Nhu cầu nhân lực tốt nghiệp trường nghề gấp 4 lần cử nhân đại học
Theo khảo sát từ Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM (Falmi), nhu cầu tuyển dụng nhân sự trình độ nghề chiếm đến 68%. Trong khi nhu cầu trình độ đại học đã qua đào tạo chỉ khoảng 17%. Cơ hội dành cho các “tân binh” chưa có kinh nghiệm thì chỉ còn khoảng 15%.
Biểu đồ thể hiện tỷ lệ nhu cầu nhân lực theo trình độ. (Nguồn: Falmi) |
Tuy nhiên, nguồn cung lại có sự chênh lệch lớn so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực đã qua đào tạo, có kinh nghiệm trong nghề. Nguồn cung trình độ nghề (cao đẳng, sơ đẳng, trung cấp) chỉ chạm đến mốc 38% trong tổng số 43.000 lao động (trong khi nhu cầu là 68%). Đối với nhóm trình độ đại học, con số này lại lên đến 36% (trong khi nhu cầu tuyển dụng chỉ đạt 17%).
Có thể nhận thấy, doanh nghiệp cần rất nhiều nhân lực lành nghề nhưng nhu cầu chỉ có thể đáp ứng được hơn nửa, trong khi nguồn lực lao động trình độ đại học lại dư thừa gấp đôi. Đồng nghĩa với việc, sẽ có một lượng lớn sinh viên ra trường phải làm trái ngành hoặc rơi vào tình trạng thất nghiệp còn thợ nghề/ kỹ sư thực hành làm không hết việc.
Gen Z không mấy hào hứng với lựa chọn học nghề
Theo thống kê, TP.HCM hiện có 59 trường cao đẳng và 64 trường trung cấp. Mặc dù có lợi thế tuyển sinh quanh năm, nhưng nhiều cơ sở giáo dục chỉ mới đạt được hơn 50% chỉ tiêu, giảm gần 30% so với những năm trước.
Nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay nhiều trường đại học bắt đầu mở rộng, ngành nghề cũng đa dạng và phong phú hơn. Một số ngành được đào tạo ở đại học chứ không chỉ có ở cao đẳng như những năm về trước. Vì thế teen cũng có xu hướng “ưu ái” theo học cấp bậc đại học thay vì đăng ký trường nghề.
Trương Thế Diệu (sinh viên CĐ nghề Bách Khoa) thi đấu và giành huy chương bạc môn Nghề phay CNC tại cuộc thi tay nghề thế giới 2019. (Ảnh: DENSO) |
Bạn Lý Lệ Quân (ĐH KHXH&NV TP.HCM) chia sẻ: “Một số người bạn xung quanh mình quan niệm việc học nghề chỉ là lựa chọn bất đắc dĩ. Tuy nhiên mình cảm thấy đây là một hình thức học phù hợp đáng cân nhắc bởi cơ hội việc làm cao. Nhiều bạn cũng lựa chọn học nghề vì đam mê và muốn theo đuổi công việc đó”.
Bên cạnh đó, do tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến việc tổ chức giảng dạy tại trường, các trường nghề cũng trở nên “vắng vẻ” vì khó thu hút học viên bằng hình thức trực tuyến. Nhiều teen cũng “ngại” đăng ký học khi thành phố vẫn còn giãn cách xã hội.
Cơ hội việc làm cao khi theo học nghề
Thực chất, đại học không phải là cách để trau dồi kiến thức tốt nhất. Mỗi teen sẽ có định hướng khác nhau, tùy theo tính chất ngành nghề mà lựa chọn hình thức học tập phù hợp với bản thân. Cách đào tạo giữa trường trung cấp, cao đẳng cũng có sự khác biệt khi các học viên được thực hành, đào tào kỹ năng chuyên môn từ sớm.
Chia sẻ về ước mơ được mở một hiệu làm tóc của riêng mình, bạn Thu Thanh (huyện Nhà Bè, TP.HCM) tâm sự: “Mình đã xác định ngay từ khi vào phổ thông là mình sẽ theo học nghề. Vì đại học cũng không đào tạo những ngành nghề như mình muốn theo đuổi”.
Nghề tạo mẫu tóc hiện đang được nhiều bạn trẻ yêu thích. |
Thị trường nhân lực đang ngày càng thiếu hụt những “tay nghề” trẻ có trình độ cao, được đào tạo chuyên sâu. Tuy nhiên, ở những công việc đòi hỏi kỹ năng cao, thao tác phức tạp sẽ khó có thể sử dụng máy móc, robot thay thế vì chi phí đắt đỏ. Vì thế, những bạn trẻ có tư duy và kinh nghiệm trong nghề đang là nguồn nhân lực mà các nhà tuyển dụng muốn “săn lùng”.