Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi!

Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi!
HHT - Cứ độ lâu lâu, một tin mới về ai đó vì làm việc lao lực mà qua đời lại nổi lên, rồi mọi người lại tag nhau vào để nhắc nhở nhau đừng vì quá chăm làm mà quên ăn uống điều độ, cân bằng cuộc sống.

Thế nhưng đâu phải chỉ ở những người đi làm, teen nhà mình cũng chính là những “fan cứng” của deadline cần được báo động đỏ!

Deadline dường như luôn nhiều vô số kể

Vì thế giới đang phát triển, tin tức về thiên tài này, bạn trẻ kiếm được nghìn đô nọ... ngày ngày xuất hiện trên mọi trang thông tin, khiến người trẻ tụi mình cứ thế mà mang tâm thế phải học nhiều hơn, làm nhiều hơn. Trên Story Instagram của sinh viên đại học, người ta hoảng hồn khi các bạn để những con số tượng trưng cho số giờ ngủ đêm trước trên đầu mỗi người: 0, 1.5, 2, 4..., bởi vì nếu ngủ nhiều hơn nữa sẽ chẳng đủ thời gian cho vô số trách nhiệm các bạn đang gánh trên vai.

Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi! ảnh 1

Trên teenhelp.com có trích một bảng nghiên cứu rằng, cứ mỗi ngày trôi qua, sẽ có 2.500 bạn teen chọn thử thuốc giảm đau dạng gây nghiện lần đầu tiên. Điều này xuất phát cả từ áp lực ở những bạn đồng trang lứa (peer pressure), đến nhu cầu thật sự của các bạn, nhu cầu cần được giải thoát tạm thời khỏi mớ công việc choáng ngợp mình chưa thể giải quyết ngay. Nhiều bạn đang học trung học đã đi làm sớm, thường sẽ được các công ty đồng ý cho làm việc online và hạn chế lên công ty trực tiếp. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa với việc giờ làm của bạn sẽ kéo dài cả ngày, cả đêm.

Bạn Hạnh Uyên (cựu học sinh trường Phổ thông Năng Khiếu) kể rằng: “Hồi năm lớp 11, bạn thân của tớ đi làm thêm cho công ty truyền thông kia, vì làm việc online nên lúc nào cũng kè kè cái laptop viết bài liên tục, kể cả đang ngồi trong lớp mà được giao việc thì nó cũng sẽ ngồi hụp xuống dưới gầm bàn mà viết. Tệ hơn nữa là vì ban ngày đi học, nên bạn đó làm trực tin tức ca đêm từ 10g tối đến 2g sáng, nghỉ trưa thì tranh thủ chạy qua công ty để họp. Áp lực giữ vững điểm trong trường, hoàn thành tốt công việc cùng lúc với hai hoạt động ngoại khóa cho hai tổ chức khác mà bạn í đang tham gia làm tớ cảm thấy bạn luôn trong tình trạng muốn nổ tung vậy. Thời điểm ấy bạn cứ cau có không nói chuyện với ai, gắt gỏng với cả ba mẹ, phải đến lúc cả đám ngồi lại khuyên nhủ cho bạn í khóc bùng ra thì mới chịu nước mắt nước mũi viết mail xin thôi việc đấy!”.

“Giải mã” đá tảng ở hai chân

Những nguyên do gây ra áp lực cho teen chẳng phải chỉ từ phía ngoài, từ “xã hội”, mà còn đến từ chính cả bản thân teen và những người thân thuộc, tưởng chừng như quan tâm mình nhất.

Chúng ta là antifan khắc nghiệt nhất của bản thân mình

Bên cạnh những trường hợp teen bị áp lực từ ba mẹ, họ hàng đã quá phổ biến thì kinh khủng nhất là áp lực từ chính bản thân mình. Bạn bè tham gia hoạt động ngoại khóa, mình cũng phải tham gia; bạn bè đi làm sớm, mình cũng phải đi làm; bạn bè vào được trường đại học top cao, mình cũng phải làm được.

Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi! ảnh 2

Bạn Bảo Nghi (16 tuổi, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Tớ không có áp lực gì từ gia đình hết nhưng lúc nào cũng cảm thấy rằng mình chưa đủ tốt nên cứ phải cày cuốc thêm thôi. Bản thân gia đình tớ thì xem việc học chuyên hay không chuyên rất bình thường, nhưng riêng với tớ thì nó vô cùng quan trọng. Vì học chuyên nên ít nhiều cũng phải cho mọi người thấy bản thân có năng lực, từ đó cũng sinh ra một số áp lực nhất định”.

