Tất cả chúng ta đều có điều gì đó để "thú nhận"

Tất cả chúng ta đều có điều gì đó để "thú nhận"
HHT - Chẳng có ai là không bao giờ mắc sai lầm và không bao giờ có việc gì để hối hận. Nhưng khi thừa nhận được những điều đó, thì chúng ta đều sẽ nhẹ nhõm hơn nhiều.

Tôi đọc một đoạn tin nói rằng, một công ty mới mở nọ đang tập trung vào nhu cầu được "thú nhận" của con người, cũng như sở thích của con người là nghe lén lời thú nhận của người khác.

Họ cung cấp dịch vụ điện thoại có thu phí và trang web cho phép khách hàng "tự thú" một cách ẩn danh – bất kỳ điều gì, từ chuyện ăn trộm lặt vặt, đến các cặp đôi có "người thứ ba", hoặc thậm chí là những ý nghĩ muốn làm hại người khác. Ngoài ra, mọi người cũng có thể lắng nghe hoặc đọc những câu chuyện tự thú của người khác (tất nhiên không ai biết ai vì tất cả đều ẩn danh, và việc nghe hoặc đọc chuyện của người khác mới là điểm thu hút nhiều người!). Sau một năm kinh doanh, công ty này – tên là "Đường Dây Thú Nhận" - đã thu về 17 triệu đôla. Họ đặt kế hoạch nâng số đường dây điện thoại dịch vụ từ 25 lên 100 đường dây.

Có rất nhiều người gọi điện ẩn danh để “thú nhận” điều gì đó.

Khi đọc điều này, tôi tự hỏi, những trang web "tự thú" có lợi ích thế nào với những người thực sự cần phải thú nhận điều gì đó. Bởi vì, với đa số mọi người, sự hối lỗi thì ít, mà sự tự bào chữa cho bản thân thì nhiều. Với dịch vụ như trên, bạn có thể cảm thấy rằng, những lời "thú nhận" đó cứ như việc tự gây sự chú ý rồi trở thành thứ để thỏa mãn tính tò mò của người khác. Thế nhưng, nói một cách nghiêm túc, thì nhu cầu được "thú nhận", hay lớn hơn nữa, là nhu cầu được nhận trách nhiệm về những lỗi lầm và những việc làm sai của mình trong quá khứ, là đặc biệt quan trọng, nếu bạn muốn thực sự được tự do và thoải mái trong cuộc sống.

Bởi người ta nói, sự thú nhận là tốt cho tâm hồn. Và nó cũng tốt cho cơ thể của bạn nữa. Nhà nghiên cứu James Pennebaker, tác giả của cuốn "Cởi mở: Sức mạnh hàn gắn của việc thể hiện cảm xúc", đã tìm hiểu một số lợi ích cho sức khỏe của việc "tự thú nhận". Theo ông, việc cố giữ bí mật ở một số người thực sự khiến họ phát bệnh. Ông cũng phát hiện ra rằng, những tội phạm đã thừa nhận tội lỗi của mình với những kỹ thuật viên điều khiển máy dò nói dối thường tỏ ra biết ơn bởi sự nhẹ nhõm về thể chất và tâm hồn mà họ cảm thấy sau khi "được trút hết ra", và thậm chí, họ còn gửi những tấm thiệp chúc mừng sinh nhật, thiệp cảm ơn tới những nhân viên đã lắng nghe câu chuyện của họ.

Nhà nghiên cứu, tác giả James Pennebaker.

Dường như những gì chúng ta giấu trong lòng không lặng lẽ ra đi. Nó có thể "tấn công" chúng ta từ bên trong. Những bí mật có thể trở thành nỗi ám ảnh và chúng ta sẽ không được "chữa lành", cho đến khi chúng ta được "trút" những ám ảnh đó ra. Vậy làm sao để cuối cùng chúng ta tìm được tự do, thoát khỏi những ký ức tiêu cực và tai hại đó? Những lời khuyên tốt nhất được đưa ra là thế này:

1. Thừa nhận. Hãy nói chuyện với ai đó mà bạn rất tin tưởng. Và nếu được, hãy nói chuyện với người mà bạn đã đối xử sai lầm. Hãy nhớ rằng, một lời xin lỗi không bao giờ bao gồm từ "nhưng". Đừng ngụy biện. Đừng hợp lý hóa những sai lầm của mình. Chỉ cần nói ra và nhận trách nhiệm. Bạn có thể sẽ ngạc nhiên rằng, những người khác thấu hiểu và thông cảm cho những sai lầm của bạn còn nhanh hơn là bạn tưởng. Nhưng cho dù họ không thông cảm cho bạn, thì việc bạn nhận trách nhiệm vẫn là đúng.

Việc thừa nhận sai lầm và xin lỗi có thể giúp hàn gắn một mối quan hệ.

2. Thứ hai, hãy sửa chữa, nếu có thể. Đây là bước thường bị bỏ qua nhất, nhưng lại giúp “chữa lành” nhiều nhất cho bạn, và cần thiết cho người đã bị bạn đối xử sai.

3. Tha thứ cho bản thân: dù người khác có tha thứ cho bạn hay không, thì bạn cũng hãy tha thứ cho chính mình. Một khi bạn đã làm tất cả những gì mình có thể, thì nếu cứ tự trừng phạt mình cũng chẳng giải quyết được gì cả.

Thừa nhận, sửa chữa, tự tha thứ. Nghe có vẻ đơn giản, nhưng không hề dễ dàng. Thật vậy, thoát khỏi những sai lầm trong quá khứ có thể là việc khó khăn, nhưng chắc chắn là xứng đáng với những nỗ lực của bạn.

Và phần "bù đắp" cho bạn sẽ là sức khỏe và sự yên bình trong tâm hồn. Hay nói cách khác, bạn lại được sống thật với bản thân mình.

Theo INTERNET
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Reply Y2K: Trái tim lớn của "bác sĩ thú cưng" cấp xóm dành cho những con vật nhỏ

Đậu Ván vẫn ít nói, vẫn đeo kính và có lẽ vẫn mơ làm bác sĩ. Tớ nghĩ chẳng nghề nào hợp với cậu ấy hơn thế. Bởi những người có tính thương yêu thực sự, chẳng cần phô diễn ồn ào, luôn sẵn lòng cứu giúp những vật nhỏ nhất như Đậu Ván sẽ làm được rất nhiều điều tốt lành cho cuộc sống này.