Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số!

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số!
HHT - Tuần qua, nam sinh lớp 10 trường THPT Nguyễn Khuyến (TP.HCM) tự tử với lý do trong thư tuyệt mệnh để lại là phải chịu áp lực quá lớn từ học tập. Câu chuyện áp lực học tập dù đã bức bối từ rất lâu nhưng vẫn còn trầm kha.

Bức tranh màu xám của những con điểm

Bạn H.T (lớp 11 trường THPT H., TP.HCM) xếp hạng 4 trong lớp nhưng vẫn bị bố la, vì “Hạng 4 thì khác gì hạng 50. Đều không được tuyên dương vì chỉ có Top 3 mới được khen thưởng. Tại sao không thể cố tí nữa để vào được hạng 3?”. H.T rất cô đơn vì chẳng có nhiều bạn chơi cùng. Bị cô la thì đấm vào cửa, rồi nhốt mình vào nhà vệ sinh, còn có ý định nhảy xuống từ lầu 3.

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số! ảnh 1

Những bạn giỏi nhất, ngoan nhất luôn là những bạn có nhiều áp lực nhất. Bạn Q.Dao (Q.6, TP.HCM) học giỏi nhất nhì trường, là con ngoan của gia đình, vừa học vừa làm thêm để dành tiền học đại học. Mọi người nghĩ rằng đậu ĐH với bạn ấy là chuyện dễ dàng, vì chẳng có lý nào một học sinh tiêu biểu lại rớt ĐH cả. Thế nhưng cô bạn ấy tâm sự rằng bạn bị áp lực bởi mọi thứ. Bởi những người ghét bạn ấy không lý do, bởi những người giỏi giang được làm việc trong môi trường xịn đét, bởi chính bảng điểm chót vót của mình,…

Theo tổ chức Tâm lý học Mỹ (American Psychological Association), vào năm 2012 - 2013, có tới 48,7% học sinh phải dự các lớp tâm lý để tìm ra vấn đề của mình. Và có tới 10% học sinh tại Mỹ phải điều trị tại bệnh viện vì có vấn đề về cảm xúc.

Ở Việt Nam, khi bạn hắt xì, bạn bị bệnh. Khi các bộ phận trong cơ thể bạn kêu gào, dạ dày đói meo, đầu óc choáng váng, chắc hẳn bạn có vấn đề sức khỏe. Thế nhưng khi bạn cắt tay vì áp lực điểm số, đòi tự tử vì cảm giác bị ép vào đường cùng, thì bị cho là ngu ngốc, là vớ vẩn, là những trò trẻ trâu không đâu vào đâu của tuổi dậy thì. Thay vì thành lập những tổ chức hoặc cơ quan y tế về sức khỏe tâm lý, nhiều người lớn lại làm vấn đề thêm nghiêm trọng bằng những câu cửa miệng “xát muối” như “Còn làm như vậy nữa thì cút ra khỏi nhà đi!”. Nói một cách đơn giản, bệnh tâm lý không được coi là bệnh, mà được coi là triệu chứng của một đứa trẻ hư.

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số! ảnh 2

Bạn có tin ba mẹ “đuổi con ra khỏi nhà” vì điểm kém?

Mặc dù bạn có 1001 lý do để muốn nổi loạn, để muốn thoát khỏi cuộc sống mệt mỏi với những áp lực luẩn quẩn, bạn vẫn là người tự mở cánh cổng lựa chọn để mình có được thanh thản hay không.

Bạn hãy thử hỏi một vòng bạn bè xem có bao nhiêu người vẫn tin rằng khi mình làm sai, khi mình học tệ, khi mình phạm lỗi…, mình sẽ bị nhị vị phụ huynh đuổi ra khỏi nhà, sẽ không còn được yêu thương?

Một bạn lớp 12 không thể hiểu nổi tại sao một đứa bé lớp 1 đau khổ khóc lóc vì bị anh Hai uống mất ly nước cam mà bé để dành trong tủ lạnh, thì người lớn cũng không thể nào hiểu nổi tại sao một học sinh cuối cấp lại đau đớn trước con điểm 7. Vậy nên, người đầu tiên cần thông cảm với phụ huynh chính là bạn. Và những câu hù dọa thực sự… KHÔNG CÓ THẬT!

Câu nói mà nhiều bạn nghe được thường xuyên nhất từ bố mẹ, thầy cô là “Sao không lo học?” thay vì là “Mẹ yêu con”, “Ba thương con”. Thế nhưng bạn có nhận ra câu nói đó chỉ là một dạng thói quen, một “câu nói cửa miệng”, không hàm ý rằng nếu bạn lỡ bị điểm kém, có nghĩa bạn là một đứa con hư hỏng.

Chị Thùy Trang (Q.Bình Tân, TP.HCM) chia sẻ: “Là một người mẹ, nỗi sợ lớn nhất của chị là con hư hỏng. Vậy nên dù biết rằng không nên la mắng, không nên đặt nặng áp lực học tập cho con, nhưng đôi khi thấy thằng bé ngồi chơi game, chị vẫn buột miệng nói “Sao con không lo học mà suốt ngày chơi mãi thế”. Câu nói đó không có nghĩa là con lo học đi, mà nó chính xác là “Mẹ thương con lắm, mẹ lo con sau này chỉ chơi bời không biết làm gì, mẹ xót…”. Dù nỗi sợ có thể không thành hiện thực, nhưng đó vẫn là nỗi sợ lớn, là áp lực khủng khiếp của những bậc làm mẹ cha!”.

