Mới đây, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2021 - 2022 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 - 2023 khối Giáo dục Đại học (GDĐH). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc và Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn điều hành Hội nghị.
Tại hội nghị, từ những hạn chế, khó khăn gặp phải trong năm học vừa qua, Vụ GDĐH đề xuất một số phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm cho năm học mới. Trong đó có việc hoàn thiện các phương thức tuyển sinh năm 2023; xác định định hướng tuyển sinh từ năm 2025. Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong hệ thống quản lý và dạy học. Tăng cường các điều kiện đảm bảo và quản lý chất lượng phát triển các hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới. Đẩy mạnh và tăng cường các lĩnh vực: Hội nhập quốc tế; công tác thanh tra và công tác truyền thông về GDĐH.
Đại diện trường Đại học Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc tạo điều kiện tối đa nhằm đảm bảo quyền lợi và công bằng cho thí sinh là chủ trương xuyên suốt đúng đắn của công tác tuyển sinh. Việc thực hiện các quy định mới giúp nhà trường triển khai công tác đào tạo thuận lợi hơn. Kết quả lọc ảo của nhóm trường miền Bắc đến thời điểm này vận hành tốt, quá trình xét tuyển ổn định, số thí sinh trúng tuyển khá tương đồng với chỉ tiêu. Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đề xuất trong tuyển sinh 2023, cần chú trọng hơn nữa đến nâng cao chất lượng đầu vào và chất lượng đào tạo, đảm bảo chuẩn đầu ra.
Đại học Đà Nẵng, Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Xây dựng Hà Nội… đều nhận định, năm nay, công tác tuyển sinh ổn định, thuận lợi; quy trình tuyển sinh, hệ thống phần mềm, hạ tầng đã góp phần tạo nên sự công bằng đối với tất cả các thí sinh, giúp cho hoạt động tuyển sinh diễn ra trơn tru và kỳ vọng kết quả tốt đẹp.
(Ảnh minh họa từ Internet) |
Các trường cũng có những đề xuất liên quan đến vấn đề học phí; thủ tục đảm bảo tính hợp pháp của phân hiệu; Bộ xem xét giải pháp hỗ trợ những thí sinh gặp một số lỗi trực tuyến nhằm đảm bảo quyền lợi của các thí sinh; khắc phục, điều chỉnh phù hợp hơn về điều kiện đảm bảo chất lượng trong xác định chỉ tiêu tuyển sinh; lưu tâm về hành lang pháp lý về ưu đãi đầu tư trong GDĐH...
Về tuyển sinh, Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn ghi nhận những ý kiến phản ánh, đồng thời khẳng định, Bộ GD&ĐT rất nỗ lực triển khai các giải pháp; giành phần khó khăn về phía mình; chỉ thực sự cần thiết thì mới đưa ra những điều chỉnh, thay đổi nhằm đảm bảo sự bình đẳng và quyền lợi chính đáng, công bằng cho thí sinh.
Thứ trưởng cũng đề nghị, năm 2023, các trường cần suy nghĩ nhiều hơn cho thí sinh, đánh giá các phương thức tuyển sinh của trường, tránh quá nhiều phương thức phức tạp, nhằm hướng tới đảm bảo quyền lợi công bằng tối đa cho thí sinh. Do năm 2022 là năm đầu triển khai tất cả các khâu đăng ký và thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến nên Bộ GD&ĐT sẽ tạo điều kiện tối đa, giải quyết xử lý các trường hợp thí sinh sai sót thông qua hướng dẫn xử lý từng tình huống.
Bộ GD&ĐT cũng đang nỗ lực để có thể trình được quy hoạch mạng lưới GDĐH vào cuối năm nay. Về kiểm định, song song với nỗ lực ban hành những văn bản cần thiết, Thứ trưởng mong muốn, các trường đại học cần quan tâm nhiều hơn để công tác kiểm định và đảm bảo chất lượng trở thành công việc thường xuyên của nhà trường.
(Ảnh minh hoạ từ Internet) |
Đối với việc tuyển sinh, ngoài lưu ý các trường cần làm tốt công tác tuyển sinh của năm 2023, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn cũng giao cho các trường đại học sớm xây dựng phương án tuyển sinh cho năm 2025.
“Bộ GD&ĐT sẽ có văn bản hướng dẫn và yêu cầu các trường đại học trong thời gian vài tháng nữa công bố phương án tuyển sinh, chuẩn đầu ra vào năm 2025. Hiện nay, Bộ đang tích cực hoàn thiện phương án thi tốt nghiệp THPT cho năm 2025. Việc công bố phương án thi tốt nghiệp năm 2025 sẽ chưa đáp ứng được hoàn toàn mong đợi của dư luận, mà còn phải căn cứ vào định hướng về tuyển sinh của các cơ sở giáo dục đại học”, Bộ trưởng nói và yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học đặc biệt lưu ý công việc này.
Trao đổi về vấn đề nhiều trường đại học quan tâm là học phí và nguồn lực đầu tư, Bộ trưởng cho biết, Bộ GD&ĐT đang trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về học phí. Mặc dù học phí được quy định trong Nghị định 81 nhưng quan điểm của Chính phủ là cần có những điều chỉnh cho phù hợp với khó khăn sau 2 năm dịch bệnh COVID-19. “Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là hệ thống giáo dục cần chia sẻ với người dân, với xã hội trong tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn. Dự kiến, một vài ngày tới Nghị quyết sẽ được ban hành”, Bộ trưởng cho hay.