Tận thế ở chung cư

0:00 / 0:00
0:00
TP - Khoảng cách giàu nghèo trong xã hội vốn tồn tại ở bất cứ đâu đã được mổ xẻ trong Parasite (Ký sinh trùng) và đem lại thành công vang dội cho điện ảnh Hàn Quốc tại Oscar 2020. Mới đây phim Concrete utopia (Địa đàng bê tông) đang chiếu rạp với tên Địa đàng sụp đổ vừa được Hàn Quốc chọn tranh giải Phim nước ngoài hay nhất tại Oscar 2024.

Đây là bộ phim luận đề được xây dựng trên một bối cảnh phi lý. Bỗng một ngày toàn bộ thành phố bị sụp đổ bởi đại địa chấn, chỉ duy nhất một tòa chung cư còn nguyên. Hoàn toàn không có một sự trợ giúp nào từ thế giới bên ngoài. Nó giống như cả nền văn minh đã tận diệt. Giờ chỉ còn một đám người với những vật dụng, đồ ăn còn sót lại thì họ sẽ làm gì nhau để giành quyền kiểm soát chỗ “tài nguyên” cuối cùng đó?

Tận thế ở chung cư ảnh 1

Hoàng Cung - tên tòa nhà còn sót lại là nơi diễn ra trận đấu thiện/ác cuối cùng

Tất nhiên không có chuyện họ chia đều hay nhường nhịn chỗ của cải ít ỏi rồi cùng nhau chung sống những ngày còn lại. Vì thời gian sống xem ra cũng chính là thứ mà con người ta tranh giành nhau đầu tiên trong hoàn cảnh này. Vì ai sở hữu chỗ ở và càng nhiều đồ ăn sẽ càng sống lâu. Nếu không cướp tài nguyên từ người khác họ cũng phải cố sống cố chết để bảo vệ những gì mình may mắn có được. Tóm lại những hoạt động cuối cùng của những đại diện cuối cùng cho nhân loại sẽ thiên về hủy diệt.

Nếu nhìn một cách tổng quát, đây cũng chính là số phận của con người trên Trái đất - một hành tinh gần như biệt lập vì mãi chưa tìm ra một manh mối sự sống nào khác trong khắp vũ trụ. Tất nhiên không tìm ra không có nghĩa là không có, nhưng hiện nay hoàn cảnh của người Trái đất là như thế.

Phim thảm họa có nhiều và người ta vẫn xem như một thú giải trí, vì xác suất xảy ra những thảm họa lớn như phim là vô cùng nhỏ. Nhưng gắn với chung cư - mô hình sống phổ biến ở các đô thị ngày nay - có khi lại khiến nhiều người tò mò hơn.

Chung cư cũng là một tập hợp đông người sống ở một nơi, nhưng khác với làng xóm hay xa xưa là bộ lạc, quan hệ của những người cùng chung cư tương đối lỏng lẻo và rời rạc. Chuyện hàng xóm không biết mặt nhau hoàn toàn có thể hiểu được. Vì thế bi kịch mới xảy ra khi vào lúc khẩn cấp, quyền sinh sát lại được giao cho một người không phải cư dân là Kim Young Tak (Lee Byung Hun).

Hơn nữa Kim lại là sát nhân dù không phải loại máu lạnh giết người có chủ đích. Mà là “máu điên”, tức là khi lên cơn anh ta mất kiểm soát. Tất nhiên trước hết, anh ta cũng là một nạn nhân của đô thị khi phải vay nợ xã hội đen để mua nhà, nhưng rồi lại bị lừa. Thảm họa xảy ra không thể đúng lúc hơn khiến anh ta tình cờ và cũng buộc phải “sở hữu” một căn hộ. Nhưng không phải để sống những ngày như mơ mà để được ở đó, anh buộc phải biến thành quái vật.

Phần nhiều cư dân trong lòng đều muốn trục xuất những kẻ từ bên ngoài chạy trốn vào chung cư nhưng không phải ai cũng muốn nói ra, càng không muốn hành động. Kim chính là kẻ thực thi và thúc giục mọi người xông lên cố thủ mẩu địa đàng cuối cùng. Cùng lúc anh ta vừa là tội đồ vừa là người hùng.

Trong hoàn cảnh ngặt nghèo được đẩy đến mức cực đoan này, mọi người càng không biết phải xếp anh ta vào loại gì. Lúc đó không còn tòa án và cũng chẳng ai còn hơi sức và thời gian đâu mà phân định đúng sai, ta - địch… Đóng góp của phim có lẽ là vẽ ra được một nhân vật kỳ quái như vậy. Thực ra, trong dòng phim hậu tận thế, Địa đàng sụp đổ cũng chỉ được xếp vào hạng trung bình khá.

Rõ ràng phim đặt mục tiêu chiếu rạp, phục vụ khán giả đại trà nên không lột tả hết sự tuyệt vọng của tình hình cũng như sự dã man của con người. Nhưng dù sao phim cũng vạch ra được mặt tối của con người vẫn luôn tiềm ẩn, chờ khi gặp hoàn cảnh thuận lợi mới nổi lên. Liệu chúng ta có thể tưởng tượng được một kịch bản nhân văn hơn trong bối cảnh mà phim vẽ ra?! Cũng khó đấy.

Phim có một cái kết xoa dịu không tương xứng. Đùng một cái nhân vật hẳn là đáng sống nhất lại gặp một cộng đồng tử tế cũng không xa tòa chung cư “địa ngục” kia cho lắm.

Ở đây phim thể hiện một cái nhìn khá đơn giản về đẳng cấp. Rằng con người đối xử với nhau thế nào còn tùy vào họ thuộc tầng lớp nào - bình dân hay thượng lưu… Nhưng trong bối cảnh đó mà “nước sông” không phạm “nước giếng” cũng hơi lạ. Như thể có một phép màu nào đó ngăn cách các cộng đồng với nhau. Và vì đủ tốt nên nhân vật kia đã đi qua được ranh giới ấy...

MỚI - NÓNG