Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”!

Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”!
HHT - Nếu đề xuất được thông qua, teen TP.HCM ở một số trường sắp được trải nghiệm cách học tín chỉ “cool như đại học (ĐH)” vào năm học 2019 - 2020.

16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”!

Những năm gần đây, giáo dục nước ta liên tục có những đề xuất mới tiến bộ và gần hơn với thế giới. Đề xuất gần đây nhất là trong năm học 2019-2020, TP.HCM sẽ thí điểm dạy học theo tín chỉ ở những trường THCS, THPT có điều kiện. Tức là, thay vì phải học đủ 9 tháng/ năm như hiện nay, thì teen có thể linh hoạt giờ giấc học, hình thức học (học tại trường, nhà, trực tuyến). Theo Sở GD-ĐT TP.HCM, với cách học này, nếu có năng lực học tập tốt, học sinh có thể ra trường sớm hơn, có thể dành thời gian để học những kiến thức, kỹ năng khác để chuẩn bị hành trang vào đời sớm hơn.

Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”! ảnh 1

Phó Hiệu trưởng một trường THPT tại quận Phú Nhuận, TP.HCM cho rằng với đề xuất này, nếu không có sự chuẩn bị kỹ càng sẽ trở thành tác dụng “ngược”, càng khiến học sinh áp lực hơn. Nhưng nếu chuẩn bị kỹ, kết hợp với lắng nghe ý kiến từ học sinh sẽ phát huy được tính năng động ở học sinh, rút ngắn chương trình học, tạo điều kiện phát triển cho các bạn học sinh phát triển nhanh hơn.

Không chỉ ra trường sớm hơn nếu có nhu cầu, việc học theo tín chỉ còn hỗ trợ học sinh phát triển sở thích, biết mình muốn gì, làm chủ cuộc đời. Lê Minh - cựu học sinh trường British Vietnamese International School (TP.HCM) nơi cho phép học sinh tự chọn môn học yêu thích chia sẻ: “Tụi mình học theo chương trình của Vương quốc Anh, được chọn tối đa 4 môn mỗi năm. Minh đã chọn Địa Lý, Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh - những môn học gần với thực tế và có thể cho bạn làm quen trước với chương trình ĐH. Học tín chỉ buộc tụi mình phải chủ động hơn nên đòi hỏi nhiều kỹ năng hơn.”

Trọng Khang (du học sinh trường San Jose State University, Mỹ) cũng ủng hộ thay đổi này của Sở: “Trước giờ giáo dục Việt Nam ở bậc phổ thông là theo kiểu one size fits all (một chương trình cho mọi lực học, nhu cầu) nên dẫn tới lên ĐH, mình cũng khá lúng túng không biết phải chọn ngành gì. Học tín chỉ sẽ giải quyết được tình trạng đó. Ví dụ các bạn cấp Ba ở Mỹ thích Kỹ thuật, Công nghệ thì sẽ được trường cho học các lớp như Auto tech, làm quen với cấu trúc xe, học sửa xe, lên ĐH sẽ dễ dàng hơn rất nhiều”.

Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”! ảnh 2

Tiến bộ, nhưng cũng có hai mặt

Diệu Linh (trường ĐH RMIT, TP.HCM) băn khoan: “Mình thấy ĐH áp dụng việc học tín chỉ được là do cơ sở vật chất tốt, có nhiều phòng, còn trường cấp Hai - Ba đa số diện tích nhỏ, ví dụ: Có 20 môn để chọn, 19 môn đầu mỗi môn có một vài bạn đăng ký, môn còn lại cả nghìn người học thì cũng không ổn. Thứ hai, đối với những bạn chưa có tinh thần tự giác học, nếu tự đăng ký sẽ chọn ít môn nhất có thể. Thứ ba, việc đăng ký tín chỉ này mình e là sẽ phá vỡ yếu tố tương quan giữa các môn học. Để ý trong chương trình, khi học những bài Văn học kháng chiến ở môn Ngữ Văn thì môn Lịch Sử cũng dạy mạnh hơn về thời kỳ này; hay khi học Toán bắt đầu xuất hiện log thì Hóa cũng áp dụng log vào bài tập để kiến thức có sự liên quan”.

Thầy Nguyễn Đức Dũng, Phó Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Hữu Thọ, Q.7, TPHCM cho rằng: “Tâm lý chung của các bạn học sinh THCS vẫn còn ham chơi hơn ham học nên việc thay đổi cách học trong bậc THCS vẫn chưa thật sự cần thiết. Hơn nữa, việc thay đổi ít nhiều cũng sẽ gây khó khăn với các bạn. Nhà trường cũng cần thêm những quy định và giới hạn cụ thể số tín chỉ các em có thể nhận trong một năm học nhằm giúp các em phân phối thời lượng học phù hợp.”

