Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội:

Thiếu trường, lớp là nguyên nhân của chạy đua tuyển sinh đầu cấp

0:00 / 0:00
0:00
TP - Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Đinh Công Sỹ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, vấn đề tuyển sinh đầu cấp tại Hà Nội và một số thành phố lớn đang tồn tại nhiều bất cập, trong đó có việc dồn ép trẻ học thêm, luyện thi. Nguyên nhân chính của việc này là do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập.

Vấn đề dừng tuyển sinh lớp 6 trong Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam đang gây tranh cãi. Theo ông, việc tuyển sinh lớp 6 trong trường chuyên, trường chất lượng cao bậc THCS cùng phương thức tuyển sinh gắt gao (xét tuyển hồ sơ, thi 3 môn) khiến học sinh đi luyện thi, học thêm quá nhiều để thi cử, liệu có gây áp lực cho trẻ quá sớm?

Thiếu trường, lớp là nguyên nhân của chạy đua tuyển sinh đầu cấp ảnh 1

Ông Đinh Công Sỹ

Theo quy định Luật Giáo dục 2019, trường chuyên được thành lập ở cấp THPT dành cho học sinh đạt kết quả xuất sắc trong học tập nhằm phát triển năng khiếu về một số môn học trên cơ sở bảo đảm giáo dục phổ thông toàn diện, tạo nguồn đào tạo nhân tài, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước. Quy định này hướng tới giáo dục toàn diện cho học sinh, nhất là học sinh ở cấp học nhỏ tuổi, dưới THPT. Các em được dành thời gian hợp lý để vui chơi, phát triển kỹ năng, thể lực theo lứa tuổi.

Quan điểm này được thể hiện xuyên suốt nội dung, mục tiêu của Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Chương trình đặt ra những nguyên tắc, định hướng chung về phát triển phẩm chất, năng lực cần đạt học sinh cho mỗi bậc học.

Tình trạng căng thẳng, chạy đua vào các lớp đầu cấp diễn ra gay gắt ở Hà Nội trong nhiều năm qua; là thách thức cho chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Nguyên nhân chính của việc này là do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập.

Trên thực tế có một số học sinh tiểu học, THCS có năng khiếu, thiên hướng về một số môn, lĩnh vực và phụ huynh có nhu cầu cho con em mình được học chuyên.

Chúng ta không thể phủ nhận những điểm tích cực trong gần 40 năm vận hành của mô hình giáo dục Trường THPT Chuyên Hà Nội Amsterdam để đáp ứng nhu cầu học tập của đối tượng học sinh này (tuyển sinh lớp 6 đến nay 15 năm).

Tuy nhiên, sự kỳ vọng quá lớn của nhiều phụ huynh mong muốn con em mình vào trường chuyên sẽ là gánh nặng lên con trẻ, ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển tâm lý, thể chất lứa tuổi. Để đáp ứng nhu cầu của học sinh, phát triển toàn diện và bảo đảm sự công bằng trong tiếp cận và thụ hưởng giáo dục, Chương trình GDPT 2018 đã trao quyền chủ động cho các trường, giáo viên trong việc lựa chọn, bổ sung một số nội dung giáo dục và triển khai kế hoạch giáo dục phù hợp với đối tượng học sinh.

Những em có thành tích học tập xuất sắc ở cấp THCS đang theo học ở các trường không chuyên có thể được bổ sung một số nội dung giáo dục để đáp ứng mong muốn được phát triển năng lực về một số lĩnh vực học tập nhất định và nếu các em bộc lộ những năng khiếu về các môn học thì có thể tiếp tục học ở các trường THPT chuyên sau khi hoàn thành chương trình THCS.

Do vậy, vì sự phát triển toàn diện của trẻ em, phụ huynh không nên gây áp lực nhiều lên con em mình khi còn quá sớm bởi những kỳ thi.

Chứng chỉ ngoại ngữ không là “chìa khóa vạn năng”

Vài năm trở lại đây, nhiều người cho con luyện thi chứng chỉ ngoại ngữ từ sớm, các địa phương cũng dùng IELTS để ưu tiên tuyển thẳng lớp 10 THPT… trong khi đơn vị thi chứng chỉ cũng không khuyến khích trẻ dưới 16 tuổi. Một số trường THCS phối hợp trung tâm luyện IETLS ngay trong nhà trường. Để xảy ra tình trạng này thời gian qua, có vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý giáo dục như thế nào?

Thiếu trường, lớp là nguyên nhân của chạy đua tuyển sinh đầu cấp ảnh 2

Phụ huynh chen lấn, xếp hàng mua hồ sơ tuyển sinh lớp 10 cho con tại Hà Nội năm 2023. Ảnh: Trọng Tài

- Các chứng chỉ quốc tế chứng nhận mức độ năng lực sử dụng ngoại ngữ của người học như IELTS, TOEFL, thời gian qua đã được các cơ sở giáo dục coi như một công cụ để xác định mức độ ưu tiên, thậm chí dùng để tuyển thẳng đầu vào THCS, THPT. Điều này dẫn đến nhiều phụ huynh, học sinh ghi danh con em mình vào các “lò luyện” thi chứng chỉ ngoại ngữ.

