Thi THPT quốc gia: Vì sao đề thi dễ hơn năm ngoái?

Thi THPT quốc gia: Vì sao đề thi dễ hơn năm ngoái?
HHT - Hôm qua 26/6, kỳ thi THPT quốc gia trải qua 2 ngày thi quan trọng với 6 môn thi. Đến thời điểm này, theo nhận xét của nhiều giáo viên, đề thi năm nay không có tính phân loại cao.
Thi THPT quốc gia: Vì sao đề thi dễ hơn năm ngoái? ảnh 1
Phần lớn các thí sinh đều có tâm lý hết sức thoải mái sau 2 ngày thi THPT quốc gia. Ảnh: Ngọc Dương.

Nguyên nhân của xu hướng này, theo nhiều người, là tác động trong việc thay đổi cách tính điểm xét công nhận tốt nghiệp THPT dựa vào 70% điểm các môn thi (thay vì chỉ 50% như năm ngoái).

Chủ yếu chỉ phục vụ xét tốt nghiệp

Theo ông Võ Lý Đăng Long, giáo viên môn vật lý Trung tâm bồi dưỡng văn hóa Academy (TP.HCM), đề thi lý năm nay dễ hơn hẳn so với năm trước. Ở những câu hỏi dễ, học sinh (HS) chỉ cần học đều trên nền tảng kiến thức cơ bản là có thể làm được. “Rõ ràng nhìn chung bình diện đề tất cả các môn, đều thấy có xu hướng nhẹ nhàng hơn. Có thể thấy, đề thi chủ yếu phục vụ việc xét tốt nghiệp, không phù hợp cho xét tuyển ĐH”, ông Long nhìn nhận.

Không chỉ dễ, theo ông Long, đề thi còn không có tính phân loại cao. Ông Long giải thích: “Bên cạnh phần câu hỏi dễ vẫn có những câu hỏi khó, nhưng các câu hỏi khó ở môn vật lý lại khó hơn các câu khó của đề thi năm ngoái. Điều này có nghĩa, chỉ HS rất xuất sắc mới làm được khoảng 4 - 6 câu khó này. Còn lại, HS dù ở mức trung bình, khá hay giỏi cũng đều có thể đạt điểm 7 - 8 vì câu dễ thì HS trung bình cũng làm được, còn câu khó thì HS khá giỏi cũng chưa chắc “đối diện” được”.

Một giáo viên môn ngữ văn tại Trường THPT Nguyễn Hiền (TP.HCM) cũng đồng tình với quan điểm này khi phân tích: “Dù đề minh họa đã được Bộ GD-ĐT công bố để HS ôn tập nhưng đề thi chính thức lại có phần dễ hơn cả đề minh họa”.

Với 3 môn thi hôm qua, các giáo viên cũng có nhận xét tương tự. Cô Trương Thị Hữu Nhơn, giáo viên môn sinh Trường THPT Nguyễn Khuyến, TP.HCM, nhận định mức độ đề khó không bằng năm trước, vừa sức HS. “Các câu ở mức độ cơ bản quen thuộc, hầu hết HS đều đã làm qua khi ôn tập. Tuy nhiên, vẫn có những câu để phân hóa trình độ. Các em học lực trung bình có thể lấy được điểm 5”, cô Hữu Nhơn nói.

Với đề thi môn hóa học, thạc sĩ Võ Duy Thái, giáo viên Trường THPT Bùi Thị Xuân (TP.HCM), nhận xét phần vận dụng thực tế ít xuất hiện. Với đề thi này, phổ điểm có thể chủ yếu tập trung khoảng 7 - 8.

Học sinh trung bình đều dễ dàng trên điểm trung bình

Không chỉ giáo viên, chính HS cũng có cái nhìn tương tự. Trọng Nghĩa (HS Trường THPT Trưng Vương, TP.HCM) khái quát: “Không chỉ bài thi tổ hợp, ngay cả môn toán và văn năm nay đều không có sự đặc biệt. Thậm chí có thể nói, đề thi năm nay dễ và đồng nghĩa với dở hơn năm trước vì quá đơn giản. HS chỉ cần ở mức trung bình đều dễ dàng trên điểm trung bình, thậm chí có thể lấy điểm 7 - 8”.

Lý giải hiện tượng này, Trọng Nghĩa cho rằng: “Chắc chắn là do thay đổi cách tính điểm tốt nghiệp. Điểm này phụ thuộc vào 70% kết quả thi, nếu đề vẫn khó và điểm vẫn thấp như năm ngoái thì có khả năng tỷ lệ HS rớt tốt nghiệp sẽ tăng”.

Cách “giảm nhẹ” trong đề thi năm nay không quá ngạc nhiên khi trước đó đã có những cảnh báo về tình trạng có thể rớt tốt nghiệp với những HS có điểm thi THPT quốc gia năm nay bằng mức của các HS đỗ tốt nghiệp năm ngoái.

Như đã phân tích, theo cách tính cũ, một HS có điểm trung bình lớp 12 đạt 9,0 thì dù chỉ đạt 1,5 điểm trung bình thi vẫn đỗ trong năm 2018 (với điểm xét tốt nghiệp là 5,25). Nhưng theo cách tính mới năm nay, thí sinh này sẽ rớt vì chỉ đạt 3,75 điểm xét tốt nghiệp do thay đổi cách tính điểm.