Và câu chuyện cũng chẳng xuất hiện ở các bạn trường chuyên lớp chọn. Diễm Quỳnh (17 tuổi) chia sẻ: “Tớ nghĩ ai rồi cũng sẽ có những giai đoạn như vậy thôi, trường chuyên hay không cũng chẳng khác biệt nhau là bao nhiêu. Chỉ khác chăng là có bạn áp lực chuyện học tập, thì sẽ có bạn khác áp lực vào trách nhiệm, công việc”.

Người lớn ơi, hãy thông cảm cho teen!

Teen đi học, đi hoạt động, đồng nghĩa với việc dành đa số thời gian tại trường và cho bạn bè, kể cả lúc ở nhà cũng sẽ nhắn tin với người này, gọi điện cùng người kia để hoàn thành công việc nhóm. Và theo lời của phụ huynh nói thì, càng lớn, teen càng xa khỏi vòng tay ba mẹ hơn!

Khi đạt đến một độ tuổi nhất định, cuộc sống của người lớn sẽ dần vào quỹ đạo, mọi thứ sẽ dần ổn định, duy chỉ có con mình là điều duy nhất cứ liên tục thay đổi, chuyển động. Vậy nên bao nhiêu sự quan tâm, nâng niu, cả nhà sẽ dồn cả vào teen. Thế nhưng người lớn ơi, ngược lại, ở độ tuổi này đối với teen thì điều gì cũng đang thay đổi đến chóng cả mặt. Bên cạnh bài tập, deadline, hoạt động, còn phải nhớ cả những mốc ngày quan trọng trong gia đình dòng họ, nhớ những dòng tin nhắn hỏi thăm, nhớ chăm lo cho muôn vàn mối quan hệ vừa chớm nở...

Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi! ảnh 3

Bởi vì đến cả việc sắp xếp thời gian tham dự workshop “Quản lý thời gian hiệu quả” còn không thể làm được, nên teen vẫn đang phải bối rối vào mức độ ưu tiên của bản thân cho từng giai đoạn, chỉ mong rằng sẽ có được sự thông cảm từ gia đình thôi.

Bận rộn có đồng nghĩa với hiệu quả? 

Khi nghe tin về số lượng thời gian mỗi cuối tuần học sinh của mình dành ra cho việc ngồi ở quán cà-phê làm bài, quản lý tuyển sinh trường Đại học Fulbright tại Việt Nam đã nhắn gửi rằng: “Bên cạnh làm việc cật lực (work hard), mong rằng các em cũng đang làm việc một cách thông minh (work smart)”.

Trong một môi trường cạnh tranh cao, ai cũng bận rộn, ai cũng làm việc, sẽ dễ khiến cho các teen bị hoảng khi... mình không có việc gì để làm. Cảm giác đứng yên khi mọi người đang chạy về trước như là đang bị bỏ lại phía sau vậy. Vậy là dù làm việc này hay việc kia, đôi khi chúng ta lại quá bận rộn, tốn nhiều thời gian mà lại không thực sự hiệu quả. Điều quan trọng nhất chính là phải biết được thứ tự ưu tiên và mục đích của những công việc mình đang làm.

Bạn Vân Thùy (17 tuổi) chia sẻ: “Sau đợt tâm lý bị chấn động vì bản thân tự đặt quá nhiều kì vọng và áp lực, tớ đã rút ra rằng không nên quá hà khắc với bản thân, nhắm cái gì làm một mình không hết thì chia sẻ việc với mọi người, nhờ bạn bè giúp đỡ. Đồng thời thì tớ cũng chấp nhận là bản thân mình không phải con người hoàn hảo, đặc biệt là tuổi này thì còn thời gian để mà trau dồi, hoàn thiện bản thân từ từ. Nên là, cứ thoải mái mà làm thôi, hãy để sức nặng đó trở thành một loại động lực, áp lực tích cực, chứ đừng để chúng biến thành chiếc gông kiềm bạn xuống!”.

Thế hệ "fan cuồng" deadline ơi, đã đến lúc thức dậy rồi! ảnh 4

Thay vì nhận việc và trễ hạn liên tục, điều tốt hơn bạn có thể làm khi xác định rõ về bản thân mình chính là không nhận việc từ đầu hoặc nhờ sự giúp đỡ phù hợp. Đặc biệt hãy luôn biết rằng, bạn xứng đáng có thời gian nghỉ, và giúp bản thân thư giãn cũng nên là một deadline cần bạn hoàn thành đấy!

Theo Hoa Học Trò
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm