Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'?

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Năm 2008, Hoàng tử Alwaleed Bin Talal của Ả Rập Saudi công bố kế hoạch xây dựng tòa nhà cao nhất thế giới, lên tới 1.000m hoặc hơn.

Mục tiêu của Hoàng tử Alwaleed Bin Talal là biến tòa tháp trở thành viên ngọc quý của ốc đảo đô thị rộng lớn mang tên Thành phố Kinh tế Jeddah – hay còn gọi là “Dubai của Ả Rập Saudi”.

Để so sánh, Trung tâm Thương mại Một thế giới – tòa nhà cao nhất ở Mỹ mới chỉ chạm mốc 541m, bằng một nửa tháp Jeddah.

Nhưng gần 15 năm sau, dự án đầy tham vọng của Alwaleed Bin Talal vẫn chưa trở thành hiện thực. Bị cản trở bởi các vấn đề chính trị và dịch COVID-19, đến thời điểm hiện tại tháp Jeddah mới được xây thô khoảng 1/3, và chưa có kế hoạch khởi động lại việc xây dựng.

Trang web của Công ty Kinh tế Jeddah, do Hoàng tử Alwaleed và Tập đoàn Saudi Binladin lập ra để phát triển dự án, vẫn treo hình ảnh phối cảnh tháp Jeddah với dòng chữ “Đang tiến hành”.

Cao hơn Burj Khalifa

Công trình hiện giữ danh hiệu tòa nhà cao nhất thế giới là tháp Burj Khalifa ở Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất), cao 828m.

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 1

Tháp Burj Khalifa. Ảnh: istockphoto

Khi Hoàng tử Alwaleed đặt mục tiêu xây dựng tòa tháp cao hàng kilomet đầu tiên trên thế giới, Burj Khalifa vẫn chưa hoàn thành. Nhưng theo các chuyên gia, ý định ban đầu của Alwaleed là xây dựng một bản sao của Burj Khalifa ở Ả Rập Saudi. Thành phố Kinh tế Jeddah sẽ là một đô thị lấp lánh trên Biển Đỏ với tòa nhà mới cao nhất thế giới, tháp Jeddah.

Jeddah nằm giữa hai thánh địa Mecca và Medina.

"Trước khi tòa tháp xuất hiện, đây không được coi là nơi mọi người sẽ sinh sống", Hisham Jomah, Giám đốc phát triển của Công ty Kinh tế Jeddah, nói với CNN vào năm 2018. "Chúng tôi đang tạo ra một thành phố độc lập, để bạn không cần phải rời khỏi đây".

Adrian Smith, kiến trúc sư của Burj Khalifa, cũng đã thiết kế tháp Jeddah, và hai công trình này có chung một số đặc điểm về cấu tạo. Cả hai đều được coi là cấu trúc "megatall", tên gọi cho bất kỳ tòa nhà nào cao vượt quá 600m.

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 2

Tháp Burj Khalifa (trái) và tháp Jeddah (phải)

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 3

Phối cảnh tháp Jeddah. Ảnh: Công ty Kinh tế Jeddah

Điểm tương đồng lớn nhất giữa tháp Burj Khalifa và Jeddah là cả hai đều có mặt bằng hình chữ "Y”, bao quanh bởi 3 bức tường thay vì 4. Qua quá trình thử nghiệm, Smith và các kỹ sư của ông phát hiện ra rằng thiết kế 3 mặt có tính khí động học hơn và có khả năng chịu lực cắt gió tốt hơn.

Trong khi Burj Khalifa có hình dáng thuôn nhọn giật cấp, thì tháp Jeddah lại trông như một cây kim khổng lồ xuyên qua những đám mây.

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 4

Ảnh: CNN

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 5

Ảnh: Adrian Smith

Đặc điểm hút khách nhất của Jeddah là đài quan sát ngoài trời, cao nhất thế giới ở độ cao 664m. Đài quan sát ban đầu được thiết kế như một sân bay trực thăng, nhưng các kiến trúc sư đã đổi ý sau khi biết rằng sẽ quá nguy hiểm nếu hạ cánh trực thăng ở độ cao như vậy trong những cơn gió sa mạc khó lường.

Nếu được xây dựng theo các thông số kỹ thuật ban đầu, tháp Jeddah sẽ cần 80.000 tấn thép. Tháp sẽ gồm 59 thang máy và 12 thang cuốn.

Tầng thứ ba dưới cùng sẽ được dành để cho thuê văn phòng, tiếp đến là một khách sạn sang trọng, và những tầng cao nhất trong số 167 tầng của tòa tháp sẽ được sử dụng làm căn hộ. Tầng áp mái sẽ là một căn penthouse đồ sộ.

Khởi đầu đầy chông gai

Việc xây dựng tháp Jeddah bắt đầu vào ngày 1/4/2013 và chỉ mất hơn một năm để hoàn thành phần móng, bao gồm các khung bê tông có đường kính 3m và dài hơn một sân bóng đá. Các hạng mục trên mặt đất bắt đầu được xây dựng vào tháng 9/2014.

Phần chân của tòa tháp được xây chậm rãi và đều đặn cho đến năm 2017, khi Ả Rập Saudi bị “rung chuyển” bởi một cuộc khủng hoảng chính trị. Thái tử Mohammed bin Salman đã phát động một cuộc "thanh trừng" chống tham nhũng sâu rộng, dẫn đến việc bắt giữ 11 hoàng tử Ả Rập Saudi, trong đó có Alwaleed bin Talal, người ủng hộ tài chính chủ chốt của tháp Jeddah và một số đối tác của ông trong Tập đoàn Saudi Binladin.

Những người này cuối cùng đã được thả sau khi nộp hàng trăm triệu đô la tiền phạt. Vào năm 2018, việc xây dựng tháp Jeddah được nối lại và dự kiến hoàn thành vào năm 2020. Nhưng các vấn đề nhân công và đại dịch COVID-19 đã phá vỡ kế hoạch này.

Đến thời điểm hiện tại, tháp Jeddah mới xây được phần chân cao khoảng 300m, bằng 1/3 chiều cao dự kiến. Theo bản cập nhật năm 2021, 90% công trình đường xá và cảnh quan của Thành phố Kinh tế Jeddah đã hoàn thành, nhưng không có thông tin nào về tình trạng của tháp Jeddah.

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 6

Phần chân tháp Jeddah. Ảnh: Wikipedia

Tháp cao nhất thế giới Jeddah 'chết yểu'? ảnh 7

Ảnh: CNN

Antony Wood, Chủ tịch Hội đồng Xây dựng các tòa nhà cao tầng và môi trường sống đô thị đã tham quan công trường Jeddah Tower vào đầu năm 2018 và mô tả quy mô Thành phố Kinh tế Jeddah là "hoàn toàn đồ sộ”. Phần chân đế chưa hoàn thành của tháp Jeddah đã đủ tiêu chuẩn là một cấu trúc "siêu cao" và quang cảnh nhìn từ trên xuống thật đáng kinh ngạc.

Về phần mình, Wood lạc quan rằng một ngày nào đó tháp Jeddah sẽ mọc lên, nhưng ông thừa nhận rằng quá trình xây dựng cho đến nay vẫn chưa có tiến bộ nào đáng kể.

“Đây không phải là một dự án chậm tiến độ. Đây là dự án đã bị dừng hoàn toàn từ cách đây 4 năm. Họ liên tục nói rằng nó sẽ khởi động lại, nhưng chúng tôi chưa thấy có dấu hiệu nào của việc này.”

Theo How Stuff Works
MỚI - NÓNG