TP.HCM: Đề thi sẽ được “nâng cấp” sát với thực tiễn
Theo thông tin mới nhất từ các đại diện của Sở GD&ĐT TP.HCM về kỳ thi tuyển sinh vào 10, hình thức thi và cấu trúc đề cả ba môn Toán, Ngữ văn và Ngoại ngữ sẽ được giữ ổn định. Tuy nhiên nội dung đề sẽ có thay đổi sát với thực tiễn nhằm phát huy khả năng của teen nhiều hơn các năm trước.
Cụ thể, phần câu hỏi về ứng dụng thực tiễn trong đề thi môn Toán còn được bổ sung thêm một số kiến thức lớp 9 như khối cầu, khối trụ... mà không tập trung vào hình chóp, hình lăng trụ và hình chữ nhật của lớp 8. Đề thi Ngữ Văn vẫn bao gồm ba phần thi: Đọc - Hiểu, Nghị luận xã hội và Nghị luận văn học, nhưng bạn có thể gặp câu hỏi mở cho phần Nghị luận văn học. Thay vì cho sẵn một tác phẩm nào đó, đề thi giúp teen lựa chọn tác phẩm mình yêu thích với dạng câu hỏi mới: “Em hãy giới thiệu một tác phẩm văn học mà em tâm đắc cho người nước ngoài”. Môn Tiếng Anh không có nhiều đổi mới, các câu hỏi sẽ liên quan nhiều đến chương trình học hơn.
Thông tin “nâng cấp” nội dung đề thi không khiến teen TP.HCM quá lo lắng, bạn Hoàng Anh (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) chia sẻ: “Dù sao thì trong quá trình ôn luyện, tớ cũng được hướng dẫn rất toàn diện và cụ thể nên chưa thấy có gì khó nhằn cả. Nhưng năm nay Sở GD-ĐT không công bố đề thi minh họa, chúng tớ hơi lo lắng một chút vì chưa được cọ sát xem đề thay đổi như thế nào”. Không có đề mẫu cụ thể giúp “trải nghiệm” độ khó và dự trù lượng kiến thức, “hội 04” ở TP.HCM sẽ phải ôn tập bao quát hơn để “cân” kỳ thi sắp tới.
Chạy nước rút với môn thi “giấu mặt”
Tuần qua, teen Hà Nội “dậy sóng” khi Lịch sử trở thành môn thi thứ tư. Theo đề thi minh họa được Sở GD&ĐT Hà Nội công bố, môn học này sẽ được thi theo hình thức trắc nghiệm trong 60 phút, gồm 40 câu bao gồm cả lịch sử Việt Nam và lịch sử thế giới nằm trong chương trình học lớp 9. Từ trước đến nay, đây là môn học khiến nhiều bạn “nhăn nhó” vì có lượng kiến thức phải ghi nhớ tương đối “đồ sộ”. Vậy nên lúc biết môn thi thứ tư sẽ là Lịch sử, các sĩ tử không khỏi lo lắng vì chẳng biết nên học thế nào cho kịp trong hơn hai tháng cuối.
Bạn Phương Thảo (trường THCS Cổ Nhuế, Hà Nội) chia sẻ: “Nếu trước đây bạn không chú trọng học lịch sử thì lượng kiến thức phải học rất lớn vì môn học này có nhiều chi tiết nhỏ lẻ cần học thuộc như ngày tháng, nhân vật, sự kiện. Mình nghĩ rằng cứ ôn thật chắc theo từng sự kiện, lịch sử Việt Nam trước vì xuất hiện nhiều hơn trong đề thi, sau đó trở lại ôn lịch sử thế giới”.
Đặc biệt, Lịch sử được thi theo hình thức trắc nghiệm nên các mốc thời gian, nhân vật trong phần đáp án dễ khiến các bạn học sinh nhầm lẫn. Điều này yêu cầu teen phải nhớ hiểu các sự kiện chứ không chỉ là học vẹt. HE CSP (CLB Lịch sử trường THPT chuyên Sư Phạm) chia sẻ “bí kíp” nhớ Lịch sử của mình: “Chúng mình thấy đề thi chỉ yêu cầu ở mức vận dụng thấp và hiểu biết trong sách giáo khoa nên các bạn học sinh cần nhớ ý cốt lõi. Các bạn có thể lập ra những mốc thời gian lịch sử đã học trong lớp 9 và các sự kiện quan trọng, không cần đi sâu quá nhiều vào chi tiết. Cũng có thể tóm gọn lại ý lớn bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy. Lập ra ba sơ đồ tư duy lớn bao gồm: lịch sử thế giới hiện đại, lịch sử Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống thực dân Pháp và Việt Nam trong thời kì kháng chiến chống đế quốc Mĩ. Như vậy thì lúc ôn thi sẽ không bị bỏ sót mốc sự kiện, cũng dễ hệ thống kiến thức luôn”.
Nếu hai tháng cuối để ôn thi “cấp tốc” vẫn buộc các bạn ở Hà Nội phải kêu trời vì quá vội, vậy thì teen Thái Bình cũng lo lắng không kém khi môn thi cuối đến ngày 6/5 mới được công bố. Các bạn ấy phải thi ba môn: Toán, Ngữ Văn và môn thi thứ ba. Bạn Nguyễn Thủy Tiên (THCS Phú Xuân, Thái Bình) than thở: “Quy chế thi này được áp dụng từ khóa trước nên chúng tớ đã chuẩn bị sẵn tinh thần, ôn kỹ hai môn Toán, Văn trước đó rồi. Thời gian cuối chỉ dành để “chăm sóc” môn thi còn lại thôi. Dù gấp rút nhưng khó thì khó chung, mình cứ lo ôn hết sức mình để không hối hận là được!”.