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số! ảnh 3

Vậy nên, nếu bạn luôn tự hỏi tại sao ba mẹ không hiểu mình, thì hãy đặt mình vào vị trí của phụ huynh để tìm câu trả lời cho thắc mắc: Tại sao con cái không hiểu cho mình nhỉ? Kết quả là bố mẹ không hiểu con và con cũng không hiểu bố mẹ!

Bạn sẽ chỉ không cảm thấy áp lực khi bạn biết tất cả mọi người xung quanh bạn cũng đang chịu áp lực, và bạn chấp nhận cho lỗi sai của họ!

Biết giá trị của bản thân và tự kéo chân ra khỏi vũng đầm

Tỉ lệ thiên tài hoặc cận thiên tài (đánh giá qua chỉ số IQ) chỉ chiếm 0,1% nhân loại. Thông minh và rất thông minh chỉ chiếm 16%. Còn lại là những người bình thường. Vậy nên là một người bình thường, học không giỏi, lại hoàn toàn chẳng phải là điều gì khác thường cả. Nhưng đa số bố mẹ đều không nghĩ như thế. Bố mẹ luôn muốn con mình trở thành một người tốt, tốt hơn, tốt hơn nữa và tốt nhất trong khi hầu hết những đứa trẻ sinh ra không phải để trở thành siêu nhân và cũng không muốn làm siêu nhân.

Bài đầu tiên khi học SAT là "ĐIỂM SAT KHÔNG QUYẾT ĐỊNH BẠN LÀ AI!". Vậy mà sức mạnh của điểm số đáng sợ lắm! Điểm số là câu cửa miệng của người lớn khi qua nhà thăm hỏi, là mối quan tâm của bạn bè, là cái mà tất cả mọi người hướng tới. Vì áp lực đó mà xuất hiện việc phao bài, gian dối khi thi cử, học sinh thuộc làu làu như những con vẹt với cái đầu trống hoác. Tất cả, vì nỗi sợ điểm thấp.

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số! ảnh 4

Chẳng ai nói với chúng ta rằng “Điểm thấp cũng không sao cả, học không giỏi, rớt Đại học cũng chẳng phải là chuyện gì to tát”. Điểm số, thi cử không phải là chuyện quyết định cuộc đời bạn, chúng cũng không phải là cả cuộc đời bạn.

“Nhớ đó, không ai chết cả!” - chị Nguyễn Thiên Ngân viết như thế cho những người trẻ cắm đầu làm việc quên đêm quên ngày, quên cả bản thân mình. Câu nói đó cũng dành cho hội teen đang đua nhau mà học, chạy bán sống bán chết vì những con điểm, vì cánh cổng ĐH, vì kỳ vọng của cha mẹ thầy cô quá lớn. Nếu bạn xếp vở đi ngủ sớm sau mấy ngày liền học bài đến tận khuya thì không ai chết cả. Nếu bạn bị điểm thấp, cũng không ai chết cả. Nếu bạn có lỡ quên làm bài tập, cũng không ai chết cả. Vậy nên cũng đừng tự giết bản thân mình bằng sự dằn vặt, dày vò, bằng ý nghĩ mình phải trở nên lớn lao, phải vĩ đại.

Nhưng nếu như không có ai nói với bạn như trong lá thư của Hiệu trưởng một trường Singapore gửi phụ huynh, rằng bạn có thể là một nghệ sĩ và không cần phải hiểu môn Toán, bạn có thể trở thành một doanh nhân mà không cần phải quan tâm lịch sử hay văn học, hoặc là một nhạc sĩ mà điểm số môn Hóa chẳng thành vấn đề, trở thành một vận động viên mà quan trọng nhất là khả năng thể lực… Thì bạn hãy tự nhắc nhở mình điều đó. Như thủ môn Bùi Tiến Dũng hồi đi học được điểm cao hay thấp môn Toán thì cũng không quan trọng, mọi người ngưỡng mộ anh ấy vì tài bắt bóng “thần sầu” cơ mà, nhớ không!

Thế hệ Z: Hãy tự cứu mình khỏi căn bệnh áp lực điểm số! ảnh 5

Nếu như bạn có đủ dũng khí để đối đầu, để chấp nhận điểm thấp, để ngừng phao bài, để cố hết mình cho những đam mê, bạn sẽ nhận ra những cuộc tranh cãi căng thẳng với phụ huynh không đáng sợ đến thế, vì chẳng ai bị đuổi ra khỏi nhà cả, chẳng ai bị thương cả. Nhưng bạn sẽ bị tổn thương khi IM LẶNG!

Chị Thu Hà - tác giả cuốn sách Ai cũng xứng đáng được hạnh phúc đã nhắn nhủ rằng: “Nếu bạn không học giỏi, không có bằng tốt nghiệp trường top, bạn có thể thiệt vài triệu tiền lương những tháng thử việc đầu tiên. Nhưng nếu bạn đánh mất niềm vui sống thì là mất mát rất rất lớn. Và tất cả các môn học khác trong trường cũng thế, bạn học để bạn biết được cách vui sống khỏe mạnh, chứ không phải học để mà tuyệt vọng. Học để sống, nhớ nha bạn!”.

MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm