Bạn Phạm Oanh (17 tuổi, TP.HCM) cho rằng chúng ta cần dành nhiều sự đồng cảm hơn cho người bạn chịu tổn thương của mình: “Nếu có một vụ "bắt nạt học đường" diễn ra, đầu tiên cần phải đến an ủi nạn nhân cho dù không biết bạn ấy có sai hay không. Mình để ý thì thường sẽ có 2 nhóm đối tượng.
Một là xông pha vì bạn bè, đi tìm kẻ đầu sỏ để đòi lại công bằng. Trong khi đó, nhóm thứ hai sẽ quan sát từ nhiều phía và đi báo lại cho những người có trách nhiệm, bao gồm giáo viên, nhà trường và gia đình. Bản thân mình sẽ chọn cách số hai. Vì mình tin giáo viên sẽ có phương án phù hợp hơn học sinh, có thể lên án và cảnh tỉnh trước lớp hay trước trường tùy vào mức độ.
Tuy nhiên, khi giải quyết vô hình chung sẽ tạo ra cơn sóng tẩy chay “ngược” lại kẻ tẩy chay ban đầu, giống như “vòng lặp” vậy. Do đó đòi hỏi giáo viên phải quan sát và hiểu được tâm sinh lý của cả bên bắt nạt và bị bắt nạt mà giải quyết.”
Vlogger Giang Ơi nhận được nhiều sự đồng cảm, động viên khi chia sẻ rằng mình từng là nạn nhân của những vụ bắt nạt trong lớp học.
Trong khi đó, từng là nạn nhân bị “tẩy chay”, N.N.T.H (17 tuổi, TP.HCM) tâm sự: “Mình đúng "chuẩn" con ngoan trò giỏi trong lớp, "trò cưng" của thầy cô nên bị tập thể lớp ghét lắm, cũng không ai chịu chơi với mình. Tuổi mới lớn mà không có người bạn nào chơi hay nói chuyện cùng, nhìn mấy bạn còn lại thì có nhóm mà chơi hết nên mình cũng cô đơn lắm, lại không biết tâm sự với ai. Cũng vì vậy mà mình phải học cách sống “chìm” xuống, chỉ phát biểu khi được gọi tên để có thể giống với đa số mọi người, hòa nhập dễ dàng hơn.
Nói thật, mình ước gì giáo viên có thể nhận ra tình trạng của lớp học, tâm sự cùng các bạn học sinh. Chính vì những lời đe dọa như có “gián điệp” trong lớp mà các bạn đều nghi ngờ lẫn nhau và sinh ra tẩy chay những đứa thân thân với thầy cô không đấy. Từ chuyện đó trở đi mà bản thân mình cũng xuất hiện vết thương lòng, cũng không dám sống thật với chính mình mà phải sống sao cho vừa lòng số đông.”
Đa số rất khó cho các bạn bị cô lập giải quyết tình huống của mình. Bởi vì ấn tượng không tốt như một vết sẹo vậy, có thể mờ đi theo thời gian nhưng chẳng thể nào lành lặn như ban đầu. Những giải pháp để đẩy lùi nạn bắt nạt học đường cần được xem xét để áp dụng thực tiễn. Bên cạnh đó, sự cảm thông dành cho nhau là một điều cần đặt lên hàng đầu trong mối quan hệ bạn bè chứ không phải là sự ganh ghét, đố kị chỉ muốn hãm hại nhau.