Thoa chút son khi đến trường, tại sao không?

Thoa chút son khi đến trường, tại sao không?
HHT - Nhiều trường có nội quy cấm học sinh trang điểm (thoa son, đánh phấn) khi đến trường.
Thoa chút son khi đến trường, tại sao không? ảnh 1
Học sinh trang điểm trong lễ khai giảng tại Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong. ẢNH: NGỌC DƯƠNG.

Tuy nhiên, đi cùng xu thế chung của xã hội, thế hệ học trò ngày nay đã hiện đại hơn trước rất nhiều, có thể nhìn nhận việc làm đẹp cho các em cởi mở hơn một chút được không?

Hoàng Mỹ Anh (43 tuổi), trú đường Huỳnh Mẫn Đạt, Q.5, có con học lớp 12 Trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, TP.HCM, nói: “Sinh nhật tuổi 17 của con, tôi tặng con một thỏi son màu hồng nhạt, loại tốt. Thay vì cấm cản icon dùng mỹ phẩm, tôi sẽ dạy cách tô son sao cho đẹp, nhẹ nhàng, dùng son sao cho an toàn với sức khỏe. Con rất ngoan, học tốt, hòa nhã với các bạn, đó là điều tôi luôn tự hào”.

Trân trọng vẻ đẹp bản thân

Ông Dương Vũ Lâm (46 tuổi), trú Q.Thủ Đức, TP.HCM, có con gái đang học lớp 10 tại Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Q.3, cho hay từ ngày con vào THPT, thi thoảng ông thấy con có dùng son: “Tôi nghĩ phái nữ nên biết làm đẹp. Nếu con học THCS, tôi sẽ ngăn cản nhưng giờ con đã lớn hơn, có ý thức nhiều hơn về vẻ ngoài của mình, tôi tôn trọng lựa chọn con. Tôi và vợ vẫn quan tâm sát sao con và thấy việc học tập, ý thức của cháu rất tốt, không có gì đáng phàn nàn”.

Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng Trường THPT Việt Đức, Hà Nội, cho biết quan điểm của riêng ông là không quá khắt khe với việc học sinh trang điểm khi đến trường, tuy nhiên chỉ nên dừng ở mức độ nhẹ nhàng như thoa một chút son, để mái tóc đẹp, thời trang một chút.

Ông Bình nói: “Để các học trò nữ có thể làm đẹp cho bản thân mình cũng là một cách để dạy cho các em biết yêu thương bản thân, trân trọng và nâng cao giá trị của mình. Giá trị của mỗi con người không chỉ nằm trong trí tuệ, nhân cách, mà còn ở hình thức bề ngoài… Tuy nhiên, theo tôi ở tuổi học trò, các em có thể làm đẹp nhẹ nhàng như thoa một chút son. Làm đẹp cũng phù hợp với kinh tế gia đình mình, không quá lòe loẹt, tô vẽ màu mắt, lông mày quá đậm như các diễn viên chuyên nghiệp”.

Ông Bình cũng cho rằng quy tắc trong nhiều trường học về việc cấm học sinh trang điểm không nên áp dụng quá máy móc: “Tôi thấy ở nhiều trường, nữ hiệu trưởng trang điểm quá cầu kỳ và sặc sỡ nhưng lại nghiêm khắc xử phạt trò nữ khi bạn này tô chút son, như thế là các cô quá cứng nhắc. Các cô không đặt vị trí mình vào các em. Các cô muốn mình đẹp, tại sao không cho các em quyền đó? Tôi cũng nghĩ nên có góc nhìn cởi mở hơn, linh hoạt, không quá rập khuôn theo những quy tắc ra đời từ trước đó mấy chục năm”.

Để cái đẹp được chấp nhận

H.N, giáo viên Trường THPT Chuyên Hạ Long (Quảng Ninh), thừa nhận không thể kiểm soát hết việc học sinh trang điểm khi đến trường. “Chục năm trước có thể thấy lác đác học sinh thoa son, còn bây giờ hầu như tuổi 17, 18, em nào cũng đã biết làm đẹp. Nhiều khi với cô giáo này khó tính, học sinh có thể xóa son, vào tiết khác các em lại lấy son ra thoa. Có em còn kẻ chân mày, dùng má hồng”. Theo bà H.N, trò nữ có thể thoa son nhẹ và không nên trang điểm quá đậm, không phù hợp môi trường học đường.

Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Bình Hưng Hòa (TP.HCM), cho hay nội quy của Trường THPT Bình Hưng Hòa không cho phép học sinh trang điểm khi đến trường. Tuy nhiên, nhà trường sẽ nhắc nhở, khiển trách những học sinh trang điểm quá đậm. Còn nếu gặp học sinh chỉ tô son nhẹ, các giáo viên có thể bỏ qua. “Nếu “thả nổi” cho học sinh mặc sức trang điểm, không ghi trong nội quy thì rất đông học sinh trang điểm quá mức, rất khó quản lý”, bà Hương nhấn mạnh.

Theo thanhnien.vn
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm