Tác nghiệp vùng rốn lũ

0:00 / 0:00
0:00
TP - Sinh ra ở vùng chiêm trũng, tuổi thơ của tôi gắn liền với những trận lũ, đó là những trận “đại hồng thủy” ngập tới mái nhà, cả gia đình tôi cuống cuồng lánh nạn, làng xóm nhao nhác, hỗn loạn trong đêm. Thấm hiểu cảm giác giữa mưa lũ bao vây tứ bề, nên khi có lệnh điều động của Ban Biên tập, chúng tôi hào hứng “xách ba lô lên và đi”.

Gian nan

Cuối năm 2020, bão số 8 trực chỉ miền Trung, mưa xối xả gây ngập lụt trên diện rộng ở Bắc Trung Bộ. Hồ thủy lợi Kẻ Gỗ no nước xả lũ, hàng vạn ngôi nhà ở hạ du huyện Cẩm Xuyên, TP Hà Tĩnh bị nhấn chìm trong biển nước. Tại Quảng Bình, mực nước sông Kiến Giang, sông Nhật Lệ lên mức báo động đỏ, lũ dữ tàn phá huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh và nhiều vùng phụ cận. Tôi nhận lệnh sắp xếp đồ đạc, máy móc, chuẩn bị đón Trọng Tài, Võ Hóa từ Hà Nội vào.

Khoảng 22h30 đêm 21/10, nhóm phóng viên “hội quân” ở thành Vinh. Anh em chúng tôi nhiệt huyết căng trào, đồng lòng lên đường làm nhiệm vụ. Đêm tháng 10 dài dằng dặc, ngoài trời bão giông cuồng rít, mưa dội mái tôn gây tiếng động liên hồi, âm thanh nhiễu loạn, mọi người không ngủ được, ai cũng trằn trọc mong trời sáng để lên đường vào rốn lũ…

“Lần đầu tiên tác nghiệp lũ lụt nên mình thấy bồn chồn lo lắng quá. Nhưng thấy mọi người quyết tâm như thế, mình cũng vững tin hơn nhiều”, phóng viên Trọng Tài chia sẻ.

Khoảng 6 giờ sáng 22/10, bốn anh em lên xe hành quân vào Hà Tĩnh, Quảng Bình, phương châm là nước rút tới đâu di chuyển tới đó để đưa tin thời sự diễn biến lũ lụt. Sau thùng xe chất đầy áo phao, mì tôm, bánh gạo, nước uống dự phòng. Mưa mịt mù, tắc đường hàng cây số. Gần 9 giờ sáng, cả nhóm mới tiếp cận thành phố Hà Tĩnh. Phóng viên Hoài Nam thường trú tại Hà Tĩnh đã đợi sẵn ở ngoại thành.

Theo Hoài Nam, chỉ có đường tránh thành phố mới có thể lưu thông. Nước lũ chảy cuộn xiết qua đường, nhiều chiếc xe máy bị cuốn trôi mắc lại ở lan can, thậm chí ô tô gầm thấp cũng bị lũ cuốn khi tài xế cố tình vượt qua đoạn nước xiết. Không ít lần, anh em hú hồn vì chiếc xe bị nước lũ đẩy về mép đường, nhưng nhờ vào tay lái cừ khôi của Quang Định, chúng tôi vượt qua chặng đường đầu tiên trong hành trình tác nghiệp và cứu trợ bà con vùng rốn lũ.

Tác nghiệp vùng rốn lũ ảnh 1

Phóng viên báo Tiền Phong trao nước ngọt, bánh chưng cho cậu bé ở rốn lũ Lệ Thủy

Sau khi liên hệ và đi nhờ được ca nô của Công an tỉnh Hà Tĩnh vào rốn lũ xã Cẩm Vịnh, huyện Cẩm Xuyên, nhóm phóng viên tiếp cận khu dân cư đang bị lũ lụt tàn phá. Trên nóc nhà, trẻ nhỏ, người lớn tuổi ló đầu ra khỏi cánh cửa bất đắc dĩ được mở ra từ mái ngói, họ hướng mắt về chúng tôi, vẫy tay xin cứu trợ. Từng gói mì tôm, chiếc bánh chưng, chai nước lần lượt tới tay người dân.

