Tác động của việc thủy điện Cảnh Hồng xả nước nhiều nhất kể từ đầu mùa khô

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Trong tuần cuối tháng 4/2022, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng (Trung Quốc) xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 2.424m3/s đến 2.942m3/s. Đây cũng là tuần xả nước xuống hạ lưu nhiều nhất từ đầu mùa kiệt đến nay, cả 5 tổ máy phát điện của thủy điện này được kích hoạt.

Theo Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam, dòng chảy về châu thổ sông Mê Kông phụ thuộc vào điều tiết thủy điện. Hai yếu tố thượng lưu quan trọng đến diễn biến nguồn nước, xâm nhập mặn ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là lượng trữ trong Biển Hồ (Tonle Sap) và dòng chảy đến Kratie ở Campuchia.

Trong nhiều tuần qua, mực nước đo được tại các trạm này đều cao hơn trung bình nhiều năm (TBNN) cùng thời điểm. Gần đây nhất, mực nước đo được hôm 28/4 tại Kratie ở mức 8,17m, cao hơn TBNN 1,73m và cao hơn nhiều mùa khô gần đây.

Tại trạm Chiang Saen (Thái Lan), mực nước đạt 3,68m, cao hơn TBNN 1,91m. Còn dung tích Biển Hồ khoảng 2,02 tỷ m3, cao hơn TBNN 0,37 tỷ m3 và cao hơn nhiều mùa khô gần đây.

Tại Việt Nam, mực nước tại trạm Tân Châu (sông Tiền) đạt 1,19m, cao hơn TBNN 0,06m. Tại Châu Đốc (sông Hậu) là 1,33m, cao hơn TBNN 0,07m. Tại các trạm Mỹ Thuận (sông Tiền) và Cần Thơ (sông Hậu), mực nước cũng cao hơn TBNN... Dự báo mực nước đầu nguồn ĐBSCL sẽ tăng trong thời gian tới.

Tác động của việc thủy điện Cảnh Hồng xả nước nhiều nhất kể từ đầu mùa khô ảnh 1

Dòng chảy về ĐBSCL cuối mùa khô năm nay cao hơn trung bình nhiều năm. Ảnh: Cảnh Kỳ

Trong tuần từ 21/4-28/4, xả nước từ thủy điện Cảnh Hồng xuống hạ lưu dao động trong khoảng từ 2.424m3/s đến 2.942m3/s, là tuần xả nước xuống hạ lưu nhiều nhất từ đầu mùa kiệt đến nay, cả 5 tổ máy phát điện của thủy điện Cảnh Hồng được kích hoạt.

Mực nước tại Cảnh Hồng ngày 28/4 ở mức 537,82m tương ứng với lưu lượng khoảng 2.942m3/s. Các hồ chứa trên lưu vực sông Mekong còn dung tích điều tiết bình quân vào khoảng 36,9%, tương đương với tổng dung tích còn khoảng 24,1 tỷ m3.

Dự báo lưu lượng dòng chảy bình quân từ Kratie về ĐBSCL tháng 5/2022 đạt 5.000m3/s, cao hơn 1.708m3/s so với TBNN…

Theo cơ quan chuyên môn, việc gia tăng xả nước từ thủy điện ở Trung Quốc và hạ lưu vực sông Mê Kông sẽ góp phần giảm xâm nhập mặn (XNM) cho ĐBSCL. Dự báo XNM tháng 5 có xu thế giảm dần, với ranh mặn 1g/l trên sông Tiền sâu 30-45km, sông Hàm Luông 40-50km, các cửa sông khác 30-45km...

Hệ lụy của dòng chảy cao bất thường

Các đập thủy điện thượng nguồn thường tích nước trong mùa lũ. Đến mùa khô, các đập vận hành xả nước để phát điện, làm tăng mực nước sông Mê Kông và dòng chảy về ĐBSCL, điều này giúp giảm XNM cho vùng ven biển.

Tuy nhiên, theo PGS Lê Anh Tuấn - cố vấn khoa học Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu, Đại học Cần Thơ, việc các đập thủy điện xả nước làm nước sông Mê Kông dâng cao trong mùa khô cũng sẽ gây khó cho chính người dân vùng ven biển. Bởi người dân cần nước mặn để nuôi trồng thủy sản, trong khi nước ngọt về nhiều sẽ đẩy mặn ra xa. Ngoài ra, hiện tượng nước sông lên cao bất thường sẽ làm rối loạn hệ sinh thái, đảo lộn quy luật mùa khô - mùa mưa.

Chuyên gia nghiên cứu độc lập về sinh thái vùng ĐBSCL Nguyễn Hữu Thiện phân tích, việc tích nước trong mùa lũ năm trước làm cho dòng chảy lũ yếu đi, đồng nghĩa bùn cát, phù sa cũng ít được tải về ĐBSCL, đây cũng là một trong những nguyên nhân gây sạt lở bờ sông, bờ biển ở ĐBSCL.

Mùa lũ (mùa nước nổi) không có thì đất đai ở ĐBSCL sẽ dần bạc màu do thiếu phù sa; nguồn lợi thủy sản tự nhiên cũng khan hiếm dần.

Trong khi đó, đến mùa khô, thủy điện xả nước từng đợt làm mực nước biến động bất thường, có thể làm giảm mặn cho vùng hạ lưu nhưng không ổn định, mặt khác tạo ra những tín hiệu giả của dòng sông, làm cho hệ sinh thái đảo lộn, gây hệ lụy lâu dài và khó nhận thấy hơn.

MỚI - NÓNG