Áo tứ thân, áo bà ba, áo dài
Năm nay tớ đã đột phá tủ đồ Tết với bộ ba áo truyền thống: Áo dài, áo tứ thân và áo bà ba. Vì để diện Tết cho nên bộ ba áo của tớ ngũ sắc lung linh còn hơn cả mâm ngũ quả nữa.
Chất liệu áo vốn dĩ làm từ những loại vải thoáng mát để phù hợp với khí hậu nóng quanh năm của Sài Gòn. Cho nên bất chấp cái nắng chói chang, tớ vẫn phơi phới vì… mát. Chưa kể đi đâu, bạn bè cũng xúm xít hỏi han, có đứa còn đòi tớ… cho mượn để nó thử, hóa trang chụp ảnh “ảo diệu”. Cảm giác mặc bộ áo bà ba vào rạp chiếu phim, hay mặc áo tứ thân đi vào chợ hoa Tết thật sự rất vui. Có người nhìn, có người cười, có người khen, làm tớ phổng cả mũi cơ!
Một điều tuyệt vời khi đặt may những bộ áo truyền thống ba miền ấy, là tớ đã dành thời gian để tìm hiểu cội nguồn và các lịch sử thiết kế của ba loại áo. Lúc đầu chỉ là muốn khoác lác với tụi bạn. Nhưng càng tìm hiểu, tớ càng “mắt chữ A miệng chữ O”. Những thiết kế tưởng chừng đơn giản ấy mà từng chi tiết nhỏ như đường may cái nút cũng đều chứa đựng nhiều cơ sở văn hóa. Màu sắc của áo tứ thân theo quy luật Kim - Mộc - Thủy - Hỏa - Thổ. Áo bà ba đặc trưng cho nền “văn hóa lưu luyến” của người Việt từ xưa tới nay. Và áo dài Việt là một biểu trưng của sự tích hợp văn hóa Đông - Tây khi được sáng tạo bởi các họa sĩ Đông Dương từ Pháp trở về.
Càng hiểu nhiều, tớ đi từ việc “mặc cho nổi”, để rồi mặc với tất cả niềm kiêu hãnh của một cô gái Việt. Nhờ mấy bộ áo mà đứa không thích môn Lịch Sử như tớ tìm hiểu nhiều hơn về văn hóa đất nước, và yêu những điều nhỏ nhặt thuộc về riêng quê hương mình.
Tìm về bút nghiên
Tết này, tớ đã quyết tâm luyện chữ. Một phần lý do vì tớ đang cùng một đám bạn bắt đầu một dự án liên quan tới thư tay, nên phải luyện chữ cho đẹp. Một phần tớ cũng… nhớ mùi mực nữa.
Tết, tớ lon ton đi mua bút máy Hero, lọ mực Queen. Tớ còn nhớ hồi nhỏ, mực thường rất đậm, nên ba hay chiết qua bình khác, đổ nước loãng vô để có màu mực nhạt. Tay phải cầm đúng cách, không có giống như cầm bút bi. Tớ đã dùng bút mực để viết những tấm thiệp chúc Tết gia đình, bạn bè, viết nhật ký, viết mục tiêu của năm. Cảm giác nó thật và mềm hơn bút bi rất nhiều. Vì viết chậm, nên tớ cân nhắc từng chữ mình viết ra, và trân trọng từng con chữ một.
Viết không quen nên tay dính mực. Đi chơi bạn bè, tụi nó thấy vết mực thì liên tục sờ trán tớ xong cười phá lên.
Thư gửi tương lai
Tớ hay có thói quen viết thư và gửi cho chính mình ở tương lai. Bức thư đầu tiên tớ gửi là từ “Phương Linh 17 tuổi” tới “Phương Linh 18 tuổi”, và chỉ được mở bì thư khi tớ biết kết quả thi Đại học mà thôi. Năm đó kết quả không được như mong đợi, tớ đã suy sụp rất nhiều. Nhưng rồi khi tớ mở thư ra, tớ nhớ lại chính mình của thời 17, với những ước mơ trong sáng và mạnh mẽ, tớ chỉ cảm thấy, mình không nên ngồi khóc nữa. Thế là tớ đứng lên và tìm một hướng đi mới cho mình.
Viết một bức thư cho tương lai là một điều gì đó thật đặc biệt. Lúc ngồi viết, bản thân tớ sẽ có thời gian buông bỏ mạng xã hội phức tạp, và chỉ cần đối diện với chính mình thôi. Tớ sẽ có thời gian nhìn lại bản thân, viết về quá khứ, về hiện tại, về cả tương lai nữa. Và trong thời điểm xa xôi nào đó tớ mở thư, đọc lại những gì mình viết, về ước mơ của mình, có thể tớ sẽ bật cười vì nó ngốc quá, hoặc bật khóc vì sao mình lại thay đổi thế này. Chẳng ai biết được. Nhưng chí ít, cảm giác tớ có thể ảnh hưởng đến tớ ở thì tương lai thật sự rất thú vị.
Năm nay tớ đã viết thư gửi cho tớ năm 25 tuổi và 60 tuổi. Tớ muốn sống thật trọn vẹn, kể cả khi trẻ hừng hực và kể cả khi già. Biết đâu, năm tớ 60 tuổi, khi đọc thư của chính mình, tớ sẽ quyết tâm chống lại căn bệnh đau khớp, cùng chồng lên mô tô đi phượt khắp Việt Nam thì sao? Ai mà biết được nhỉ?