Thay vì sợ hãi cảm giác căng thẳng, hãy cùng "chiến đấu" với nó!

Thay vì sợ hãi cảm giác căng thẳng, hãy cùng "chiến đấu" với nó!
HHT - Người lớn hay cho rằng tuổi chúng mình là tuổi vô lo vô nghĩ, nên chẳng bao giờ nghĩ chúng mình có thể bị “xì-trét” tấn công. Nhưng thực tế, ai cũng có cảm giác căng thẳng lo lắng ở một thời điểm nào đấy, phải làm gì lúc đó?

“Định nghĩa” sự căng thẳng đã nào!

Căng thẳng, hay còn gọi là “xì-trét” (là từ Việt hóa của stress trong tiếng Anh) bao gồm khá nhiều cảm xúc tiêu cực, ví dụ như cảm giác lo lắng bồn chồn vì bài thi sắp tới, buồn bực chán nản vì không được làm việc mình thích, hay buồn rầu khổ sở khi chú cún/ miu con không may qua đời, hoặc sợ hãi căng thẳng khi phải trải qua việc gì đó nguy hiểm một mình… Những cảm giác này có thể khiến chúng mình đau đầu, thậm chí đau bụng, bồn chồn mất ăn mất ngủ, nặng hơn nữa là khiến chúng mình bị ốm, tinh thần bị ảnh hưởng trầm trọng dẫn đến việc không thể học hành hay làm được việc gì tử tế.

Thay vì sợ hãi cảm giác căng thẳng, hãy cùng "chiến đấu" với nó! ảnh 1

Làm gì để “chiến đấu” được với “xì-trét” đây?

Bất kỳ ai trong chúng mình cũng có thể cảm thấy căng thẳng ở một thời điểm nào đó. Và mỗi bạn lại có những cách riêng để đối phó với cảm giác này. Có bạn rất giỏi, tìm mọi cách để giải quyết vấn đề, thoát khỏi căng thẳng, nhưng có bạn thì lại rất lúng túng, bế tắc nên làm một loạt những hành động tiêu cực. Trong những lúc thế này, có khá nhiều cách để “chiến đấu” với “xì-trét”, nếu không biết phải làm gì, chúng mình hãy thử những cách này xem sao nhé!

- Trước tiên, đừng giữ trong lòng, hãy tìm đến những người thân, bạn bè để cùng chia sẻ và tìm sự giúp đỡ. Biết đâu chúng mình vừa giải quyết được rắc rối của riêng mình, và còn biết, rồi giúp đỡ chính những người bạn khác vượt qua rắc rối của các bạn ấy nữa ý! Một công đôi việc phải không nào.

Thay vì sợ hãi cảm giác căng thẳng, hãy cùng "chiến đấu" với nó! ảnh 2

- Đừng hoảng sợ. Giữ bình tĩnh trong lúc này là một việc khó khăn, nhưng phải thật cố gắng để không hoảng sợ bạn nhé! Có một cách mà các chuyên gia tâm lý tuổi chúng mình hay nhắc chúng mình làm lúc này, đó là tìm ra tên của cảm giác tiêu cực đó, lấy một tờ giấy trắng và viết hết nó ra, tất cả các cảm giác thù hằn, tất cả những gì bạn muốn làm hãy viết hết ra tờ giấy đó. Trong lúc viết, hãy bật bài hát bạn yêu thích nhất nhé! Sau khi viết xong, bạn có thể bước ra ngoài trời, hít thở sâu và đi dạo vài vòng, bạn sẽ thấy hiệu quả bất ngờ đấy! Cách này đặc biệt hiệu quả với những cảm xúc kiểu như giận dữ, bực dọc quá mức với ai đó.

- Cố gắng giải quyết rắc rối từng tí một. Không cần phải cuống quýt lên để rồi mọi việc lại rối tung lên thêm. Bình tĩnh và chia nhỏ vấn đề ra rồi giải quyết. Ví dụ bạn đang quá bối rối vì không nhớ nổi cách giải bài tập, mà mai là ngày thi rồi. Hãy bình tĩnh đọc lại xem bài tập đó liên quan đến những kiến thức nào, rồi đọc lại những kiến thức đó, bạn sẽ tìm được cách giải nhanh hơn đấy!

- Hãy luôn sống tích cực. Đừng quá tạo áp lực cho mình, vì áp lực quá cao chắc chắn sẽ dẫn đến căng thẳng. Và cũng đừng quá lo sợ, căng thẳng cũng như nhiều cảm xúc khác, cũng chỉ đến vào một thời điểm và rồi nó sẽ qua thôi.

Thay vì sợ hãi cảm giác căng thẳng, hãy cùng "chiến đấu" với nó! ảnh 3

Đừng quá sợ hãi cảm giác căng thẳng nhé!

Người ta chia cảm giác căng thẳng ra hai loại, một loại được cho là có tác dụng tốt và một loại có tác dụng xấu. Tác dụng xấu thì chúng mình đã được biết đến ở trên rồi này. Cảm giác căng thẳng có tác dụng tốt là thế nào? Đó là một chút áp lực rằng mình phải làm sao để làm bài thi tốt, một chút lo lắng rằng mình sẽ kém hơn so với bạn bè, những cảm giác giác sẽ khiến chúng mình chăm học và cố gắng hơn. Vì thế, đừng quá sợ hãi cảm giác căng thẳng, mà hãy dũng cảm đối mặt với nó, điều tiết để nó giúp ích cho cuộc sống chúng mình hơn nhé!

BIN BIN

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm