Tại sao chúng ta có cảm giác “mình từng trải qua chuyện này rồi”, dù thực tế chưa hề trải qua?

0:00 / 0:00
0:00
HHT - Có một hiện tượng - hoặc một cảm giác - rất kỳ lạ, đó là khi bạn thấy như thể mình đã trải qua chuyện này rồi, đã tới nơi này rồi…, nhưng trên thực tế đó là chuyện lần đầu xảy ra, là nơi lần đầu bạn đến. Cảm giác này thậm chí khiến nhiều người hơi… sợ. Nhưng các nhà khoa học thì tin rằng họ đã tìm ra được lý do rồi.

Lần đầu tiên bạn tới một nơi, và bạn bỗng thấy hình như mình biết rõ nơi này, hình như mình đến rồi, hoặc mình từng thấy nó… trong mơ rồi.

Một chuyện vừa xảy ra, và bạn bỗng thấy hình như chuyện này từng xảy ra rồi, bạn biết rõ là nó đã/ sẽ xảy ra thế nào, hoặc bạn từng trải qua nó… trong mơ rồi.

Đó là hiện tượng khiến con người thấy khó hiểu suốt nhiều thế hệ, gọi là déjà vu (trong tiếng Pháp có nghĩa là “đã từng thấy rồi”). Cái cảm giác này thường khiến người ta ngạc nhiên, hoặc thấy hơi lạ lùng, hoặc hơi… sợ hãi.

Lúc ấy, rất nhiều ý nghĩ sẽ hiện ra: Có phải đây là chuyện từng xảy ra ở… tiền kiếp không? Chuyện này có tính tâm linh không? Hay mình là người đi xuyên thời gian? Hay là mình bị… hoang tưởng?...

Tại sao chúng ta có cảm giác “mình từng trải qua chuyện này rồi”, dù thực tế chưa hề trải qua? ảnh 1

Cảm giác "mình từng trải qua chuyện này rồi/ mình từng đến nơi này rồi" có thể khiến một số người lo lắng. Ảnh minh họa: Sleepsherpa.

Nhưng hóa ra, cảm giác này có một lý do hoàn toàn mang tính khoa học. Ít nhất là các nhà khoa học nghĩ rằng họ đã bắt đầu hiểu ra một trong những nguyên nhân của cảm giác này.

Nhà nghiên cứu Anne Cleary đã thực hiện một thử nghiệm dựa trên “giả thuyết quen thuộc Gestalt”.

Theo đó, Anne lập luận rằng cảm giác déjà vu thường liên quan đến một nơi chốn hoặc một cuộc trò chuyện. Cảm giác đó được gợi lên khi một người có ký ức về một nơi mà họ đã từng ở/ từng đến trong quá khứ, nhưng họ không lập tức nhớ ra được (não không kết nối ngay được với ký ức đó), và nơi đó có một vài đặc điểm tương tự với bối cảnh hiện tại của họ.

Chẳng hạn, bạn đi vào một tòa nhà và bỗng nhiên cảm thấy rằng bạn đã từng đến đây, dù trên thực tế là bạn chưa hề đến.

Tại sao chúng ta có cảm giác “mình từng trải qua chuyện này rồi”, dù thực tế chưa hề trải qua? ảnh 2

Các nhà khoa học cho rằng cảm giác "quen quen" là có lý do hẳn hoi. Ảnh minh họa: Getty Images/ Maskot [M] via Canva.

Theo giả thuyết quen thuộc Gestalt, nếu tình huống cũ (tương tự với khung cảnh hiện tại) không hiện ra rõ ràng trong đầu bạn, thì bạn có thể chỉ còn lại một cảm giác mạnh mẽ về sự quen thuộc, tức là thấy tình huống/ địa điểm hiện tại rất quen.

Theo tờ The Conversation, Anne Cleary cho biết: “Đúng như chúng tôi dự đoán, cảm giác déjà vu hay xuất hiện nhất khi ai đó ở trong một bối cảnh có cùng những sự sắp xếp nhất định về không gian so với một bối cảnh trước đó họ từng thấy, nhưng không nhớ ra được”.

Tuy nhiên, sự tương tự trong sắp đặt về không gian (ví dụ, cấu trúc, sắp xếp đồ đạc…) không phải là lý do duy nhất tạo ra cảm giác déjà vu, mà đội ngũ nghiên cứu tin rằng có nhiều yếu tố khác ở môi trường, trong cảm xúc... sẽ khiến một người cảm thấy một khung cảnh hay một tình huống nào đó là quen thuộc, như thể đã từng trải qua.

Vậy nếu lần sau bạn có cảm giác kỳ lạ này, hãy nhớ là mình không bị hoang tưởng, cũng không phải từng thấy nó trong mơ đâu nhé!

Tại sao chúng ta có cảm giác “mình từng trải qua chuyện này rồi”, dù thực tế chưa hề trải qua? ảnh 6
Theo nhiều nguồn tin
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm