Tân sinh viên mong muốn sau ngày 30/9 được đi học tập trung
Đến thời điểm này, nhiều trường Đại học đã chính thức kết thúc việc tuyển sinh 2021. Sinh viên trúng tuyển bắt đầu thực hiện các bước nhập học, sinh hoạt đầu khóa và chính thức bước vào năm học đầu tiên của bậc Đại học.
Trong bối cảnh mới của TP.HCM những ngày dịch COVID-19 dần được kiểm soát, các trường Đại học đều đưa ra thông báo "mở" về việc sinh viên tới trường học tập trung. Bên cạnh đó, đây cũng là mong muốn của nhiều bạn tân sinh viên.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Trà My (tân sinh viên ngành Kinh doanh Quốc tế, Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM) chia sẻ với Hoa Học Trò Online: "Mình nhận được email thông báo trúng tuyển của trường từ hôm 16/9. Hiện tại mình rất háo hức tới ngày được nhập trường. Tình hình dịch COVID-19 tại TP.HCM cũng đang có điểm sáng. Hy vọng sang tháng 10 có thể được tới trường học trực tiếp".
Cũng mong muốn như Trà My, bạn Mai Trang (tân sinh viên Đại học Bách khoa TP.HCM) bày tỏ: "Mong tới lúc trường cho học tập trung thì TP.HCM cũng bắt đầu trạng thái "bình thường mới", chứ nhà mình ở Bình Phước, cách trường cả trăm cây số, nếu chưa cho phương tiện công cộng, xe khách hoạt động trở lại thì mình cũng chẳng biết lên TP.HCM đi học bằng cách nào, lại còn chưa tìm nhà trọ nữa".
PGS-TS Nguyễn Xuân Hoàn, Hiệu trưởng trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM cũng ký ban hành kế hoạch tổ chức tuần sinh hoạt công dân đầu khóa. Trong đó, giai đoạn 1 triển khai các chuyên đề sinh hoạt trực tuyến, bắt đầu từ 27/9. “Trong quá trình triển khai, tại một thời điểm nào đó, nếu điều kiện thực tế cho phép tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập bình thường tại trường, ban tổ chức có thể chuyển đổi sang hình thức sinh hoạt trực tiếp”, thông báo ghi.
Ở giai đoạn 2, từ ngày 30/10 trở đi, trường ĐH Công nghiệp thực phẩm TP.HCM triển khai các chuyên đề sinh hoạt trực tiếp (nếu đến trường), trực tuyến (nếu chưa đến trường). Ở giai đoạn này, trường lưu ý việc tổ chức theo hình thức sinh hoạt trực tiếp chỉ thực hiện khi các điều kiện thực tế cho phép. Trong trường hợp dịch bệnh tiếp tục kéo dài và TP.HCM vẫn áp dụng giãn cách, ban tổ chức có thể chuyển đổi sang hình thức sinh hoạt trực tuyến.
Cùng với thông báo về việc học trực tuyến học kỳ 1 năm học 2021 - 2022, trường Đại học Văn hóa TP.HCM đề nghị sinh viên, học viên chưa đến trường để học tập trung từ nay cho đến khi có thông báo mới của trường.
Nỗi lo học phí sau đại dịch COVID-19
Sau thời gian dài bị ảnh hưởng từ dịch COVID-19, các khoản học phí trở thành gánh nặng với nhiều sinh viên, nhất là những sinh viên có gia đình ở địa bàn bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Trà My cho biết, ngành mà cô bạn theo học tại trường Đại học Công nghiệp thực phẩm TP.HCM có mức học phí khoảng 10 triệu đồng/ học kỳ, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch bệnh, số tiền này trở thành gánh nặng đối với gia đình Trà My: "Bố mẹ mình đều là lao động tự do, nghỉ việc suốt 4 tháng nay, giờ mình trúng tuyển ĐH thì gia đình vừa mừng vừa lo. Bố mẹ cũng phải chạy vạy khắp nơi, vay mượn các cô các bác để có tiền cho mình nộp học".
Vừa trúng tuyển vào ngành Thiết kế đồ họa của Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM, bạn T.T đã bày tỏ lo lắng khi phải chuẩn bị 11 triệu đồng để kịp nộp khi làm hồ sơ nhập học. Bạn T. cho biết đây là số tiền cần đóng cho một học kỳ, nhưng hiện gia đình T. đang khó khăn vì thời gian này không có thu nhập. Hiện cả nhà đang xoay tiền, T. cũng đang phân vân tính chuyển xuống cao đẳng học nghề để giảm tải áp lực kinh tế cho gia đình.
Còn N.D (Bình Dương) cho biết, cậu bạn đã trúng tuyển ở Trường ĐH Quốc tế (ĐH Quốc gia TP.HCM). Đây là trường mà D. thích, ban đầu khi đăng ký học gia đình D. vẫn nghĩ sẽ lo được học phí với khoảng hơn 20 triệu đồng/học kỳ.
“Trúng tuyển rồi mình mới thấy áp lực vì học phí cao. Ba mẹ mình nói nếu học cũng chỉ lo được học phí 1-2 năm đầu thôi vì giờ khó khăn. Hiện mình quyết định không nhập học nữa và đang xét tuyển bổ sung bằng học bạ ở một trường khác vì học phí thấp hơn” - N.D chia sẻ.