'The Whale' - khi niềm tin tan vỡ

TPO - "The Whale" (Cá voi) thu hút người xem trước hết ở số phận kỳ lạ của một nhân vật thuộc dạng “thiểu số”. Charlie là vai diễn vừa đem lại giải Oscar Nam chính xuất sắc cho Brendan Fraser - vừa béo phì, vừa lưỡng tính xem ra đã đầu hàng số phận và cân nặng của chính mình.

Với trọng lượng 280 kg, Charlie chỉ có thể di chuyển bằng bánh xe quanh phòng. Thức ăn nhanh và dịch vụ giao hàng tận nhà nuôi sống anh. Anh không phải dạng cùng đinh, vẫn dạy sinh viên viết luận qua lớp học trực tuyến. Tất nhiên anh không bao giờ bật camera, cũng không đời nào thò mặt ra cho người giao đồ ăn chiêm ngưỡng. Anh tự kết án tù mình.

Anh chi tiêu mọi thứ ở mức tối thiểu để dành dụm cho con gái 17 tuổi mà 9 năm nay anh không gặp, kể từ khi anh bỏ vợ con đi theo tiếng gọi tình yêu với Alan - vốn là sinh viên của anh. Bi thảm hơn, Alan đã tự sát, có vẻ là kết quả của một cuộc vật lộn giữa tôn giáo và tình yêu đồng giới.

'The Whale' - khi niềm tin tan vỡ ảnh 1

Brendan Fraser thường phải mất 6 tiếng hóa trang cho vai diễn Charlie. Ảnh: CMH.

Phim bắt đầu khi Charlie đang xem phim khiêu dâm rồi lên cơn khó thở. Đúng lúc đó Thomas - một thanh niên truyền giáo (công việc trước đây Alan từng làm) bước vào. Cậu ta đã cứu mạng Charlie chỉ bằng việc đọc một bài luận về Mobi Dick - tiểu thuyết kinh điển của Mỹ viết về một con cá voi khổng lồ bị săn đuổi. Thực ra Charlie cũng có thể tự đọc nó, vì anh đã thuộc lòng. Charlie không tin vào tôn giáo nhưng đối với anh, văn bản đó có khi còn hiệu nghiệm hơn một bài kinh.

Phim của đạo diễn Darren Aronofsky dựa theo vở kịch cùng tên của Samuel D. Hunter công diễn năm 2014. Tuyệt đại đa phần cảnh phim đều diễn ra trong căn hộ lúc nào cũng thiếu sáng của Charlie. Cửa căn hộ cũng chính là lối duy nhất mỗi khi các nhân vật muốn bước vào “sân khấu đời” của Charlie. Cánh cửa hứa hẹn một nguồn sáng tự nhiên duy nhất đủ mạnh xóa tan những tăm tối trong tâm trí Charlie. Nhưng anh không đủ dũng khí để bước qua nó…

Phim loanh quanh vài nhân vật, thoại nhiều hơn hành động. Có hai phụ nữ trong phim từng đến ngồi cạnh, ôm Charlie là vợ cũ và Liz (Hồng Châu) y tá và cũng là chị của Alan. Phim mô tả lại một tuần quan trọng trong cuộc đời của Charlie, anh biết mình không được khỏe nên đã gọi con gái Ellie đến. Cô bé tỏ ra căm ghét bố nên Charlie nói luôn về số tiền sẽ được nhận, còn hứa viết luận để Ellie nộp cho trường.

Tất nhiên đây là việc tối kỵ đối với một giáo viên nhưng Ellie cho rằng bố đương nhiên sẽ “phá luật” vì con. Cô biết mình có quyền lực tối thượng đối với Charlie, trong khi Liz là người quan tâm săn sóc Charlie vô điều kiện.

Vốn là kịch nên tình huống các nhân vật bị đặt vào luôn căng thẳng. Charlie bất lực nhất nên phải chịu tất cả luồng xung kích. Anh giống con cá voi cố tình mắc cạn hay nói cách khác lựa chọn cách tự sát từ từ.

Việc các nhân vật tôn trọng mong muốn không đi viện của Charlie điển hình cho lối sống “thân ai nấy quản” của phương Tây. Nhưng ngoài ra có vẻ như họ phần nào cho rằng anh không đáng để sống? Ngay cả con gái anh dường như cũng chỉ mong sớm nhận được tiền thừa kế mà không phải chi vào việc chữa bệnh cho bố... Thế nhưng Charlie vẫn kỳ vọng Ellie trở thành người tốt, biết quan tâm người khác…

'The Whale' - khi niềm tin tan vỡ ảnh 2

The Whale vẫn toát lên bài học kinh điển: Nhìn vậy mà không phải vậy. Người xấu đôi khi cũng vẫn làm việc tốt - điều mà người tốt vốn bất lực.

Diễn viên gốc Việt Hồng Châu đã được đề cử Oscar một cách xứng đáng với vai Liz. Đây cũng chính là nhân vật vững chãi nhất về tính cách trong phim, trong khi các nhân vật khác luôn bị cảm xúc chi phối và trở mặt liên tục. Dù được chiếu trên màn ảnh, The Whale vẫn nặng tính sân khấu.

Câu chuyện thể hiện sự mong manh của các giá trị gia đình trong một thời đại mà tự do cá nhân ngày càng trở nên mâu thuẫn với các giá trị truyền thống, bao gồm niềm tin tôn giáo. Thế hệ của Charlie bó tay trước những thách thức này, chỉ biết trông cậy một cách tuyệt vọng vào thế hệ kế tiếp. Charlie chỉ có thể để lại cho con bài học bằng chính cuộc đời của mình và lời khuyên: Hãy sống thành thật với bản thân.

Charlie tự tuyên bố về tình trạng “kinh tởm” của bản thân, chưa đợi ai phải miệt thị ngoại hình. Vì dù người ngoài miệt thị ra mặt hay để trong lòng hay đơn giản không quan tâm, rút cuộc chính mình mới là người phải gánh chịu trọng lượng cơ thể. The Whale chắc cũng có tác dụng phụ khiến những người quá cân có động cơ tập luyện.

Thế hệ của Charlie bảo nhau: Không ai cứu được ai cả. Nhưng cái kết khẳng định sự thật sẽ cứu vãn được tình thế. Người ta lâm vào bi kịch cũng chỉ vì không dám đối diện hoặc không tôn trọng sự thật. Phim có cách phát biểu về tôn giáo thú vị qua lời kể của Charlie về Alan, trong những lời Ellie “truyền giáo” ngược lại cho Thomas. Người hăng say truyền giáo hóa ra cũng chẳng thực tâm tin vào cái mình đang rao giảng. Giá trị của con người rõ ràng không được đo bằng niềm tin tôn giáo. Tốt nhất là anh ta nên xác tín chính bản thân mình trước đã.

Tin liên quan