Tháng 7 tri ân: Nghĩa tình lính xe tăng

0:00 / 0:00
0:00
TP - Ngày 30/4/1975, Tiểu đoàn 1 (Lữ đoàn xe tăng 203, Quân đoàn 2) là đơn vị đầu tiên vào chiếm Dinh Độc Lập, kết thúc thắng lợi chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhưng để đi đến hành trình cuối cùng đó, nhiều cán bộ, chiến sĩ của đơn vị đã hy sinh, bị thương. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng nghĩa tình với những đồng đội đã hy sinh, bị thương vẫn còn lưu dấu bằng những việc làm cụ thể của những người lính trận một thời.

Đưa đồng đội về thờ tại nơi đã hy sinh

Tháng bảy này, tôi gặp đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, Trưởng Ban liên lạc Cựu Chiến binh (CCB) Đại đội 4 (Tiểu đoàn 1, Lữ đoàn xe tăng 203). Đại tá Nguyệt là thương binh, trong chiến tranh ông lái chiếc xe tăng 380 của Đại đội 4 (năm 2013, Đại đội 4 được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-PV), cùng đơn vị với hai xe tăng 390 và 843 là những xe tăng đầu tiên vào chiếm Dinh Độc Lập và cắm cờ chiến thắng. “Những ngày này, tôi thường nhớ về những đồng đội đã hy sinh. Và một trong những ký ức sâu đậm nhất là việc bốn đồng đội của xe tăng 388 đã hy sinh, khi sau đó chúng tôi trở lại đã không còn thấy mộ các anh do nơi đây bị bom Mỹ cày xới”- Đại tá Nguyệt xúc động cho biết.

Đại tá Nguyệt kể, tháng 5/1972, Đại đội 4 về tập kết tại A Lưới, một vị trí chiến lược án ngữ con đường huyết mạch phía đông Trường Sơn từ Bắc vào Nam. Khu vực này thuộc quyền làm chủ của ta, nhưng từ lâu đã là một trọng điểm đánh phá thường xuyên của không quân địch. Ngày 7/5/1972, khi Đại đội 4 chuẩn bị hành quân thì máy bay B-52 của địch bất ngờ tới rải thảm. Xe tăng số hiệu 388 bị một quả bom đánh trúng, cả 4 thành viên của kíp xe đều hy sinh. Sau khi tổ chức chôn cất đồng đội, đơn vị tiếp tục hành quân. Đầu năm 1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Đại đội 4 có dịp trở lại A Lưới nên đã tổ chức đi tìm mộ đồng đội. Tuy nhiên, do đây là một trọng điểm đánh phá, rất nhiều bom Mỹ đã ném xuống đây khiến mộ bốn đồng đội không thể tìm ra.

Năm 2015, kỷ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, các CCB Đại đội 4 có dịp thăm lại chiến trường xưa, trong đó có A Lưới. Tại đây, họ tìm được manh mối là hố bom nơi các đồng đội xe tăng 388 hy sinh nay vẫn còn, hiện thuộc xóm 2, thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy, A Lưới, Thừa Thiên - Huế). Do hài cốt đồng đội không còn, nên các CCB Đại đội 4 dự định làm tại đây một ngôi miếu nhỏ làm nơi thờ các liệt sĩ. Năm 2016, Trưởng Ban liên lạc Nguyễn Khắc Nguyệt nhận trách nhiệm trở lại A Lưới để thực thi công việc trên. Biết ý tưởng này, lãnh đạo địa phương và người dân thôn Quảng Vinh đều ủng hộ việc xây miếu. Nhưng có băn khoăn đặt ra, khi miếu xây xong mà không có người trông nom thường xuyên sẽ trở nên lạnh lẽo. Cùng thời điểm này, được biết người dân xóm 2, thôn Quảng Vinh chuẩn bị khánh thành ngôi nhà thờ của xóm, trong đó dành riêng một gian để thờ các liệt sĩ hy sinh trên mảnh đất này. Người dân địa phương gợi ý với CCB Nguyễn Khắc Nguyệt đưa linh vị các liệt sĩ xe tăng 388 về đây để người dân địa phương bốn mùa hương khói.

Trước nghĩa cử này, CCB Nguyễn Khắc Nguyệt trở về báo lại với thân nhân bốn liệt sĩ xe tăng 388 và các đồng đội. Tất cả đều đồng ý. Và ngày 7/5/2017, sau 45 năm bốn liệt sĩ xe tăng 388 hy sinh, các CCB Đại đội 4, thân nhân gia đình 4 liệt sĩ đã đến xóm 2 thôn Quảng Vinh để làm lễ tưởng niệm và đưa linh vị các liệt sĩ vào nhà thờ địa phương. “Sống giữa lòng dân, các đồng đội tôi sẽ ấm áp hơn”, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt chia sẻ.

