Phương pháp không mới nhưng vẫn hiệu quả!
We are Saigonese là dự án được tổ bộ môn Lịch sử - Địa lý trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai (TP.HCM) tổ chức nhằm giúp các bạn học sinh hiểu thêm kiến thức về lịch sử địa phương thông qua tập san, video hay mô hình.
Dự án vừa giúp teen "đỡ oải" trong việc học Lịch sử, vừa học được một số kỹ năng mềm khác bên cạnh những kiến thức trong sách giáo khoa. Các sản phẩm sẽ được thầy cô chấm và lấy điểm đó làm một cột điểm trong quá trình học tập.
Một trang trong tập san về dự án tìm hiểu dân tộc thiểu số của bộ môn Địa lý do các bạn học sinh lớp 12A4 niên khóa 2019 - 2022 thực hiện. |
Bạn Hương Giang (Trưởng ban dự án We are Saigonese) cho biết: “Trước tiên, dự án Lịch Sử lần này chính là cơ hội để học sinh trường Minh Khai có dịp để tìm hiểu, biết nhiều hơn về thành phố mình đang sinh sống. Bên cạnh đó, thông điệp lớn nhất mà We are Saigonese mong muốn được lan tỏa rộng khắp chính là niềm tự hào, tình yêu mãnh liệt trong mỗi người khi được sinh ra, được sống ở thành phố sôi động bậc nhất cả nước”.
Hương Giang còn mong rằng, thông qua dự án, các bạn học sinh sẽ thành thạo hơn trong các kỹ năng mềm để giúp ích cho công việc trong tương lai. |
Bạn Như An (17 tuổi) chia sẻ rằng trong quá trình thực hiện, An đã có cơ hội khám phá nhiều hơn về nơi mình đã sống trong 17 năm qua.
Con đường Đồng Khởi - Catinat, khách sạn Continental Saigon... được mô tả chi tiết dưới góc nhìn lịch sử hình thành (sản phẩm của nhóm 12A10). |
Là thành viên trong nhóm khai thác về đề tài người Hoa và khu vực Chợ Lớn (Quận 5 ngày nay), bạn Minh Thư (17 tuổi) không chỉ hiểu thêm về văn hóa cộng đồng của người dân nơi đây mà về lịch sử của vùng đất Sài Gòn - Gia Định: “Qua dự án này, tụi mình đã hiểu thêm về người Hoa nói chung và người Hoa ở Chợ Lớn nói riêng, về bối cảnh lịch sử lúc họ vừa di cư đến vùng đất Sài Gòn này, để từ đó thêm yêu mến, trân trọng văn hóa của các dân tộc”.
Sản phẩm tập san của nhóm Minh Thư về người Hoa tại TP.HCM. |
“Đây là dự án có khối lượng tư liệu lớn nhất mà tụi mình từng làm. Để tạo ra được thành phẩm cuối cùng, tụi mình đã tham khảo gần 50 nguồn thông tin và hàng trăm nguồn ảnh khác nhau, cùng với đó là những buổi tham quan trực tiếp các địa điểm ở Chợ Lớn để khám phá về đề tài này. Nhưng tất nhiên, chỉ với dự án tập san nhỏ này thì vẫn chưa khai thác được hết văn hóa và lịch sử của cộng đồng người Hoa nên tụi mình vẫn còn tham vọng tiếp tục khai thác và hơn nữa là tìm hiểu thêm về các dân tộc khác ở TP.HCM”, Minh Thư chia sẻ thêm.
Những chi tiết, hình ảnh được chọn lọc và bố trí sáng tạo, chỉn chu. |
Hơn cả một bài tập lấy điểm
Như An cho biết dự án là cơ hội để gắn kết các bạn trong lớp, giúp hiểu nhau hơn khi được tiếp xúc và làm việc trong một dự án yêu cầu học thuật cao.
Như An rất thích thú với những dạng bài tập đòi hỏi sự phối hợp giữa các thành viên. |
Hương Giang cảm thấy rất mãn nguyện với dự án lần này và cả với những sản phẩm của các nhóm tham gia: “Mình vẫn nhớ đến cảm xúc của chính mình trong buổi họp tổng lực đầu tiên cùng các bạn. Tất cả đều là khối 12 và chúng mình đều ấp ủ vô vàn những hoài bão, ý tưởng mới mẻ để thực hiện trong dự án Sử cuối cùng trong 3 năm cấp Ba. Mọi người vô cùng quyết tâm, hào hứng để tạo một sân chơi, có đủ mọi điều kiện thuận lợi nhất để giúp các bạn có thể lưu lại những khoảnh khắc vừa ý nghĩa, vừa mang đem lại giá trị trong quá trình tham gia dự án”.
Chợ Bến Thành được các bạn học sinh lớp 12A1 khai thác với một năng lượng vui vẻ, trẻ trung qua sản phẩm video của nhóm. |
Mô hình nhà thờ Đức Bà được tạo tác một cách tỉ mỉ đến từng chi tiết đến từ nhóm lớp 12A3. |
Kiến trúc của Dinh Độc Lập (Dinh Norodom) không làm khó được các bạn học sinh lớp 12A9. |