Tổng thống Biden, trong phát biểu của mình sau khi quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp, đã nói về Myanmar bằng tên Burma. Burma thực ra là tên cũ của nước này, được đổi thành Myanmar từ năm 1989.
Trong phát biểu, ông Biden nói về “việc quân đội nắm quyền ở Burma”, “việc bắt giữ bà Aung San Suu Kyi”…
Trong cuộc họp báo sau đó, Thư ký báo chí của Nhà Trắng là Jen Psaki đã lập tức được hỏi về cách dùng từ này của Tổng thống, rằng liệu dùng tên cũ Burma để gọi Myanmar có hợp lý không.
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: Photothek.
Jen Psaki đã phủ nhận việc Tổng thống có “ý” gì khi dùng từ Burma, đồng thời, bà cũng giải thích rằng theo chính sách chính thức của Nhà Trắng trước nay thì họ vẫn dùng tên Burma, nhưng cũng “dùng tên Myanmar như phép lịch sự trong những trường hợp giao tiếp nhất định”.
Khi bà Hillary Clinton là Ngoại trưởng, bà cũng luôn dùng tên Burma.
Hầu hết cộng đồng quốc tế, bao gồm Liên Hợp Quốc, đã dùng tên Myanmar, nhưng Anh và Mỹ trước nay vẫn dùng tên Burma.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Mỹ có viết rằng “Chính phủ Mỹ tiếp tục sử dụng tên Burma”.
Tuy nhiên, khi đến thăm Myanmar vào năm 2012, Tổng thống Obama khi đó đã dùng cả tên Burma và Myanmar.
Thư ký báo chí của Nhà Trắng trong cuộc họp báo. Ảnh: Chip Somodevilla/ Getty Images.
Còn tại Myanmar thì cái tên thực ra không có nhiều thay đổi. Trong ngôn ngữ của nước này, “Myanmar” chỉ là cách gọi trang trọng hơn của Burma. Nên tên quốc gia này thực ra chỉ được thay đổi trong tiếng Anh, theo AP. Ngay cả tại quốc gia này, các nhà lãnh đạo đối lập cũng làm rõ rằng việc các nước khác dùng tên nào cũng không quan trọng nhiều nữa.