THẾ GIỚI 24H: Ukraine sẽ có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu

0:00 / 0:00
0:00
TPO - Ngày 29/1, Bộ Năng lượng Ukraine thông báo sẽ bắt đầu xây dựng 4 lò phản ứng hạt nhân mới trong năm nay.
THẾ GIỚI 24H: Ukraine sẽ có nhà máy điện hạt nhân lớn nhất châu Âu ảnh 1

Nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở Ukraine. Ảnh: Energoatom/TTXVN

Phát biểu trên truyền hình, Bộ trưởng Năng lượng Ukraine German Galushchenko cho biết tất cả 4 lò phản ứng mới sẽ được đặt tại nhà máy điện hạt nhân Khmelnytskyi ở miền Tây nước này. Ông nêu rõ nhà máy Khmelnytskyi sẽ có 2 lò phản ứng được sản xuất theo thiết kế của Mỹ. Bộ trưởng Galushchenko nhấn mạnh với 6 lò phản ứng hạt nhân, đây sẽ trở thành nhà máy lớn nhất ở châu Âu, thậm chí có công suất lớn hơn nhà máy Zaporizhzhia. Quá trình xây dựng sẽ mất nhiều năm, với lò phản ứng thứ ba dự kiến sẵn sàng đi vào hoạt động trong hơn 2 năm tới.


Lực lượng của Mỹ và đồng minh tại Syria bị tấn công bằng tên lửa. Một quan chức quốc phòng Mỹ cho biết, ngày 29/1, các lực lượng của nước này và đồng minh ở Syria đã bị tấn công bằng tên lửa. Quan chức quốc phòng Mỹ giấu tên trên chia sẻ: "Nhiều tên lửa đã được phóng nhằm vào lực lượng Mỹ và liên minh tại Căn cứ tuần tra Shaddadi, Syria. Không có thương vong nào được báo cáo và không có thiệt hại về cơ sở hạ tầng".


Ngoại trưởng Blinken nói Ukraine sẽ trở thành thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết cánh cửa của NATO vẫn mở đối với Ukraine và nước này sẽ trở thành thành viên của liên minh quân sự. “Chúng ta đã chứng kiến kỷ lục ​​về mặt thời gian của quá trình này, đầu tiên là với Phần Lan và bây giờ là với Thụy Điển. Cánh cửa của NATO đang mở, bao gồm cả Ukraine, quốc gia sẽ trở thành thành viên của NATO", Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói trong cuộc họp báo chung với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ở Washington hôm 29/1, mô tả việc Phần Lan gia nhập NATO và quá trình gia nhập gần như hoàn tất của Thụy Điển là minh chứng cho sự cởi mở của NATO.


Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ 51 nghi phạm liên quan vụ tấn công nhà thờ ở Istanbul. Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ đưa tin, ngày 29/1, các lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ 51 nghi phạm liên quan đến vụ tấn công nhà thờ ở thành phố Istanbul xảy ra 1 ngày trước đó. Theo hãng tin Demiroren, có 23 đối tượng đã được đưa đến trung tâm trục xuất và cảnh sát đang giam giữ 28 nghi phạm khác. Trong số các nghi phạm có công dân Thổ Nhĩ Kỳ và Tajikistan. Trước đó, trưa 28/1, có 2 đối tượng đã tấn công nhà thờ Santa Maria ở quận Sariyer khi đang diễn ra nghi lễ cầu nguyện ngày chủ nhật, khiến 1 người thiệt mạng.


Hamas muốn ngừng bắn hoàn toàn ở Dải Gaza. Quan chức cấp cao của Hamas cho biết lực lượng này muốn có một "lệnh ngừng bắn toàn diện và đầy đủ" ở Dải Gaza. Theo Thủ tướng Qatar, khuôn khổ này sẽ cho phép thả các con tin là phụ nữ và trẻ em trước tiên, cùng với viện trợ cũng được đưa vào Dải Gaza. Thủ tướng Sheikh Mohammed bin Abdulrahman Al Thani cho biết, các bên "hy vọng đề xuất sẽ được gửi tới Hamas và lực lượng này sẽ tham gia tích cực, mang tính xây dựng vào quá trình này".


Biểu tình gây gián đoạn nhiều hoạt động tại thủ đô của Pháp. Làn sóng biểu tình của nông dân Pháp vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Hôm qua, nông dân tại quốc gia sản xuất nông nghiệp lớn nhất Liên minh châu Âu bắt đầu di chuyển tới Paris, đe dọa chặn các cao tốc lớn và phong tỏa thủ đô nhằm kêu gọi chính phủ cải thiện các điều kiện lao động.


Ukraine tiết lộ quy mô quân đội. Theo Guardian, trong một cuộc phỏng vấn ngày 29/1, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky công bố rằng nước này hiện có 880.000 binh sĩ, nhiều hơn khoảng 300.000 quân so với báo cáo tháng trước. "Chúng tôi có quân đội lên tới gần 1 triệu người. Bên cạnh đó, Ukraine sở hữu lực lượng lao động khoảng 30 triệu người hoặc nhiều hơn, tôi không thể nói chính xác", ông Zelensky cho biết. Khi được hỏi về số người đã rời khỏi Ukraine kể từ khi cuộc xung đột nổ ra, ông Zelensky nói rằng con số này rơi vào khoảng 6,5-7,5 triệu người.


Nhiều sai phạm tại cơ quan y tế Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, Đơn vị Y tế Nhà Trắng đã không tuân thủ các hướng dẫn của chính phủ liên bang và Bộ Quốc phòng khi cấp các loại thuốc theo đơn, trong đó có cả các loại dược phẩm được kiểm soát, cho những đối tượng không đủ điều kiện, đồng thời mua các loại thuốc có giá cao hơn hàng chục nghìn USD so với những loại thuốc tương đương. Báo cáo cho rằng những đối tượng không đủ điều kiện còn được phẫu thuật và chăm sóc đặc biệt miễn phí tại các cơ sở quân y.


Nhật Bản và Đức ký kết Thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác an ninh. Ngày 29/1, Nhật Bản và Đức đã ký kết Thỏa thuận Tiếp nhận và Dịch vụ Tương trợ (ACSA). Đây là Thỏa thuận nhằm tăng cường hợp tác an ninh giữa Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản (SDF) và quân đội Đức trong các tình huống cho phép.

MỚI - NÓNG