Tập làm nghệ nhân phố cổ

Hướng dẫn các em làm lồng đèn
Hướng dẫn các em làm lồng đèn
TP - Với mong muốn tạo một không gian bổ ích, giúp các bậc phụ huynh và các em thiếu nhi Thủ đô tìm hiểu về ý nghĩa của các nghề, các đồ chơi truyền thống, Ban quản lý phố cổ Hà Nội phối hợp với các nghệ nhân và thợ thủ công trưng bày và hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống nhân dịp Tết Trung thu.

Theo ông Phạm Tuấn Long - Phó trưởng Ban Quản lý phố cổ Hà Nội, hôm nay 5/9 khai mạc chương trình “Vui Tết Trung thu - em tập làm nghệ nhân”, mở màn cho các hoạt động văn hoá, vui chơi Tết Trung thu truyền thống tại các điểm di tích phố cổ Hà Nội “Năm nay, các em thiếu nhi Thủ đô sẽ có cơ hội tìm hiểu và tập làm các loại đồ chơi truyền thống dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân”, ông Long nói. 

Tại đây, các em nhỏ, các du khách sẽ được tìm hiểu ngày Tết Trung thu truyền thống. Đặc biệt, các em được học cách làm đồ chơi dân gian, tập làm nghệ nhân dưới sự hướng dẫn và giới thiệu của các nghệ nhân và thợ thủ công. 

Các em được tự tay tập làm các đồ chơi truyền thống trong ngày Tết Trung thu như: diều, ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, các loại đèn ông sao, đèn con thỏ, con tôm... Ngoài ra, các em còn được hướng dẫn chơi trò chơi Trí Uẩn - trò chơi ghép hình của Việt Nam do nhà cách mạng Trí Uẩn sáng tác. Từ bảy miếng ghép bằng gỗ, các em có thể ghép ra hàng nghìn hình khác nhau. 

Theo Ban Quản lý phố cổ, các hoạt động được diễn ra tại các di tích phố cổ từ ngày 5/9 đến hết ngày 8/9. Cụ thể, tại đình Kim Ngân (số 42 - 44 Hàng Bạc), sẽ là nơi trang trí, sắp đặt không gian Tết Trung thu truyền thống. 

Bên cạnh đó, nghệ nhân CLB diều truyền thống làng Bá Dương Nội (huyện Đan Phượng), hướng dẫn kỹ thuật làm diều sáo; Gia đình thợ thủ công Nguyễn Thị Tuyến xã Vân Canh (huyện Hoài Đức), giới thiệu cách làm đồ chơi bằng giấy (ông tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn trung thu …); Giới thiệu cách làm tàu thủy của thợ thủ công Nguyễn Mạnh Hùng đến từ phường Khương Đình (quận Thanh Xuân). 

Tại đình Đồng Lạc (38 Hàng Đào), thợ thủ công Nguyễn Văn Hậu, làng Xuân La, xã Phượng Dực (huyện Phú Xuyên), giới thiệu và hướng dẫn cách nặn tò he; còn tại Trung tâm thông tin di sản phố cổ Hà Nội (28 Hàng Buồm) sẽ biểu diễn nghệ thuật âm nhạc dân gian truyền thống.

MỚI - NÓNG