Để theo học các khóa học này tại các trung tâm rất tốn kém tiền bạc, thời gian và áp lực lớn lên nhiều học sinh ngoài giờ học chính khóa. Việc học và thi đạt năng lực ngoại ngữ theo các chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế là cần thiết để người học theo học chuyên ngữ, học theo chương trình giáo dục quốc tế hoặc phục vụ cho học thuật theo sở trường…

Tuy nhiên, các chứng chỉ ngoại ngữ này không nên coi như “chìa khóa vạn năng”, là công cụ để thay thế, đại diện cho các môn học khác ở bậc học phổ thông.

Nếu dùng chứng chỉ này để thay thế cho việc đánh giá năng lực người học ở các môn học khác vô hình chung sẽ hướng tới việc học học lệch, đi ngược tinh thần chung của Chương trình GDPT 2018 về mục tiêu, đó là giúp học sinh làm chủ kiến thức phổ thông, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kĩ năng đã học vào đời sống, biết xây dựng và phát triển hài hoà các mối quan hệ xã hội, có cá tính, nhân cách và đời sống tâm hồn phong phú…Tôi đồng tình với quyết định của ngành giáo dục thời gian qua bỏ việc công nhận một số chứng chỉ ngoại ngữ để miễn xét tuyển vào THCS, THPT.

Bên cạnh đó, hiện nay có việc nhà trường phối hợp với các cơ sở giáo dục bên ngoài đưa một số nội dung, hoạt động giáo dục vào dạy học như: nghệ thuật, hoạt động trải nghiệm, ngoại ngữ nhằm đáp ứng nhu cầu đặc biệt của một bộ phận học sinh.

Thời gian qua sau khi có ý kiến của dư luận xã hội và Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Bộ GD&ĐT đã có văn bản chỉ đạo các địa phương tăng cường quản lý, tổ chức thực hiện hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa theo nhu cầu của người học tại các cơ sở giáo dục. Trách nhiệm nếu có để xảy ra sai sót cần nói tới người đứng đầu các cơ sở giáo dục và của cơ quan quản lý giáo dục ở địa phương theo phân cấp.

Việc học tập của trẻ hiện nay được cho là rất áp lực, nhất là ở thành phố lớn. Không ít “lò luyện thi”, lớp tiền tiểu học mở ra rầm rộ, phụ huynh bước vào cuộc đua thi vào lớp 1, lớp 6, lớp 10. Hiện tượng này xuất phát từ đâu và giải pháp nào để hạn chế thi cử, giảm áp lực cho học sinh nhỏ tuổi?

- Tình trạng căng thẳng, chạy đua vào các lớp đầu cấp diễn ra gay gắt ở Hà Nội trong nhiều năm qua; là thách thức cho chính quyền và ngành giáo dục địa phương. Nguyên nhân chính của việc này là do thiếu trường, lớp học, nhất là các trường công lập. Các phụ huynh mong muốn con em mình theo học các trường công lập do chất lượng giáo dục của những trường này đã được khẳng định và do chi phí học tập phù hợp với khả năng chi trả của đại bộ phận các gia đình. Ngoài ra, “áp lực” này cũng xảy ra đối với một số trường tư thục, dân lập do chất lượng tốt và chi phí chấp nhận được.

Tôi cho rằng, để hạn chế vấn nạn “đến hẹn lại lên” này của ngành giáo dục các thành phố lớn cần nhiều giải pháp đồng bộ.

Thứ nhất, việc quy hoạch, xây dựng trường, lớp học phải được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm thực sự, trong đó ưu tiên bố trí quỹ đất cho phát triển, mở rộng các cơ sở giáo dục phù hợp với quy mô dân số. Thực hiện nghiêm túc quy hoạch đã được thông qua. Kiên quyết thu hồi những dự án “treo” dành quỹ đất cho xây dựng trường học;

Thứ hai, chính quyền các địa phương cần bảo đảm ngân sách đầu tư cho giáo dục, đào tạo; bảo đảm đủ về số lượng giáo viên vì thực tế hiện nay việc tuyển dụng giáo viên gặp nhiều khó khăn, nhất là các môn học mới.

Thứ ba, thực hiện tốt chính sách xã hội hóa, thu hút được các nhà đầu tư, phát triển các trường ngoài công lập, có chi phí học tập đáp ứng đa dạng khả năng tài chính, trong đó ưu tiên phát triển “phân khúc” đáp ứng khả năng chi trả của số đông người dân; dành sự đầu tư thỏa đáng đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - trung tâm giáo dục thường xuyên để nâng cao chất lượng dạy và học, tạo sự yên tâm hơn cho phụ huynh và người học khi lựa chọn.

Thứ tư, các trường học, trong đó có trường ngoài công lập, cần khẳng định chất lượng giáo dục để tạo được sự tin tưởng để phụ huynh cho con em theo học. Điều này cũng sẽ làm giảm gánh nặng cho các trường có đông học sinh mong muốn theo học.

Và cuối cùng là tăng cường công tác giáo dục hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh THCS một cách thực chất để các em quyết định con đường học tập đúng hướng, phù hợp với khả năng của mình.

Xin cảm ơn ông!

MỚI - NÓNG
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
Nạn nhân của chiêu trò lừa đảo cài dịch vụ công giả mạo kể lại việc bị chiếm quyền điều khiển điện thoại
TPO - Sau khi 3 đối tượng mạo danh công an liên hệ yêu cầu cập nhật thông tin cá nhân trên ứng dụng dịch vụ công, chị H. (trú tại Hà Nội) cài đặt ứng dụng giả mạo theo đường link các đối tượng gửi và bị chiếm hoàn toàn quyền điều khiển điện thoại, "hack" tài khoản Facebook, Zalo...