Chụp ảnh lấy thông tin, nhóm phóng viên ra một quán nhỏ sát quốc lộ 1A để xử lý tin bài gửi về tòa soạn. Đến 14h cùng ngày những chùm ảnh, clip, bài ghi nhận được hoàn thành và đăng tải trên báo Tiền Phong. Lót dạ bằng mấy chiếc bánh mì, anh em lại tiếp tục vào Quảng Bình, nơi bị lũ lụt tàn phá tan hoang.

Tác nghiệp vùng rốn lũ ảnh 2

Hình ảnh phóng viên trong lần tác nghiệp lũ lụt ở miền Trung

Sáng 23/10, chúng tôi quyết định chia thành 2 tổ để tác nghiệp. Tôi và anh Trọng Tài hướng về xã An Thủy, huyện Lệ Thủy. Đây là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất và khó tiếp cận nhất trong trận “đại hồng thủy”.

Có mặt từ sáng sớm bên quốc lộ 1A, đoạn qua thôn An Đình, xã Hồng Thủy, nhưng phải đợi gần 2 giờ đồng hồ, chúng tôi mới liên hệ xin được “quá giang” xuồng cứu trợ của đơn vị từ thiện đi đến thôn Tân Lệ, xã An Thủy. Ăn vội nắm xôi, 2 anh em cùng 4 người khác lên chiếc xuồng nhỏ đã chất đầy mì tôm, bánh chưng, nước sạch.

Tác nghiệp vùng rốn lũ ảnh 3

Giữa biển lũ mênh mông, chiếc xuồng trở nên nhỏ bé bởi gió to, sóng lớn vỗ từng đợt liên hồi, nước bắn tung tóe vào người. Giữa đường, xuồng gặp sự cố hỏng máy, 6 người trên xuồng tái mặt, chuẩn bị tình huống xấu nhất. Loay hoay gần 10 phút người lái thuyền mới khởi động được máy nổ và tiếp tục di chuyển. Thuyền nhỏ “cưỡi sống lưng thủy quái” vào tận từng ngõ xóm, đường làng đang ngập chìm trong nước. May mắn, người lái xuồng là ngư dân nên sự lão luyện có thừa.

Khoảng 30 phút giữa biển lũ, thôn An Đình, xã Hồng Thủy, hiện ra trước mắt. Lũ lụt bủa vây tứ phía, thôn nhỏ này biến thành một ốc đảo, hàng cây bàng bao bọc thôn chỉ còn thấy ngọn, vướng trên cành là xác lợn, gà, vịt nổi lềnh bềnh. Thấp thoáng phía sau là những nóc nhà nhô lên, thoi thóp giữa biển nước mênh mông.

Chui vào nóc nhà nơi dân tránh lũ

Xuồng đến đầu thôn, trên nhiều nóc nhà, mái ngói được lật ra, già, trẻ, gái trai thò đầu ra ngoài. “Chúng tôi ở đây, cho thức ăn với, đói quá”, một người phụ nữ lên tiếng. Đến ngôi nhà đầu tiên đập vào mắt là một lão nông tóc đã bạc phơ. Cố gắng cho xuồng lại gần, tôi mon men sang mái nhà đưa thùng mì tôm, hai chai nước sạch, hai cái bánh chưng cho lão nông và nhìn vào qua kẽ ngói thấy một cụ bà ốm yếu. Tôi đề nghị được ở lại xem hai ông bà cần gì hỗ trợ, nhân tiện tác nghiệp. Vào trong cùng lão nông qua “cánh cửa bất đắc dĩ”, tôi giật mình bởi khung cảnh trước mắt. Tối tăm, chật hẹp, ngộp thở.

