Bộ GD&ĐT vừa công bố rằng sẽ duy trì thi THPT quốc gia nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà chỉ phục vụ tốt nghiệp THPT.
Đề thi sẽ dễ hơn?
Từ năm 2015 đến nay, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức “2 trong 1” với mục tiêu lấy kết quả xét tốt nghiệp đồng thời xét tuyển Đại học. Thay vì tuyển sinh Đại học “3 chung” (chung đợt - chung đề - chung kết quả) như trước, hình thức thi này nhằm giảm áp lực thi cử cho teen, tiết kiệm chi phí xã hội đồng thời tăng cường sự phối hợp giữa các địa phương và trường học trên địa bàn.
Qua 3 năm áp dụng, hình thức thi “2 trong 1” đã thể hiện nhiều ưu điểm. Nhưng sau những sai phạm nghiêm trọng được phát hiện tại Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình,… trong kỳ thi THPT Quốc gia 2018, đã có rất nhiều ý kiến phản đối hình thức thi “rút gọn” này.
Teen 2K1 càng thêm phần bối rối khi thông tin mới nhất từ Bộ GD&ĐT cho biết vẫn tổ chức thi THPT Quốc gia 2019 nhưng không phục vụ mục đích “2 trong 1” mà để xét tốt nghiệp THPT. Các trường Đại học, Cao đẳng có thể dùng nhiều phương thức khác để tuyển sinh, hoặc vẫn có thể dùng kết quả này làm căn cứ nếu muốn.
Nếu trước đây cấu trúc đề thi được thiết kế với 60% kiến thức cơ bản và 40% kiến thức nâng cao thì theo định hướng mới, đề thi sẽ tăng cường số lượng câu hỏi chuẩn hóa, mức độ đề thi phải sát chuẩn kiến thức kỹ năng của THPT.
“Với sự thay đổi này thì những bạn chỉ thi tốt nghiệp THPT rồi đi du học như mình sẽ đỡ áp lực và căng thẳng hơn rất nhiều. Vì với cách làm “2 trong 1” như trước thì dù không dự thi Đại học trong nước nhưng chúng mình vẫn phải làm bài thi có mức độ phân hóa cao. Để tốt nghiệp với một mức điểm cao là không hề đơn giản” - Phương Nguyên (THPT chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội) chia sẻ.
“Loạn” giữa “rừng” ý tưởng cải cách kỳ thi
Khi kỳ thi THPT Quốc Gia 2018 bộc lộ nhiều bất cập, nhiều phương án thay đổi kỳ thi THPT Quốc gia đã được đề xuất. Teen lo lắng nay các trường ĐH được tự quyết định cách tuyển sinh sẽ khiến teen không biết phải chuẩn bị thế nào.
Đại diện trường ĐH Fulbright Việt Nam tiết lộ tiêu chí tuyển sinh là ứng viên toàn diện, có khả năng sáng tạo, làm việc nhóm, kết nối, tư duy, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp... Theo đó, sinh viên được tuyển chọn thông qua bài luận, phỏng vấn, chứ không phải thi cử.
Còn trường Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM từ năm 2018 cũng đã tuyển sinh bằng hai phương thức: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi THPT Quốc gia và xét tuyển theo kết quả học tập THPT năm lớp 12 đối với tất cả các ngành đào tạo trình độ đại học chính quy. Trong đó dành 30% chỉ tiêu để xét tuyển theo kết quả học bạ THPT lớp 12.
GS-TSKH Đặng Hùng Thắng (ĐH Khoa học tự nhiên, ĐH Quốc gia Hà Nội) lại nêu ý tưởng nên thay đổi công thức “2 kỳ thi trong 1” thành “2 bài thi trong 1”. Cụ thể, ở mỗi môn thi sẽ có hai bài thi riêng rẽ. Đầu tiên, tất cả thí sinh sẽ làm bài thi THPT gồm những câu hỏi ở mức cơ bản. Sau đó, teen có nguyện vọng thi Đại học sẽ ở lại để thi tiếp bài thi tuyển sinh, gồm những câu hỏi với mức độ nâng cao hơn.
“Nếu thi THPT Quốc gia không còn phục vụ mục đích 2 trong 1 thì những thay đổi từ 2015 tới giờ lại quay về vòng luẩn quẩn. Cá nhân mình thấy cách thi này có khá nhiều ưu điểm, chủ yếu là khâu tổ chức để xảy ra sai phạm thôi. Chứ thi tốt nghiệp kiêm thi Đại học sẽ giảm bớt được rất nhiều chi phí, thí sinh được đăng ký không hạn chế số nguyện vọng xét tuyển nên khả năng đỗ Đại học khá cao” - cô Đỗ Loan, một phụ huynh chia sẻ.
Bạn Thu Giang (Thái Bình) ủng hộ việc không sử dụng kết quả thi THPT để xét tuyển ĐH: “Ưu điểm thế nào đi nữa thì việc thi tuyển 2 trong 1 cũng tước đi cơ hội của các trường Đại học trong việc tuyển dụng đúng những bạn thực sự có mong muốn vào trường. Chúng ta đang rất cần những người lao động có chuyên môn sâu, và rõ ràng, có một số ngành nghề rất cần năng khiếu. Thế nên việc tuyển chọn cũng cần có sự khác biệt, không thể gộp chung 2 kỳ thi với 2 mục đích khác nhau như thế!”
Sẵn sàng chiến đấu trên mọi “địa hình”
Xoay quanh việc cải cách giáo dục và thi cử, mỗi hoàn cảnh, mỗi góc nhìn, mỗi khía cạnh cụ thể lại đưa ra những phương án tương ứng khác nhau. Tuy nhiên không có đề xuất nào là tuyệt đối. “Nhiều bạn cứ nghe hai từ thay đổi là nháo nhào lên trong khi sự thực là nếu thay đổi thì nó sẽ áp dụng với tất cả cả mọi người, không riêng ai cả. Dễ thì dễ chung mà khó thì khó chung, năng lực cao thì trong hoàn cảnh nào cũng chiến thắng thôi mà!” - Bạn Quỳnh Nga (Hà Nội) chia sẻ.
Thế nên, thay vì “hoang mang style” trước những thông tin về hình thức thi cũng như xét tuyển, teen 2K1 cần tập trung ôn bài và trang bị kiến thức thật vững chắc, tìm hiểu kỹ cũng như có định hướng, mục tiêu rõ ràng cho bản thân để sẵn sàng tinh thần “chiến đấu” với mọi loại “gió mùa” bạn nhé!