Phổ điểm môn tiếng Anh sẽ đỡ “xấu”

Phổ điểm môn tiếng Anh trong kỳ thi THPT quốc gia các năm gần đây đều được đánh giá là “xấu” nhất so với các môn. Tuy nhiên, với cách ra đề năm nay, nhiều giáo viên cho rằng điều này sẽ được cải thiện khi đề thi giảm hẳn về độ khó so với đề năm 2018, đặc biệt là ở số câu hỏi mang tính vận dụng cao.

Trong khi đó, dự kiến các môn khoa học tự nhiên sẽ có nhiều điểm khá. Theo thầy Triệu Lê Quang, giáo viên vật lý Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, với đề môn vật lý năm nay, HS học lực trung bình có thể đạt 4 - 5 điểm, học lực khá đạt 7 - 8 điểm, nhưng để đạt 9 - 10 điểm là khó. Với đề thi môn hóa học, cô Trịnh Thị Kim Thu, Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), dự đoán phổ điểm 7 - 8 điểm sẽ khá nhiều với thí sinh chọn môn này để xét tuyển ĐH. Với môn sinh học, theo đánh giá của cô Nguyễn Thị Hạnh, Trường THPT Trần Phú (Hà Nội), HS dễ đạt 5 - 6 điểm.

Phổ điểm môn hóa từ 5,5 - 6 

Đề thi bám sát theo đề tham khảo của Bộ trước đó, có 60% kiến thức cơ bản, tức 24 câu đầu dùng để xét tốt nghiệp mà bất cứ HS trung bình nào cũng đều có thể làm được, từ câu 65 trở đi mức độ phân hóa dần cho đến câu 72 là dùng cho các em có trình độ khá giỏi. Từ câu 73 trở đi độ phân hóa cao thể hiện rõ nét nên chỉ những em có khả năng suy luận và kỹ năng tính toán cao mới có thể giải quyết rốt ráo. So với đề năm trước, đề năm nay có phần dễ hơn chút ít. Dự đoán điểm 10 cũng không nhiều so với năm trước, trong đó phổ điểm tập trung ở mức 5,5 đến 6. Thầy giáo Nguyễn Đình Độ (Hiệu trưởng Trường THPT Thành Nhân, TP.HCM)

Điểm 9, 10 môn lý sẽ không nhiều

Đề thi năm nay gồm 4 câu thuộc kiến thức lớp 11 và 36 câu thuộc kiến thức lớp 12. Trong đó, 22 câu đầu tiên tương đối dễ nên HS trung bình khá chỉ cần nhận biết và thực hiện 1 phép tính thì chọn được đáp án đúng. Từ câu 33 đến 40 tương đối khó trong đó câu 33, 38, 39, 40 là rất khó, chỉ có những HS giỏi thật sự mới có thể làm đúng được. Dự đoán, điểm 5 - 6 sẽ khá nhiều, điểm 9 - 10 sẽ rất ít do vận dụng quá nhiều kiến thức toán và bị hạn chế về thời gian. Giáo viên Nguyễn Thế Phong (Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Môn sinh có nhiều câu hỏi vận dụng

Nhìn chung đề không khó hơn các năm trước, nhưng HS cũng phải học kỹ lý thuyết và rèn luyện kỹ năng tính toán. Năm nay đề ra khá nhiều câu vận dụng có tính toán từ dễ đến khó (khoảng 26 câu). Độ khó đề thi năm nay tương đương đề thi năm trước. Cấu trúc đề có sự phân hóa rõ rệt học sinh trung bình - khá - giỏi - xuất sắc. Các dạng vận dụng thấp và vận dụng cao không mới, nhưng có thay đổi cách đặt ra vấn đề không rập khuôn các đề năm trước nên kích thích được tư duy sáng tạo của HS. Giáo viên Phạm Thu Hằng (Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Đề tiếng Anh mức độ dễ hơn

Đề thi năm nay bám sát đề thi mẫu của Bộ nhưng với mức độ dễ hơn. Cũng như mọi năm, phần đọc hiểu năm nay tương đối khó. Về ngữ pháp và cấu trúc, bên cạnh những điểm cơ bản, cũng có những câu đòi hỏi HS hiểu phần ngữ pháp ở mức nâng cao. Nhìn vào tưởng dễ nhưng có rất nhiều bẫy, các phương án gây nhiễu rất khó. Phần lớn thí sinh sẽ đạt trên 6 điểm. Giáo viên Bùi Trọng Quyền (Trường THPT Vĩnh Viễn, TP.HCM)

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn: Chủ động, bám sát hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn: Chủ động, bám sát hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3
HHT - Anh Bùi Quang Huy - Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn yêu cầu trong tháng 9, các ban, đơn vị của T.Ư Đoàn cần tăng tốc và có phương pháp khoa học để thực hiện các nội dung, hoạt động trong đó có nhiều hoạt động quy mô, quan trọng. Trong đó, các ban đơn vị chủ động, bám sát tình hình để triển khai các hoạt động hỗ trợ khắc phục hậu quả do bão số 3.

Có thể bạn quan tâm

Tâm bão số 3 đã đi qua Hà Nội nhưng không chủ quan vì mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn

Tâm bão số 3 đã đi qua Hà Nội nhưng không chủ quan vì mưa lớn vẫn sẽ tiếp diễn

HHT - Theo PGS.TS Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến hết đêm 7/9, các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội vẫn sẽ chịu tác động của gió mạnh từ cơn bão số 3. Từ sáng 8/9, khi bão di chuyển sâu vào đất liền và đi về hướng Tây, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.