Phúc An (du học sinh, Western University, Canada) cho rằng, việc học tín chỉ từ cấp Ba là khá sớm. “Việc học theo thời khóa biểu như trước đến nay không phải là vô giá trị, ngược lại đã giúp An khá nhiều khi lên ĐH. Học theo thời khóa biểu làm mình có cảm giác “ép buộc” mình phải đi học, thấy mình cần có trách nhiệm cho việc học hơn. Khi lên ĐH, sinh viên dù đã trưởng thành, có ý thức tự giác hơn còn phải “chật vật” với việc học tín chỉ, học sao cho đủ tiết nữa, thế nên áp dụng tín chỉ cho cấp Ba liệu có khiến học sinh trốn tránh môn học nào đó nếu thầy cô gắt, có điểm danh hay không (điều mà sinh viên ĐH cũng vẫn thường làm)…, dẫn tới hổng kiến thức của học sinh”.

Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”! ảnh 3

Bạn Trọng Khang cho rằng việc học tín chỉ phải kết hợp với định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Bởi học tín chỉ có thể hiểu là học lệch, nếu áp dụng học tín chỉ ở cấp Ba phải định hướng trước sở thích cho học sinh từ cấp Một và lớp Sáu. Nhà trường phải cho học sinh tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa ngoài những giờ học trên lớp để khám phá bản thân trước đã.

Khang cũng cho biết dù học chọn môn nhưng teen Mỹ vẫn phải chọn vài môn bắt buộc, chứ không thể tự do hết. “Theo mình có ba môn phải học là: Toán, Tiếng Việt và một môn Ngoại ngữ. Ở Mỹ, ai cũng buộc phải học tiếng Anh, về critical writing (viết theo tư duy phản biện) rất thực tế, vì nếu thiếu kỹ năng này, dù các bạn có giỏi Tự nhiên đến đâu cũng không thể viết ra các bài nghiên cứu thuyết phục”.

Bí kíp “bỏ túi” kỹ năng học tín chỉ cho teen

Kỹ năng “nghiên cứu thị trường” các môn học:

Diệu Linh chia sẻ: “Vì phải chọn môn nên mình lúc nào cũng nghiên cứu trước xem bản thân có phù hợp, có sức học không. Trước khi quyết định đăng ký môn nào mình cũng lên wikipedia xem môn đó nói về kiến thức gì (trường hợp môn lạ), rồi vẽ bản đồ hệ thống kiến thức ra thành từng chương xem mình có thích không, có tự học nổi không”.

Teen Sài Gòn sắp được học “kiểu Đại học”, 16 tuổi vào ĐH không còn là “chuyện bên Mỹ”! ảnh 4

Kỹ năng “làm trùm” thời gian:

Học tín chỉ đòi hỏi bạn phải có sự sắp xếp công việc sao cho không trễ giờ vào lớp (vốn đã khác nhau), và còn phải cân bằng sinh hoạt. Tốt nhất là nên có cuốn sổ để ghi chép giờ vào lớp rõ ràng để không quên đi học, hay quên làm bài tập nhóm.

Hồng Trâm (du học sinh, ĐH Liberty, Mỹ) cho biết ở Mỹ, bài giảng được thiết kế với nhiều đợt kiểm tra liên tục và tụi mình không thể học đối phó. Bạn buộc phải quay như chong chóng để hoàn thành hết các nhiệm vụ được giao.

Kỹ năng “Anh hùng xa lộ”:

Teen học theo tín chỉ sẽ có thời khóa biểu khác nhau mỗi ngày, dẫn tới lệch giờ sinh hoạt. Hiện nay teen cấp Hai - Ba rất nhiều bạn là phụ huynh đưa đón, nên nếu nếu học tín chỉ, bạn không những phải chủ động trong học tập, mà còn phải chủ động trong đi lại nữa. 

Kỹ năng “la liếm” hội “con nhà người ta”:

Khi học tín chỉ, bạn phải tìm được người hướng dẫn mình trong học tập, có thể là thầy cô hay bạn bè. Vì khi đó, bạn không còn học cố định với một tập thể lớp nên việc gắn bó, chỉ dẫn nhau trong học tập sẽ trở nên khó khăn hơn. Để hiểu bài sâu và nhanh tiến bộ, bạn hãy chủ động liên kết với những bạn học giỏi, để học nhóm, nhờ hướng dẫn bài…nhé!

HY DI - THỤC VĂN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

Dubai cảnh báo khẩn vì bất ngờ hứng lượng mưa bằng 2 năm chỉ trong một ngày

HHT - Bình thường vẫn nóng và khô theo kiểu sa mạc, thậm chí vài hôm trước vẫn rất nóng bức, nhưng rồi thành phố Dubai (UAE) bất ngờ có mưa to. Mưa nhiều đến mức lượng mưa trong một ngày bằng tổng lượng mưa ở đây trong 2 năm, gây rất nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân vốn không quen với mưa thế này.
Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

Cùng ở miền Bắc nhưng nhiệt độ tại Sơn La lại chênh lệch rất lớn so với Hà Nội

HHT - Nắng nóng tiếp tục diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên cả nước, trong đó có các tỉnh Tây Bắc Bộ. Tại Yên Châu (Sơn La), mức nhiệt đo được lúc 13h lên đến 41,7 độ C. Trong khi đó, Đông Bắc Bộ có nền nhiệt duy trì ngưỡng cao nhất khoảng 29-32 độ C. Vì sao lại có sự khác biệt rõ rệt này?