Tháng 7 tri ân: Nghĩa tình lính xe tăng ảnh 1

Thương binh Nguyễn Văn Kỷ (giữa) được đại diện nhóm “FB Lính xe tăng” đến thăm và trao quà Tết năm 2023. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Nghĩa tình đồng đội

Năm 2016, các CCB Tăng-Thiết giáp đã thành lập trang facebook “Lính xe tăng” (nhóm FB Lính xe tăng) để kết nối liên lạc với nhau, do đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt là Chủ nhiệm Câu lạc bộ”. Tại đây, các thành viên nhóm “FB Lính xe tăng” có dịp giao lưu, thăm hỏi, động viên, giúp đỡ nhau trong cuộc sống. Trong kết nối giao lưu ấy, những đồng đội liệt sĩ, thương binh đã được các thành viên nhóm “FB Lính xe tăng” đề cập đến. Qua đó, nhóm “FB Lính xe tăng” đã có những cuộc gặp thân nhân các gia đình liệt sĩ, giúp đỡ những đồng đội gặp khó khăn trong cuộc sống…

Tháng 7 tri ân: Nghĩa tình lính xe tăng ảnh 2

Bà Quách Thị Loan và thương binh Đỗ Tâm xem những hình ảnh tại phòng Truyền thống Lữ đoàn xe tăng 203.

Tháng 7 tri ân: Nghĩa tình lính xe tăng ảnh 3

Gian thờ các liệt sĩ tại nhà thờ thôn Quảng Vinh (xã Sơn Thủy, A Lưới).

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết, trong ký ức của những người lính Lữ đoàn xe tăng 203, sự hy sinh trong ngày 30/4/1975 của Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 1 Ngô Văn Nhỡ (sau được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân-PV) luôn để lại niềm tiếc nuối khôn nguôi. Ông kể, sáng 30/4, Tiểu đoàn 1 đi đầu tiến đến cầu Sài Gòn đã bị địch chống trả quyết liệt. Trước tình hình đó, thấy ngồi trên xe bọc thép khá bất tiện, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã chuyển sang xe tăng số hiệu 912 đang chiến đấu để chỉ huy đơn vị. Khi nhô người khỏi xe để quan sát tình hình, Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ đã trúng đạn, hy sinh. “Khi chúng tôi đến nhà thắp hương cho anh, ngoài anh Nhỡ, anh và em trai của anh cũng hy sinh. Sau khi anh Nhỡ hy sinh, vợ anh là chị Quách Thị Loan đã thờ chồng, nuôi con mới sinh đến khi trưởng thành”, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt xúc động cho biết.

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt cho biết một người bạn đã tóm tắt cuộc đời và văn nghiệp của ông bằng mấy câu thơ, ngẫm thấy đúng: “Cả đời làm bạn cùng cây súng/Hưu rồi mới chập chững văn chương/Trả món nợ tình bao đồng đội/Vẫn còn nằm lại chốn sa trường”…

Thời điểm Tiểu đoàn trưởng Ngô Văn Nhỡ chuyển sang xe tăng 912 để chỉ huy, ông Ngô Tâm là trưởng xe này. Khi tiểu đoàn trưởng hy sinh, Trưởng xe Ngô Tâm đã hô to trên xe điện đài cho toàn đơn vị: “Anh Nhỡ đã hy sinh. Bắn mạnh vào để trả thù cho tiểu đoàn trưởng”. Cả đơn vị tiến lên, vượt qua cầu Sài Gòn rồi tiến về chiếm Dinh Độc Lập. Trong chiến đấu, trưởng xe 912 Ngô Tâm bị thương. Gần đây, ông Ngô Tâm mắc bệnh hiểm nghèo, nhóm “FB Lính xe tăng” thường xuyên đến thăm cho đến khi đồng đội qua đời.

Các trường hợp kể trên chỉ là những điển hình, thể hiện tình cảm của những người lính xe tăng với những đồng đội đã hy sinh, bị thương. Trò chuyện với đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt, tôi được biết sau khi nghỉ hưu, ông bắt đầu viết văn để kể về những đồng đội của mình. Hàng loạt tác phẩm của ông ra đời đều viết về lính xe tăng như: “Hành trình tới Dinh Độc Lập”, “Bão thép” (4 tập), “Tự truyện của mãnh hổ đường số 9”, “Mũi lao thép”, “Một chọi mười - trận đấu tăng bi tráng”… Năm 2017, đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

MỚI - NÓNG
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
Hoa hậu Ngọc Hân học thạc sĩ
TPO - Hoa hậu Ngọc Hân vừa nhận tin trúng tuyển với số điểm 14, xếp thứ 5 trong số các học viên của chuyên ngành Lý luận và Lịch sử Mỹ thuật ứng dụng Việt Nam.