Gọi những suất cơm đặc biệt ấy là “Cơm chữ”, anh Phạm Phúc Lợi, hiện là giảng viên khoa Du lịch và Việt Nam học của trường Đại học Nguyễn Tất Thành mong muốn tiếp thêm “vắc-xin” tinh thần để người nhận có chút vui vẻ, bất ngờ và mau chóng khỏi bệnh.
“Lạc quan đã giúp tôi ngoạn mục vượt qua những biến cố của cuộc đời nên tôi hiểu giá trị tinh thần quý báu hơn bao giờ hết”, nam giảng viên 8X chia sẻ với Hoa Học Trò Online.
Anh Lợi tự tay viết lời nhắn "cưng xỉu" trên những hộp cơm gửi vào Bệnh viện dã chiến số 7. |
Mỗi ngày, 15 - 20 hộp cơm trong số 300 hộp trao đi sẽ có những lời nhắn nhủ “cưng xỉu” do anh Lợi nghĩ ra và tự tay nắn nót viết. Do không đủ nhân lực và không có nhiều thời gian nên nam giảng viên chỉ viết ngẫu nhiên thay vì làm hàng loạt. Điều này sẽ giúp người nhận thêm hào hứng, xem như là cái duyên đặc biệt.
"Cơm chữ" như liều "vắc-xin" tinh thần giúp mọi người thêm lạc quan. |
Ban đầu, trên hộp cơm chỉ là vài dòng nhắn đơn giản như: “Ăn là yêu người nấu, không ăn là “gấu” của người mang cơm”, “Người nấu phần cơm này chưa có người yêu”... Về sau, anh Lợi “đầu tư” hơn bằng những câu thơ dí dỏm, thậm chí có cả hình vẽ để tăng thêm phần sinh động:
“Dịch bệnh chưa thể mua cua / Hôm nay tạm món cà chua sốt cà”
“Cơm này đi khắp muôn nơi / ai mà nhận được, cả đời thương tôi”
“Yêu nhau mấy núi cũng trèo / Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng giao cơm”...
Những phần "cơm chữ" được anh Lợi đầu tư qua từng ngày, có thêm hình vẽ sinh động. |
Biết đến hành động ý nghĩa của nam giảng viên trẻ qua những bài đăng trên trang cá nhân, nhiều bạn bè đã nhiệt tình đóng góp những câu thơ dí dỏm để anh có thêm “chất liệu” nhắn nhủ trên các hộp cơm. “Phần này có được sự góp sức của các “nhà thơ chuẩn mực” gửi về nên thi vị, còn mấy câu bá đạo là mùi của mình”, nam giảng viên dí dỏm.
Các bài cập nhật mỗi ngày về “cơm chữ” của anh Lợi đều thu hút hàng ngàn lượt “thả tim” và hàng trăm bình luận khen ngợi ý tưởng độc đáo, đáng yêu giúp truyền năng lượng tích cực trong thời gian này:
“Nấu cơm này thấy vậy cũng cực lắm, mà nghĩ ra mấy câu này giúp người nhân thấy vui và hạnh phúc khi ăn”
“Nhận được hộp cơm này là vừa được ăn no vừa được thêm tinh thần là ai cũng vui khỏe để đẩy lùi dịch bệnh”.
Hàng trăm suất cơm ngon lành được các giảng viên tự tay chuẩn bị mỗi ngày. |
Trở thành tình nguyện viên của Gian Bếp Yêu Thương gần 20 ngày qua, anh Lợi vừa cùng mọi người nấu nướng, chuẩn bị hàng trăm phần cơm vừa tranh thủ làm việc online đều đặn vào mỗi tối. Để đảm bảo phòng, chống dịch bệnh, các thành viên trong Gian Bếp Yêu Thương đã tạm xa gia đình, vào sinh hoạt tại trường trong vài tháng qua.
“Đằng sau hàng trăm suất ăn mỗi ngày chỉ vỏn vẹn chưa tới 10 người, đa phần vừa bận bịu sách vở, giảng đường, dạy học với công việc online, vừa nấu vừa sắp xếp, tìm nguồn duy trì… là một nỗ lực không hề nhỏ. Chưa kể áp lực nấu nướng đôi lúc cũng khiến chúng mình căng thẳng”, nam giảng viên tâm sự.
Tuy nhiên, anh Lợi chỉ chọn chia sẻ những điều tích cực, vui vẻ lên trang cá nhân. “Những việc của nhóm đang làm còn nhẹ nhàng so với nhiều trái tim nhân ái hoạt động trong xã hội. Chúng ta cùng nhau cố gắng vượt qua khó khăn, thử thách này nhé! Hứa hẹn về một Sài Gòn sớm bình yên và khỏe mạnh”, anh Lợi nhắn nhủ.