Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Với cộng đồng người Việt đông đảo trên thế giới, chúng ta không thiếu những nữ cầu thủ Việt kiều vừa có chuyên môn cao vừa khao khát trở về khoác áo ĐT Việt Nam. Vậy vì lý do gì nguồn lực dồi dào này đang bị lãng phí?
Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 1

Không phải đợi đến bây giờ, khi ĐT nữ Việt Nam thảm bại trước dàn cầu thủ lai của Philippines, vấn đề chiêu mộ cầu thủ Việt kiều mới được đặt ra.

Thời điểm Những nữ chiến binh làm nên kỳ tích lịch sử giành vé tới World Cup 2023, cựu HLV ĐT nữ Việt Nam Steve Darby đã đề xuất Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên tìm kiếm và mời gọi các cầu thủ Việt kiều sáng giá nhất về đầu quân. Trước đó nữa, năm 2019, Tổng thư ký VFF Lê Hoài Anh cũng tuyên bố “cánh cửa luôn mở rộng để đón các cầu thủ nữ Việt kiều có khả năng chuyên môn cũng như khát vọng cống hiến cho màu áo đội tuyển quốc gia”, đồng thời ông coi đây “là nguồn lực để gia tăng sức cạnh tranh cho đội nữ tại các đấu trường quốc tế”.

Thế nhưng cho đến nay, công tác chiêu mộ cầu thủ Việt kiều vẫn giẫm chân tại chỗ. ĐT nữ Việt Nam căng mình ở mọi đấu trường với dàn cầu thủ được coi là Thế hệ Vàng của bóng đá nữ. Và thất bại tại AFF Cup 2022 là hệ quả của sự đứt gãy thế hệ. Những trụ cột đã nhiều tuổi không đảm bảo thể lực trong khi các cầu thủ trẻ lại quá non. Khi cuộc cạnh tranh ở Đông Nam Á ngày càng khốc liệt, chúng ta có thể tụt lại phía sau khi đối thủ không ngừng tăng cường lực lượng bằng những cầu thủ có thể hình cao lớn lại được đào tạo bài bản ở các nền bóng đá tiên tiến.

Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 2

Alexandra Huynh, cầu thủ nữ gốc Việt đang chơi bóng tại Australia. (Ảnh: Colorado Athletics)

Dựa trên thống kê năm 2020, chúng ta biết rằng có khoảng 5,3 triệu người Việt sinh sống, làm việc trên 130 quốc gia và vùng lãnh thổ. Con số này còn nhiều hơn dân số của 112 quốc gia trên thế giới, đủ lớn để tạo nên nguồn lực vô cùng phong phú cho ĐT Việt Nam.

Khi đề xuất sử dụng Việt kiều, HLV Steve Darby đã đề cập đến Alexandra Huynh. Alexandra sinh năm 1994 tại Australia, đá hậu vệ và từng khoác áo Napoli (Italia), Fortuna Hjorring (Đan Mạch) trước khi trở lại Australia để gia nhập Western Sydney Wanderers. Tuy 1 lần đại diện cho Australia nhưng theo quy định mới của FIFA, cầu thủ có thể thay đổi đội tuyển quốc gia nếu không chơi quá 3 trận, Alexandra đủ điều kiện chơi cho ĐT nữ Việt Nam. Trong cuộc phỏng vấn, Alexandra chia sẻ rằng ý nghĩ được khoác áo ĐTQG Việt Nam khiến cô “nổi da gà”, bởi “nó giống như khám phá một phần chưa được biết đến trong tôi”.

Tại Mỹ, chúng ta có tiền vệ Katie Duong hiện khoác áo ĐH Stanford. Khi còn lại học sinh trung học, Katie là Cầu thủ xuất sắc nhất giải trung học toàn nước Mỹ với kỷ lục 35 đường kiến tạo cùng 26 bàn thắng. Được đánh giá là một tài năng toàn diện, Katie có lối chơi năng nổ, kỹ thuật vượt trội cùng khả năng chuyền và sút tốt (ghi 1 bàn, kiến tạo 4 sau 18 trận năm 2021). Nổi bật nhất ở cô là sự tự tin, trưởng thành trước tuổi. Chưa hết, các giáo viên cũ của Katie vẫn coi cô là hình mẫu cho lứa học sinh sau bởi sự thân thiện, khiêm tốn dù giỏi cả trong học tập lẫn thể thao.

Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 3Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 4Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 5Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 6

Theo thứ tự từ trái quả phải, trên xuống dưới: Katie Duong, Victoria Tran, Amber Nguyen và Sophia Nguyen.

