Khi nhắc đến vấn đề ô nhiễm môi trường, chúng ta thường nhớ tới hình ảnh những loài sinh vật biển đang oằn mình đau đớn khi mắc vào những tấm bọc nilon, hay ngắc ngoải tới chết vì bụng chứa đầy rác nhựa do con người thải ra. Nhìn thấy túi nilon hay chai nhựa, ta đều muốn lên án bằng sạch. Thế nhưng, có một vật dụng cũng nguy hại không kém mà ta vẫn vô tư đưa lên miệng hằng ngày, chẳng đâu xa lại là ống hút.
Thật không may, ống hút nhựa được sử dụng rất nhiều tại hàng quán, lại đứng thứ 6 trong số các loại rác không thể phân hủy. Đồng thời, chúng gây hủy hoại lớn tới hệ sinh thái biển. Để tạo nên thứ vật dụng này, đôi khi các doanh nghiệp sản xuất sẽ dùng tới nhiều loại nhựa khác nhau để làm ra số lượng lớn. Từ đó, quá trình tự phân hủy của ống hút càng phức tạp hơn khi thời gian để chúng biến mất có thể kéo dài tới cả... ngàn năm.
Theo thống kê của Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc, Việt Nam đứng thứ 4 thế giới về lượng rác thải nhựa vứt ra môi trường. Dạo một vòng quanh những con phố lớn, bạn sẽ thấy cả ngàn cửa hàng cung cấp dịch vụ ăn uống. Nhân con số đó với lượng ống hút mỗi khách sử dụng, bạn sẽ hình dung ra một con số khổng lồ.
Để tìm ra giải pháp mới nhằm thay thế những chiếc ống hút nhựa, mới đây, một doanh nghiệp ở Đồng Tháp đã nảy ra sáng kiến sử dụng chính đặc trưng của địa phương để tạo ra ống hút làm bằng bột gạo.
Vốn ở Sa Đéc (Đồng Tháp), đã thấy nức tiếng một làng bột hơn trăm tuổi với những sản phẩm như phở, bún, sợi bánh có nguồn từ lúa gạo được bồi đắp bởi phù sa. Nhắc Đồng Tháp, mấy ai lại không biết bột Sa Đéc?
Ám ảnh với cảnh kênh Nhiêu Lộc ngập trong ống hút nhựa, người đứng đầu một doanh nghiệp địa phương tại Đồng Tháp đã áp dụng công nghệ để tạo ra những chiếc ống hút sạch. Nhà máy của công ty này đã cố gắng không dùng hóa chất tạo độ dẻo, dai, mà sử dụng 80% bột gạo, cộng thêm bột mỳ, bột năng để giúp ống trở nên hợp lý hơn khi sử dụng. Màu sắc của ống hút cũng hoàn toàn được chiết xuất từ rau dền, củ dền, mè đen...
Với tính chất chỉ sử dụng một lần, ống hút làm từ bột gạo có thể bảo quản trong môi trường khoảng 18 tháng và giữ được nguyên hình dạng trong nước khoảng 30 phút. Sau đó, ống hút sẽ nhanh chóng phân hủy ngoài môi trường, thậm chí bạn có thể ăn nếu thấy vui miệng.
Hiện, sản phẩm ống hút làm từ gạo đã được xuất khẩu sang Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu. Trên thực tế, công ty này không phải đơn vị đầu tiên sản xuất ống hút làm từ bột. Tuy nhiên, đây là sản phẩm thuần Việt, cũng như là động thái cực lớn của doanh nghiệp địa phương trong việc góp phần cải thiện môi trường sống, thay đổi cái nhìn của cộng đồng về vấn đề chung của toàn cầu.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp tại Sa Đéc trên cũng đang gấp rút tìm ra giải pháp hạ thấp chi phí sản xuất để những chiếc ống hút bột gạo trở nên phù hợp với túi tiền của nhiều người hơn. Với những nhận thức rõ rệt về bảo vệ môi trường hiện nay, hy vọng không chỉ giới trẻ mà cả những người lao động bình dân đều sẽ ưa dùng và lựa chọn các sản phẩm thân thiện với Trái đất.