Chả rươi
Trời se lạnh là bắt đầu cho một mùa thu hoạch rộn ràng với hàng triệu con rươi rời ổ dưới đất ngoi lên đỏ cả mặt đầm. Và đây cũng là lúc mà mọi người thường tranh thủ để thưởng thức món chả rươi thơm ngon mê hoặc. Rươi sau khi được sơ chế, sẽ trộn với thịt băm, trứng gà, thêm quả ớt tươi và không thể thiếu vỏ quýt khô, ít hành, thì là...
Việc rán chả rươi cũng khá cầu kỳ, nếu bỏ vào rán ngay thì rươi chín không đều và dễ bị cháy, khi ăn mất đi vị béo ngậy. Muốn rươi ngon, thì dùng nồi hấp xôi lót lá lốt sau đó cho từng muôi rươi vào hấp bánh. Khi rươi chín đều đóng bánh, ta đem bánh rươi đã được hấp chín cho vào chảo mỡ nóng già, đun nhỏ lửa, đợi khi bánh ngả màu vàng cánh gián đều cả hai mặt thì vớt chả rươi ra. Cầu kỳ như vậy, món chả rươi mới ngon khi có lớp áo chả vàng ruộm mà phía bên trong ruột chả vẫn mềm, ngọt đậm. Nếu không tranh thủ thưởng thức là phải đợi tới năm sau mới được ăn lại đó nhé.
Hạt dẻ
Tháng 11 đón những đợt gió mùa đông bắc đầu tiên. Đầu mùa đông, trên con phố vốn đã đông đúc giờ thêm rộn rã hơn bởi những gánh hạt dẻ lề đường. Mùa lạnh tới quả dẻ chín và tự rụng xuống và được người dân thu hoạch về tách vỏ. Lúc này vỏ hạt dẻ có màu hỗn hợp giữa nâu với màu tía, rất bóng, vỏ lụa mỏng, dễ bóc, hạt bên trong vị bùi, thơm ngậy.
Âm thanh lách tách với mùi thơm thoang thoảng từ chảo hạt dẻ rang dường như khiến vỉa hè rộn rã và ấm cúng lạ thường. Trước khi hạt dẻ được đem rang, cần luộc cho thật kỹ hạt dẻ mới chín và bở. Nếu muốn dễ bóc và trông đẹp hơn, trước khi luộc, người ta có thể lấy đầu dao nhọn khía những vạch nhỏ quanh hạt. Dùng cát để rang sẽ làm hạt chín đều và không bị cháy. Cầm một nắm hạt dẻ còn nóng, tách đôi lớp vỏ và cho phần thịt vào miệng. Hạt dẻ rang ngon sẽ có mùi thơm đặc trưng, vị bùi béo và ngọt mà ngon nhất là thưởng thức bên lề đường đông người qua lại, dưới ánh điện vàng, trong từng cơn gió lạnh đầu đông.
Cóc chín
Cóc là loại quả chua được trồng nhiều ở miền Nam và là thứ quả mà người ta có thể thèm quanh năm bởi chỉ nghĩ đến vị của nó là muốn ăn ngay lập tức. Cóc có thể ăn được từ khi còn là dạng bao tử cho đến cóc xanh, cóc chín... nhưng cóc chín có khả năng gây thương nhớ nhất bởi không chỉ đặc biệt về vị mà lúc này cóc có vị thơm vô cùng đặc trưng.
Tháng 11, khi cóc già và chín vàng cũng là lúc những kẻ nghiện chua "lùng sục" khắp các con phố để xách ngay cái thứ quả nghe tên thì xấu nhưng ăn thì đã không thể tả được. Những trái cóc chín vàng tươi mang lột vỏ, xắt miếng vừa ăn hoặc có thể để cả quả mà nhâm nhi từng tý, từng tý một đem đến vị chua ngọt ngon lành khiến ai cũng ứa nước miếng và không kìm được lòng. Chấm miếng cóc vào bát muối ớt rồi cứ thế mà xuýt xoa cái vị chua, cay, mặn, ngọt tan dần trên đầu lưỡi để rồi hương cóc chín cứ nhẹ nhàng, quyến rũ từng giác quan để đến khi tươm nước bọt đầy chân răng mới cảm thấy đã.
Hồng Đà Lạt
Vào tháng 11 khắp các khu chợ lớn nhỏ ở Đà Lạt lại ngập tràn sắc hồng. Hồng có trên sạp trái cây, trên con đường tới chùa hay gánh hàng rong mang theo trên từng nẻo đường được nhiều khách du lịch mua về như món quà từ chuyến du lịch ở đây.
Hồng giòn ăn ngay cũng ngon, hoặc được dùng để làm hồng treo. Sau khi được rửa sạch, gọt vỏ, sấy qua, hồng sẽ được treo lên bằng một sợi dây buộc vào cuống. Những quả hồng sẽ được treo cách nhau khoảng 25cm. Khoảng cách giữa các dây cũng được cách nhau khoảng 25cm để bảo đảm tỷ lệ hồng treo không quá dầy khiến gió cũng như ánh nắng chiếu không vào được. Sau khoảng 15 ngày hồng sẽ teo nhỏ lại, rút nước nên khi ăn sẽ cảm nhận rõ vị ngọt.