Thú chơi khoa học thú vị
Nuôi tinh thể hay nói đơn giản là tạo ra những vật chất lấp lánh từ các phản ứng hóa học và hóa chất. Các “em” í thường có nhiều màu sắc long lanh y như những viên đá nhiều màu, thậm chí lấp lánh hút hồn không kém gì “chị đại” kim cương luôn! Một số boss tinh thể mà khiến teen Việt mê mẩn và rủ nhau nuôi nấng có thể kể đến như: Hoa tinh thể KDP (KH2PO4), tinh thể đồng sunfat (CUSO4), hoặc các “bé” tinh thể được kết tinh từ đường, muối, phèn chua, muối kali dihidrophophat…
Trào lưu nuôi tinh thể đã du nhập vào Việt Nam từ khoảng năm 2012, sau đó ngày một nở rộ và trở thành đam mê của rất nhiều bạn trẻ. Không ít CLB nuôi tinh thể đã được thành lập ở các trường học như Wellspring, Marie Cuire (TP HCM), các bạn khoa Hóa Học trường ĐH Sư phạm Hà Nội,… Không chỉ là một cầu nối những người cùng đam mê, yêu thích khoa học và khám phá, hội “cha mẹ” tinh thể còn tổ chức rất nhiều cuộc thi hấp dẫn để giới thiệu “đứa con tinh thần” của mình đến mọi người.
Đặc biệt, ngày 4/5 tới đây, các bạn CLB Hóa Học trường THPT Chuyên Khoa Học Tự Nhiên và CLB Hóa Học trường ĐH Khoa Học Tự Nhiên sẽ tổ chức sự kiện Chemstorm 2019. Trong đó có minishow Crystal để giao lưu và giới thiệu về tinh thể, một chương trình không thể bỏ lỡ của team yêu Hóa và say mê khám phá đó!
Khi chúng mình là “phụ huynh” tinh thể
Đúng là lên non mới biết non cao, nuôi… tinh thể mới biết công lao mẹ thầy. Để những hạt mầm tinh thể có thể lớn lên đẹp xinh, các bạn teen phải đóng vai trò nhị vị phụ huynh, tỉ mỉ, tận tâm, nuôi dưỡng tỉ mẩn đến từng mi-li-mét.
“Tinh thể đẹp nhất ở độ trong suốt, đường viền sắc nét, bề mặt nhẵn và màu sắc ấn tượng. Bởi vậy khi lấy tinh thể ra khỏi dung dịch, chúng mình phải nhanh chóng làm sạch dung dịch bám trên bề mặt để không làm kết tủa thêm, gây ảnh hưởng đến bề mặt tinh thể và khiến các “em” í không được trong suốt, lấp lánh nữa.” - Bạn Nguyễn Quảng Thái (Trường TH - THCS Bùi Thị Xuân, Đồng Nai) chia sẻ.
“Có tinh thể phải mất cả năm trời mới ra được một xíu bé tí. Chưa kể các “bố mẹ” cũng phải cẩn thận và tỉ mỉ từng li vì tinh thể rất mỏng manh và yếu ớt, lỡ dùng lực mạnh quá là bể luôn rồi.” - Bạn Hồ Thanh Thủy (Đại diện Little Sheep Team - đội chơi “quen mặt” trong các cuộc thi về tinh thể ở trường ĐH Tôn Đức Thắng, TP.HCM) tâm sự.
Kỳ công là thế nhưng khi thành công nuôi lớn các “bé” tinh thể, teen không những tự hào mà còn có thể “cá kiếm” từ chính những nỗ lực mà mình đã bỏ ra. Theo anh Nguyễn Bá Tuyên (TP.HCM) - “chàng trai tinh thể” sở hữu cả một “gia tài” mà team yêu Hóa nào cũng phải trầm trồ, ao ước thì giá của các viên tinh phổ biến ở mức vài trăm ngàn đồng.
Nhóm nghiên cứu và chế tạo tinh thể của anh Tuyên vừa thử nghiệm nhiều loại tinh thể mới, vừa nhận nuôi tinh thể theo yêu cầu làm trang sức, nguyên liệu cho đá quý, đồ phong thủy… “Đầu ra của sản phẩm đa phần là học sinh, chúng mình có thể dùng tinh thể làm quà tặng cho người thân yêu hoặc trong dịp sinh nhật, ngày lễ, rất độc đáo và ý nghĩa.” - anh Tuyên chia sẻ.
“Tuyệt chiêu” nuôi mầm tinh thể xinh yêu
Nuôi phải đi kèm với dưỡng, không “đem con bỏ chợ”: Để nhập môn tinh thể, trước tiên chúng mình phải có vốn kiến thức cơ bản về tinh thể, các hoạt chất hóa học, các phản ứng hóa học cơ bản. Đặc biệt, vì có liên quan đến thí nghiệm Hóa học nên quá trình nuôi tinh thế cần đảm bảo tuyệt đối vấn đề an toàn. Ví dụ nhiều bạn nuôi tinh thể đồng sunfat CUSO4 nhưng không biết rằng đây là một chất có thể gây độc cho cơ thể (ở một lượng nhất định) và có khả năng làm hại sinh vật và cây cối. Vì vậy tuyệt đối chúng mình không được đổ dung dịch này ra môi trường, khám phá khoa học phải đi kèm với giữ gìn sự cân bằng sinh thái mà đúng không!
Bắt đầu bằng sự đơn giản, ghi dấu bằng sự phức tạp: Đừng thấy những “lão làng” sở hữu “cơ đồ” tinh thể đẹp lấp lánh quá mà học “nhảy cóc”, bắt đầu ngay với mẫu khó nhất để rồi thất bại ê chề. “Khi mới bắt đầu nuôi tinh thể, chúng mình chỉ nên chọn những loại muối dễ nuôi và không quá mắc tiền, vừa nuôi vừa nghiên cứu, học hỏi và đúc rút kinh nghiệm. Ví dụ bạn có thể chọn muối ăn, phèn chua cho tinh thể không màu, hoặc chọn nuôi CUSO4 để cho màu xanh lam, muối phèn Crom cho màu tim tím nhé!” - Bạn Phan Trúc Quân (thành viên của nhóm Little Sheep) bật mí.
“Phụ huynh” tinh thể cần có trình độ Tiếng Anh đáng nể: Nghe có vẻ chẳng liên quan nhưng để đi sâu vào thú chơi khoa học nuôi tinh thể, chúng mình rất cần một nền tảng Ngoại ngữ vững chắc đó. “Tư liệu về nuôi tinh thể phần lớn là Tiếng Anh nên nếu chúng mình không biết ngoại ngữ sẽ là một rào cản lớn, khả năng tìm kiếm và tiếp thu được các kiến thức sâu hơn về lĩnh vực này theo đó cũng bị thu hẹp hơn!” - Anh Bá Tuyên chia sẻ.
Đam mê là làm liền, có cơ hội là “tham chiến”: Không thiếu gì môi trường để bạn thỏa sức sống với đam mê và khoe những “bé” tinh thể xinh yêu nhà mình trước công chúng đâu nhé! Nếu miền Bắc có cuộc thi “Nuôi tinh thể - Ươm mầm khoa học Việt Nam” do khoa Hóa Học trường ĐH SPHN tổ chức thì teen miền Nam cũng không kém cạnh với “sân chơi tinh thể” đã thành thương hiệu mang tên “Tôn Đức Thắng Crystal”.
Anh Bá Tuyên
Ngoài ra, khi đã có nhiều kinh nghiệm rồi chúng mình có thể ghi danh ở những sân chơi tầm cỡ thế giới như Cuộc thi Nuôi tinh thể Quốc tế ICUR. Đây là cuộc thi được khởi xướng ở Bỉ sau đó lan rộng ra nhiều quốc gia. Thông tin thêm cho các “bố mẹ” tinh thể Việt hứng khởi và tự tin, trong mùa giải gần nhất là ICUR 2018, ĐT Việt Nam đã giành được Huy chương Vàng. Thành tích này đến từ sự đam mê và nỗ lực không ngừng của các bạn teen lớp 11 trường THPT Well Spring (TP.HCM) luôn đó!
Còn nếu thích thú quá mà chưa biết bắt đầu từ đâu, teen có thể theo dõi các page, group “lão làng” như Tinh thể học - Crystallography, Nuôi tinh thể - Hoanghonamap, CLB D20 ĐH Tôn Đức Thắng… để học hỏi kinh nghiệm và kết thêm những người bạn cùng chung sở thích nữa nha!