Càng lớn, tôi càng nhận ra một điều, cảm nhận về Tết ở mỗi lứa tuổi rất khác nhau. Như những ngày còn nhỏ, tôi cực kì mong ngóng đến Tết. Đó là những tháng ngày thiên đường, được nghỉ học, được nhận lì xì, được mặc quần áo mới đi chơi…
Thế mà càng lớn, tôi thấy Tết càng ngày càng nhạt dần. Đó là khi mọi người lo lắng đến mất ngủ cho những khoản chi tiêu cuối năm. Đó là lúc mẹ tôi ngao ngán dọn mâm ra rồi dọn mâm vào. Đó cũng là lúc tôi trở về nhà rất muộn sau khi đã một vòng chúc Tết hết nhà này đến nhà khác, lòng tự hỏi: “Ủa, kì nghỉ của mình sắp chấm dứt rồi sao?”. Dường như càng lớn, Tết càng nhạt hơn và ít được mong đợi hơn.
Chỉ trẻ con là luôn một lòng “chung thủy” với Tết. Như bé Cải Cúc nhà tôi chẳng hạn. Cải Cúc là con gái của anh chị tôi, bé nhất nhà nên cũng được cưng nhất. Những ngày cuối năm, Cải Cúc lại khiến căn nhà nhỏ của chúng tôi lao xao với những câu hỏi: “Bao giờ Tết về hả ba? Tết này nhà mình có về quê chơi như năm ngoái không nội? Năm nay chú út nhớ lì xì cho con nhiều hơn mọi năm nghen…” Tựa cả nhà ngầm định vui với nhau, Cải Cúc như “thông tín viên” Tết của gia đình. Nhận chức mới, con nhỏ ra chừng hãnh diện lắm.
Nhà có trẻ con thì bao giờ cũng vui, hẳn vậy. Khách đến chơi nhà, con bé mũm mĩm chạy ra chào từ tận cửa, nhoẻn cười khoe cái răng sún do tật ham đồ ngọt. Khách về, lại là Cải Cúc lũn tũn tiễn khách. Năm nào tôi cũng trêu: “Năm nay Cải Cúc bội thu tiền lì xì rồi, cho chú vay nha”. Con nhỏ lại ỏn ẻn… giấu ngay xấp tiền vào tay mẹ. Cả nhà cười ồ.
Năm nay cũng thế, chưa đến Tết mà Cải Cúc nhà tôi đã quýnh hết cả lên. Không chỉ xin quần áo bút thước mới như tụi bạn, không hiểu nghe được ai, con nhỏ đòi năm nay cả nhà phải luộc bánh chưng. Ông nội nhìn bà nội, bà nội nhìn sang bố mẹ Cải Cúc, bố mẹ Cải Cúc lại nhìn tôi… Rồi ba tôi tặc lưỡi: “Thôi thì cũng lâu rồi, năm nay luộc lấy nồi bánh, rồi chia cho cả bà con xóm giềng nữa”.
Thế là năm nay nhà tôi có thêm điệp vụ “bánh chưng của Cải Cúc”. Như một hoạt náo viên, con bé lăng xăng khắp nơi, giúp bà nội rửa lá, ngắm nhìn người lớn trong nhà cất nồi bánh. Được hứa sẽ gói riêng cho mấy cái “bánh chưng nhí”, Cải Cúc quyết tâm ngồi trông nồi bánh cho bằng chín mới thôi. Khuya lắc, anh tôi phải bế con bé vào lúc đã ngủ gật ngon lành.
Đã lâu nhà tôi mới có một cái Tết vui như thế. Những kỉ niệm ngày xưa được ôn lại bên nồi bánh. Năm mẹ là cô dâu mới, lần đầu tiên ăn Tết ở nhà chồng; Tết năm hai anh em tôi cứ nhường nhịn nhau, xung phong với bố mẹ mặc lại quần áo cũ, nhường đồ mới cho anh/em; Cả kỉ niệm Tết năm nào vẫn còn Milu, con chó khôn hết biết đã sống cùng chúng tôi ngót chục năm, cũng được nhắc lại. Ai cũng bồi hồi và hân hoan nhớ lại chuyện cũ.
Sau đêm nay, cả nhà lại quay về với guồng quay bận rộn cuối năm. Nhưng có một lúc nào đó, khi mọi người chững lại, nhìn cái Tết qua con mắt trẻ thơ, lại thấy biết bao nhiêu là hi vọng. Là niềm vui sum vầy dịp Tết đến xuân về, là những ước ao năm mới cả nhà vẫn giữ sức khỏe tốt và mãi ở bên nhau. Mỗi năm lại bắt đầu bằng một mùa xuân, nên con người ai cũng hi vọng, phải không? Như trong giấc mơ của Cải Cúc cháu tôi, con bé chỉ ao ước giản dị: “Ngày đầu tiên của năm mới, mang theo chiếc bánh chưng tới chia với bạn bè…”
MINH DUY