho mùa Hè thêm xanh!
Đừng nghĩ rằng “thải độc” điện tử là một điều xa tầm với. Chúng ta vẫn có thể bắt đầu công cuộc ấy bằng những điều “nhỏ mà có võ” dưới đây!
“Lấy độc trị độc”: Dùng công nghệ “đẩy lùi” công nghệ
Bạn có thể nhờ “trợ thủ” ứng dụng Calm để đếm số lần chúng ta mở điện thoại mỗi ngày. Từ đó, giảm dần số lần online trong những ngày tiếp theo. Ngoài ra, hãy sử dụng ứng dụng Forest - Stay focused để học cách từ bỏ chiếc điện thoại. Sử dụng ứng dụng này, bạn sẽ trồng một mầm cây tượng trưng. Nếu bạn để điện thoại “nghỉ xả hơi” trong thời gian nhất định, mầm cây ấy sẽ cứ mãi tốt tươi. Còn nếu lỡ tay mở điện thoại, mầm cây ấy sẽ héo úa ngay tức thì.
Tặng mình niềm vui ngày Chủ nhật
Trong bài viết Tự sự của một du cư kĩ thuật số trên blog cá nhân, Health Coach Nam Phương đã chia sẻ bí kíp “thanh lọc” thành công là dành ngày Chủ nhật để rút phích (Unplugged Sunday). Cụ tỉ, cứ hễ đến cuối tuần, chúng mình hãy “tạm biệt” tế bào lây nhiễm “virus số” bằng cách buông điện thoại để đọc sách, tập nhảy, giao lưu cộng đồng, sắp xếp lại nhà cửa,... Để buổi “thanh lọc” công nghệ thêm hiệu quả, Chị Nam Phương cũng khuyến khích chúng mình tắt mọi thông báo (notifications) trên tất cả ứng dụng điện thoại để không bị xao nhãng và “quyến rũ”.
Đừng tạo mối liên kết giữa các trang mạng xã hội
Trong các ứng dụng yêu cầu đăng nhập như Spotify, Airbnb, Instagram, Pinterest,... bên cạnh đăng kí tài khoản mới, chúng ta vẫn có thể sử dụng tài khoản Facebook. Với phương thức này, người dùng sẽ chẳng phải tốn công nhớ thật nhiều tài khoản với mật khẩu khác nhau.
Tuy nhiên, trong bài viết Vì sao chúng ta chẳng thể “chia tay” với Facebook trên trang Business Insider, cô nàng Katie Canales chia sẻ: “Khi tôi bắt đầu tìm hiểu làm thế nào để xoá tài khoản Facebook, tôi đã phải bất ngờ vì tài khoản được liên kết với 72 tài khoản trên các ứng dụng khác”. Chính vì thế, đừng dại dột mà “làm cầu nối” cho các ứng dụng khác bạn nhé!
Giả vờ “chia tay” với những “người tình” công nghệ
Life Coach Carole Ann Rice chia sẻ: “Đừng bỏ lỡ những điều bé nhỏ của cuộc sống bằng cách dành thời gian nhìn vào một chiếc màn hình”. Thế nên, hãy “giả vờ” để quên thiết bị điện tử tại nhà thường xuyên.
Bạn Thiên Quang (19 tuổi, trường ĐH RMIT) chia sẻ: “Có lần, tớ để quên điện thoại ở nhà. Thế là cả ngày hôm đó, tớ chẳng thể nào nghe nhạc, lướt Facebook hay chụp ảnh “sống ảo”. Nhưng đổi lại, hôm ấy tớ bắt đầu quan sát đoạn đường đi học kĩ hơn, nói chuyện với bạn bè nhiều hơn và dành thời gian làm bài tập hiệu quả hơn nữa! Thế là từ đó, mỗi ngày trong tuần tớ đều cố tình để quên điện thoại ở nhà!”. Tuy nhiên, với cách này, bạn nhớ rằng phải kể với những người xung quanh để mọi người đừng “tá hoả” khi không liên lạc được với chúng ta nhé!