Nhân nói đến chuyện học hành, Victoria Tran, tiền vệ của Trường Hải Quân Hoa Kỳ đã trải qua sáu học kỳ tại Học viện Hải quân với đạt điểm trung bình tích lũy 3,97. 3 mùa giải ở Patriot League, cô thi đấu 4.680 phút, ghi 7 bàn, kiến tạo 3 và 2 lần trở thành nhà vô địch. Đồng thời, cô 5 lần có mặt trong danh sách Supt vì thành tích học tập, quân sự, thể thao. Năm ngoái, Victoria Tran là một trong 30 ứng viên của giải thưởng quốc gia Senior CLASS Award dành cho sinh viên-vận động viên xuất sắc nhất và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng.

Cũng ở Mỹ, Sophia Nguyen là cái tên nổi bật khác. Trước khi khoác áo đội bóng ĐH Florida, Sophia trải qua một sự nghiệp trung học xuất sắc với thành tích 61 bàn thắng, 33 đường kiến ​​tạo trong 34 trận đấu cho trường Pensacola.

Bố của Sophia, ông Hung Nguyen chia sẻ rằng cô chơi bóng từ khi 5 tuổi và không chỉ đam mê, còn khao khát trở thành cầu thủ giỏi nhất. Là một tiền vệ nhưng có thể chơi như một tiền đạo, Sophia sở hữu đôi chân dài thanh thoát, tốc độ và cả sự nhạy bén trong việc đánh hơi bàn thắng.

Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 7

Hai chị em người Mỹ gốc Việt Chelsea và Kyah Le từng thử việc tại U19 Việt Nam. (Ảnh: Spokesman)

Ngoài Katie và Sophia còn có Jayden Nguyen đang thuộc biên chế đội trẻ Đại học Western Washington; Amber Nguyen, sinh viên năm ba, đồng thời là tiền vệ của ĐH Vanderbilt; Samantha Tran, tiền đạo của đội trẻ ĐH Stanford. Bên cạnh đó, cũng không thể không nhắc tới trường hợp hai chị em Chelsea và Kyah Le từ Mỹ về Việt Nam thử việc tại đội U19 hồi năm 2019.

Chelsea là tiền vệ nổi bật với khả năng sáng tạo và thuận cả hai chân còn Kyah là một tiền đạo rất tiềm năng. HLV người Nhật Bản Ijiri Akira của U19 Việt Nam khi ấy đã ca ngợi Chelsea rất khác so với các cầu thủ Việt Nam và có thể trở thành nhân tố quan trọng của đội tuyển trong tương lai. HLV Mai Đức Chung thì phấn khích khi xem băng ghi hình của cả hai, nói rằng họ có “lối chơi hiện đại”.

Trước khi trở lại Mỹ, gia đình hai cầu thủ này hy vọng “VFF hồi âm sớm” và “sẽ làm hết sức để lo thủ tục nhập quốc tịch cho các con”. Chelsea còn cho biết, “nếu được lựa chọn, tôi sẽ chọn Việt Nam vì ĐT nữ Mỹ từng dự World Cup còn Việt Nam thì chưa, tôi muốn cùng ĐT Việt Nam làm điều đó”.

Tất tần tật về dàn cầu thủ nữ Việt kiều thiện chiến, và tại sao họ chưa về Việt Nam? ảnh 8

Những cầu thủ Việt kiều như Sophia Nguyen sẽ là sự bổ sung chất lượng cho ĐT nữ Việt Nam. (Ảnh: PNJ)

Đã 3 năm trôi qua, ĐT nữ Việt Nam đạt được mục tiêu đầy tham vọng dự World Cup, Chelsea hiện chơi bóng cho ĐH Gonzaga (Mỹ) còn Kyah thi đấu nổi bật trong màu áo RES Roma (Italia). Nhưng họ vẫn chưa một lần đại diện cho Việt Nam. Nguyên nhân là khâu thủ tục. Dù có bố là người Việt nhưng cả hai không đáp ứng điều kiện “thường trú ở Việt Nam từ 5 năm trở lên tính đến thời điểm xin nhập quốc tịch”. Ngoài ra, do sinh sống ở nước ngoài đã lâu, bố mẹ của họ cũng không còn mang quốc tịch Việt Nam, đồng thời không có thẻ thường trú do cơ quan công an cấp.

Hồi năm ngoái, Alexandra Huynh cũng nói rằng “nếu nhập tịch chỉ đơn giản là ký tá giấy tờ, tôi sẽ lập tức cân nhắc. Có điều trên thực tế, nó phức tạp hơn bạn nghĩ, liên quan đến thời gian cư trú".

Vì chính sách và luật định, VFF cũng không thể làm gì hơn. Tuy nhiên một quan chức Liên đoàn từng chia sẻ, “Bộ Chính trị đã yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền cụ thể hóa và hoàn thiện hơn nữa các quy định về xuất nhập cảnh, cư trú, đi lại trong nước của người Việt Nam ở nước ngoài theo hướng thông thoáng, thuận tiện và đơn giản thủ tục”. Vì vậy chúng ta sẽ tiếp tục chờ và hy vọng được chứng kiến các tài năng gốc Việt tỏa sáng ở ĐT nữ một ngày không xa.

MỚI - NÓNG