Dưới ánh sáng hạn chế từ một lỗ mái ngói, tôi tiến về phía bà để hỏi thăm nhưng do không quen và không chú ý nên đầu tôi đập đúng viên ngói. Thấy vậy, cụ bà cố gắng nhoài người dậy, tôi ngăn “bà cứ nằm yên ạ, di chuyển nguy hiểm lắm”. Trần nhà được kê mấy tấm gỗ thành phản làm nơi lánh nạn, phía dưới là nước lũ đục ngầu, vật dụng bằng nhựa trôi tìm lối thoát ra ngoài. Sóng lũ đập vào bức tường chưa bị ngập. Lo lắng có phần hoảng sợ, bởi ngôi nhà cũ kĩ, được làm từ rất lâu, nếu lũ “tấn công” thế này ngôi nhà sao chịu nổi?

Những con thuyền rú ga rẽ sóng, nhóm phóng viên lại lên đường tác nghiệp. Đó là những chuyến đi không mệt mỏi dù phía trước gian nan và hiểm nguy rình rập. Chúng tôi lên đường bằng đam mê với nghề, trách nhiệm của tuổi trẻ, của người cầm bút.

Tấm phản kê trên cùng với sự chật hẹp của nóc ngôi nhà cấp bốn chỉ khoảng 4m2, thả chân xuống là chạm nước lũ. Bắt chuyện, tôi biết người đàn ông chui trốn lũ ở đây tên là Nguyễn Văn Cảnh (67 tuổi) và vợ là bà Nguyễn Thị Lý (65 tuổi).

Các con đi làm xa, hai ông bà ở nhà nương tựa vào nhau. “Đây là đợt lũ kinh hoàng nhất, lũ lên nhanh, người trong thôn trở tay không kịp, tài sản bị lũ cuốn trôi mất trắng”, ông Cảnh nói.

Mải mê nói chuyện, tôi giật mình bởi đã 1 giờ đồng hồ trôi qua nhưng thuyền cứu trợ chưa quay lại đón. Đúng lúc, phóng viên Trọng Tài gọi điện là thuyền quay đầu chở 2 người bị bệnh nặng đi cấp cứu. Dọc hành trình vào rốn lũ, không chỉ là việc cập nhật thông tin, hình ảnh những làng mạc xơ xác, tiêu điều, mà nhóm phóng viên báo Tiền Phong còn tham gia cứu trợ bà con vùng lũ.

MỚI - NÓNG
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
Nhiều ngôi sao thể thao thế giới tới Việt Nam
TPO - Trong dịp 30/4-1/5, người hâm mộ bất ngờ đón chào tay vợt huyền thoại Roger Federer, vận động viên golf nổi tiếng Sir Nick Faldo khi họ du lịch tới Hội An, Quảng Nam. Tại Đà Nẵng ngày 28/4, các siêu sao bóng đá Brazil đã xuống bãi biển Đà Nẵng chơi bóng cùng người hâm mộ. 
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
Cụ ông tử vong nghi do sốc nhiệt
TPO - Khi đang đi trên đường để về nhà giữa nắng nóng 42 độ C, cụ ông 80 tuổi ở Hà Tĩnh bị ngất xỉu. Nạn nhân được đưa đến bệnh viện, nhưng tử vong sau đó nghi do sốc nhiệt.
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
Đổ xô đi đảo Lý Sơn
TPO - Từ ngày 27-29/4, huyện đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi đón hơn 6.000 lượt du khách đến tham quan, du lịch. Ban quản lý Cảng Sa Kỳ đã bố trí tăng hàng chục chuyến tàu cao tốc, siêu tốc mỗi ngày. Hiện toàn bộ cơ sở homestay, nhà nghỉ, khách sạn trên đảo đã kín phòng.