Thầy giáo 6 bảng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
TPO - “Dạy học ở Bách khoa cảm hứng lắm. Có lúc tôi còn không muốn ngừng giờ dạy! Những tiết học đó tôi không bao giờ quên được”. Đó là chia sẻ của PGS. TS Nguyễn Cảnh Lương, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Năm 1984, PGS Nguyễn Cảnh Lương bắt đầu những ngày đầu tiên dạy tại khoa Toán ở Trường Đại học (ĐH) Bách khoa Hà Nội. Nhìn xuống lớp là các sinh viên trẻ trung, tiếp thu rất nhanh, sinh viên tranh luận sôi nổi trước những vấn đề thầy đưa ra, còn các lớp kỹ sư tài năng thì sinh viên có những cách giải sáng tạo khiến thầy Cảnh Lương rất thán phục và nghĩ “sinh viên có lời giải còn hay hơn mình”.

Thầy giáo 6 bảng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ảnh 1

PGS Nguyễn Cảnh Lương (ở giữa, áo đỏ) trong lễ trao bằng tốt nghiệp cho sinh viên

Trên lớp thầy truyền kiến thức cho trò, nhưng chính thầy cũng âm thầm học từ trò những tư duy sáng tạo.

Với PGS Nguyễn Cảnh Lương, nghề dạy học vô cùng thú vị. Bởi mỗi giờ dạy, mỗi đối tượng, thầy lại có cách dạy học khác nhau, có những ví dụ khác nhau. Sinh viên có điều kiện có thể dự học các lớp thầy dạy mà không thấy chán!

Không chỉ truyền đạt kiến thức, PGS Nguyễn Cảnh Lương còn chú ý rèn sinh viên tác phong nghiêm túc, chỉn chu như đúng giờ, trong lớp chú ý nghe giảng, tôn trọng thầy cô… Thầy tạo mọi điều kiện cho sinh viên, khuyến khích các em đặt vấn đề, trong giờ giảng có gì không hiểu, sinh viên cứ giơ tay hỏi, thầy sẽ dừng giờ giảng để giải thích cặn kẽ, nhiệt tình, yêu cầu duy nhất là sinh viên phải nghiêm túc, tập trung.

Thầy giáo 6 bảng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ảnh 2

PGS Nguyễn Cảnh Lương

Thầy là một tấm gương về tuân thủ giờ giấc như một người lính, chưa bao giờ vào lớp muộn và cũng không lạm dụng giờ giảng, cứ chuông reo nghỉ là cả giảng đường giải lao, chuông hết tiết là tất cả sinh viên tan lớp.

Thầy giáo 6 bảng

Ở Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, việc thầy giáo viết kín 6 bảng là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng thời thầy Nguyễn Cảnh Lương những năm 8X, đó có thể nói là một huyền thoại!

Đến nay, dù công nghệ đã phát triển, nhưng PGS Nguyễn Cảnh Lương vẫn làm thế, và thầy cũng nổi danh vì điều đó.

Đầu mỗi năm học, trên các trang mạng xã hội hay đăng ảnh PGS. Nguyễn Cảnh Lương cùng 6 cái bảng kín mít chữ, biểu đồ, công thức.... Điều đó cũng nói lên tâm huyết của thầy với nghề.

Thầy giáo 6 bảng ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội ảnh 3

"Huyền thoại" người thầy 6 bảng

Nói về lý do của việc làm “kỳ lạ” đó, thầy Lương giãi bày: “Không phải trong 1 tiết viết đầy 6 bảng mà phải là 3 tiết. Học Toán, nếu tiết sau sinh viên chưa nhớ được kiến thức của tiết trước, nhìn lên bảng là có. Làm thế mình vất vả, nhưng sinh viên sẽ theo dõi kịp, nhìn được tổng thể, hiệu quả giờ giảng sẽ cao hơn.

Nếu để nhàn hơn một chút thì có thể dùng slide. Nhưng slide trôi qua rồi, sinh viên không nhớ slide trước là gì cả, không theo dõi kịp. Đầu tiên tôi viết ở góc trên cùng bên trái và cứ đặt dấu chấm ở góc cuối cùng bên phải là “vừa xinh” hết tiết thứ 3!”.

Những tìm tòi, đúc rút để trở thành “ông thầy 6 bảng” với những bài giảng hay đó là xuất phát từ một niềm đam mê cháy bỏng với nghề. “Dù trong hoàn cảnh nào, đã đứng trên bục giảng là đem hết tâm huyết với học trò”, PGS Lương chia sẻ.

Giờ đến tuổi nghỉ hưu, nhìn lại quãng đường mình đã đi, thầy tự hào khẳng định: “Suốt 44 năm làm giảng viên, tôi chưa bỏ dạy”! Kể cả khi rất bận với công việc quản lý, chưa bao giờ thầy xao nhãng việc dạy học.

“Ông thầy 6 bảng” là dấu ấn không bao giờ phai nhạt trong lòng của sinh viên Trường ĐH Bách khoa về PGS Nguyễn Cảnh Lương.

MỚI - NÓNG