THẾ GIỚI 24H: Chính quyền quân sự Myanmar hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2020

0:00 / 0:00
0:00
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Myanmar vào tháng 11/2020. Ảnh: Reuters.
Đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tại Myanmar vào tháng 11/2020. Ảnh: Reuters.
TPO - Chính quyền Myanmar ngày 26/7 hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2020 với chiến thắng thuộc về đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Aung San Suu Kyi, theo AFP.

Ủy ban bầu cử của quân đội Myanmar cho biết các cuộc điều tra đã phát hiện hơn 11 triệu trường hợp gian lận trong cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2020. Trong cuộc bầu cử vào tháng 11/2020, đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi đã đánh bại phe đối lập nước này. Trước đó, chính quyền cho biết sẽ tổ chức các cuộc bầu cử mới trong vòng hai năm song cũng đã cảnh báo có thể giải tán đảng NLD. Ông Thein Soe, chủ tịch Ủy ban bầu cử của quân đội Myanmar, không cho biết liệu chính quyền Myanmar có tiến hành đợt bầu cử mới hay không. Bà Aung San Suu Kyi đã bị giam giữ kể từ khi cuộc chính biến nổ ra vào ngày 1/2. Bà phải đối mặt với một loạt cáo buộc và có thể khiến bị tuyên án hơn 10 năm tù giam. Hơn 900 người đã thiệt mạng trong cuộc biểu tình kêu gọi trả tự do cho các nhà lãnh đạo dân cử, kể từ cuộc chính biến ngày 1/2 nói trên.

Phát biểu tại buổi họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 26/7, người phát ngôn Triệu Lập Kiên cho rằng, nếu tiến hành cuộc điều tra nguồn gốc Covid-19 trên phạm vi toàn cầu thì mục tiêu đầu tiên phải là Mỹ, chứ không phải là Trung Quốc. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định, thời gian qua đã có nhiều tiếng nói quốc tế phê phán Mỹ chính trị hóa vấn đề điều tra nguồn gốc dịch Covid-19 và yêu cầu điều tra phòng thí nghiệm Fort Detrick của Mỹ. Ông này dẫn chứng thông tin từ báo Hàn Quốc và Nhật Bản cho rằng, dịch Covid-19 đã lây lan tại Mỹ từ tháng 12/2019, do đó nếu phải tiến hành điều tra nguồn gốc Covid-19 trên phạm vi toàn cầu thì điểm đến đầu tiên phải là Mỹ mà không phải là Trung Quốc.

Hôm 26/7, Reuters dẫn nguồn tin cho biết, Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris có thể tới Việt Nam và Singapore vào tháng 8, song chi tiết về chuyến công du này vẫn chưa được tiết lộ. Cũng theo nguồn tin của Reuters, tình hình COVID-19 có thể sẽ là chương trình nghị sự chính của bà Kamala Harris trong chuyến thăm đến Việt Nam và Singapore.

Chính phủ Anh đang cân nhắc cách loại công ty năng lượng nguyên tử sở hữu nhà nước của Trung Quốc khỏi tất cả các dự án điện trong tương lai của Anh, bao gồm dự án nhà máy điện hạt nhân Sizewell trị giá 27,5 tỷ USD ở Suffolk. Sự thay đổi thái độ ở cấp cao nhất của Chính phủ Anh cũng ảnh hưởng đến đề xuất của tập đoàn điện hạt nhân Trung Quốc CGN về việc xây một nhà máy mới ở Essex bằng công nghệ lò phản ứng của Trung Quốc và đặt ra nhiều câu hỏi về chương trình điện hạt nhân của Anh trong tương lai.

Ngày 26/7, quan chức phụ trách chiến dịch phòng chống COVID-19 của Italy, ông Francesco Paolo Figliuolo cho biết Rome đặt mục tiêu 80% dân số được tiêm vaccine phòng COVID-19 vào cuối tháng 9, tỷ lệ đủ khả năng tạo miễn dịch cộng đồng. Phát biểu với báo giới khi đến thăm một trung tâm tiêm chủng ở Turin, ông Figliuolo nói: "Đến cuối tháng 7, chúng tôi sẽ bảo đảm 60% dân số được tiêm chủng. Mục tiêu của chúng tôi là tăng lên 80% vào cuối tháng 9. Hiện nay, 56% dân số Italy đã được tiêm vaccine và tôi coi đó là một kết quả tốt. Bây giờ chúng ta phải tiếp tục tiến lên, không bỏ cuộc".

Ngày 26/7, Trong Thông điệp quốc gia cuối cùng trên cương vị Tổng thống Philippines, ông Rodrigo Duterte đã lên tiếng bảo vệ chiến dịch chống ma túy, cho rằng chiến dịch này đã giúp giảm thiểu tội phạm và cải thiện tình hình an ninh trật tự. Trong bài phát biểu gần 3 giờ đồng hồ, ông Duterte tuyên bố: "Chúng ta vẫn còn một chặng đường dài trong cuộc chiến chống ma túy". Về đại dịch COVID-19, ông Duterte kêu gọi mọi người tiêm chủng để ngăn chặn dịch bệnh này lây lan, đồng thời cảnh báo có thể cần tái áp đặt phong tỏa nếu không thể kiểm soát tình hình lây nhiễm do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2.

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi ngày 26/7 đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Mỹ Joe Biden tại Nhà Trắng. Hai bên đã đạt thỏa thuận, qua đó Mỹ sẽ chấm dứt sứ mệnh chiến đấu ở Iraq vào cuối năm 2021. Đây là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa Thủ tướng al-Kadhimi và Tổng thống Biden và là một phần của đối thoại chiến lược giữa Mỹ và Iraq. Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp, Tổng thống Biden cho biết sứ mệnh chiến đấu của quân đội Mỹ ở Iraq sẽ chấm dứt vào cuối năm nay nhưng sẽ tiếp tục huấn luyện và hỗ trợ các lực lượng Iraq chống lại Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS.

Theo Reuters, ngày 26/7, quân đội Pakistan thông báo, 46 binh sỹ Afghanistan đã xin tị nạn ở nước này sau khi mất quyền kiểm soát các cứ điểm quân sự ở biên giới, trong bối cảnh lực lượng nổi dậy Taliban đạt được những bước tiến đáng kể trên chiến trường. Thông báo trên cho biết, chỉ huy quân đội Afghanistan đã đề nghị được trú ẩn tại cửa khẩu biên giới ở Chitral, miền Bắc Pakistan.

Ngày 26/7, trong chuyến thăm và làm việc tại Paris, Ngoại trưởng Anh và người đồng cấp Pháp đã đồng ý một hiệp ước an ninh hàng hải mới giữa Anh và Pháp. Hiệp ước mới được ký kết nhằm mục đích củng cố an ninh của Anh và Pháp thông qua việc tăng cường phối hợp giữa lực lượng thực thi pháp luật của hai bên ứng phó khẩn cấp để ứng phó với các cuộc khủng bố, hoặc sự cố khẩn cấp xảy ra trên tuyến hàng hải tại eo biển Manche, nối hai bờ biển giữa giữa Anh và Pháp.

MỚI - NÓNG