Vì sao phải thay đổi?
Bộ sách giáo khoa mới sẽ có mặt vào năm 2018 với phương châm giúp học sinh nước mình tư duy phản biện hơn, “bài trừ” học vẹt. Để chuẩn bị cho thay đổi lớn đó, trước mắt là những kỳ thi quan trọng như tuyển sinh lớp 10 cũng cần đổi hướng đi để teen và cả thầy cô thích nghi dần. Kiến thức sách giáo khoa của tụi mình quá “cao siêu”, đến teen nước ngoài nhìn vào cũng “sợ”. Vậy nên, trong đề thi vào lớp 10 năm học 2017 - 2018, ông Nguyễn Ngọc Tiến, Phó phòng Trung học, Sở GD&ĐT TP.HCM trả lời báo Thanh Niên Online rằng, các môn sẽ có thêm nhiều câu hỏi vận dụng thực tiễn từ cuộc sống, giảm các kiến thức hàn lâm lại, không bắt teen lớp 9 học thuộc nhiều.
Thay đổi như thế nào?
Với môn Toán, theo ông Tiến, câu 1 chỉ còn 2 ý thay vì 4 ý nhỏ như năm trước: Ý 1 là một bài Toán đố để dẫn ra phương trình; phần Toán đồ thị cũng sẽ theo hướng thực tiễn. Thêm nữa, với kiến thức thực tế, nếu bạn chú ý thì sẽ học và làm tốt, chứ không cần dành toàn bộ sức lực “chịu đựng” trong các “lò” để luyện mẹo làm bài.
Còn với môn Văn, Theo ông Trần Tiến Thành, chuyên viên môn Ngữ văn phòng Giáo dục Trung học (trả lời báo Thanh Niên Online), việc đổi mới cách ra đề môn Văn sẽ góp phần thay đổi việc học Ngữ Văn đã lỗi thời của nước mình hiện nay. Trong tương lai, có thể teen nhà mình sẽ được gặp một môn Văn hoàn toàn mới, dễ gần và có sự tương tác giữa giáo viên và học sinh, và đề thi Văn kiểu mới này là bước đầu của sự thay đổi.
Các bạn sẽ được “chạm trán” nhiều hơn với những câu hỏi nhắm vào những kiến thức ngoài sách giáo khoa mà bạn phải có trải nghiệm hoặc quan tâm đến đời sống thường nhật mới làm được. Môn Văn cũng được cân nhắc môn thi thứ 3. “Đề thi môn Văn sẽ hướng đến việc kiểm tra các năng lực cơ bản: đọc hiểu, sử dụng ngôn ngữ để trình bày một vấn đề, thuyết phục người khác, cảm thụ tác phẩm văn học”.
Làm gì để chuẩn bị cho đề thi mới?
Kim Chi, lớp 9A3 trường chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) chia sẻ: “Toán thì câu thực tế, đồ thị ngày càng khó. Văn ra hiện tượng đời sống nhiều vấn đề hơn. Năm nay thi sớm thì càng căng hơn nữa”.
Bạn Như Ngọc, lớp 9A4 cùng trường cũng cho rằng: “Học sinh đang quen học theo khuôn mẫu, đùng một cái chuyển sang kiểu này, dù tốt nhưng gấp quá. Nhà trường phải hướng cho học sinh cách tự học trước”.
Kinh nghiệm khác xa kiến thức, vì vậy việc học tập và thi cử của teen mình bắt đầu chú trọng thực tiễn hơn.
Tuy để làm quen với dạng đề mới gặp nhiều khó khăn vì thời gian còn ít, nhưng đa số các bạn phản hồi tích cực về những thay đổi này vì theo bạn Kim Chi “đề xoáy vào khả năng hiểu bài thì tụi mình đỡ phải “học vẹt”. Toán cũng đỡ trừu tượng, vì trước có những câu khó đến mức không thực tế chút nào. Mình nghĩ sự thay đổi này lý do một phần vì Sở thấy học sinh học cao siêu quá mà kiến thức thực tế không có, ra đời khó kiếm được việc làm”.
Cách để vượt qua sự thay đổi này, với Toán thì bạn Trần Hà My (lớp 9A1 trường chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) cho biết bạn tự luyện các bài toán tư duy. Còn với Văn, giáo viên Văn của các bạn khuyên trong vòng ba tháng trước khi thi phải đọc báo liên tục để nắm tình hình đề văn nghị luận.
Hãy chăm đọc báo, nghe tin thời sự lên nhé!
Theo Như Ngọc, để làm được dạng đề mới này thì cần tự học nhiều, chứ không được có tâm lý học chỉ để thi nữa. Còn Hà My tập trung luyện kĩ năng tư duy logic, hay kĩ năng phân tích vấn đề, v.v… - là những kĩ năng thực tiễn có ích. “Gửi gắm” thêm vào đề thi những năm tiếp theo, Như Ngọc mong “sau này đề sẽ thêm phần vận dụng. Học sinh Việt Nam lí thuyết là tuyệt vời rồi còn thực hành thì rất tệ”.
HY DI - PHƯƠNG NGHI