(Lưu ý: Bài viết có thể tiết lộ nội dung phim, hãy cân nhắc trước khi đọc)
Toy Story là một thương hiệu hoạt hình thành công của Pixar với ba phần phim liên kết với nhau, và phần 3 là một cái kết tuyệt vời. Chính vì thế, Toy Story 4 có rất nhiều áp lực khi nó là phần tiếp theo của một “cái kết hoàn hảo”. Liệu phần 4 sẽ tiếp tục nối dài thành công của thương hiệu Toy Story, hay là một phần nối dài người ta chỉ muốn quên đi? Đó là câu hỏi mà bất cứ ai yêu mến Toy Story cũng tự thấy tò mò. Và với 98% độ-tươi-ngon trên trang Rotten Tomatoes, điểm IMDb dao động ở khoảng 9 điểm, Toy Story 4 đã cho thấy sau “cái kết hoàn hảo”, một câu chuyện vẫn có thể được tiếp tục với một thông điệp đẹp.
Câu chuyện của Toy Story 4 tiếp nối sau những gì đã diễn ra ở phần 3. Trước đó, chàng cảnh sát trưởng cao bồi Woody đã tạm biệt cậu chủ Andy - người Woody đã gắn bó từ khi cậu ấy còn nhỏ cho đến khi cậu ấy trưởng thành và vào đại học. Woody đã được trao lại cho một đứa trẻ mới - cô bé Bonnie, nhưng giờ đây Woody đã không còn là món đồ chơi được yêu thích nữa. Chàng cảnh sát trưởng thường xuyên bị bỏ lại, bị bụi bám, bị khuất sau góc tủ hay chân giường. Dù vậy Woody vẫn luôn nỗ lực hoàn thành sứ mệnh của những món đồ chơi là chăm sóc những đứa trẻ, ở đây là Bonnie.
Khi Bonnie lo lắng trong ngày đi học đầu tiên ở trường mẫu giáo, Woody đã lén theo cô bé đến trường và giúp đỡ cô bé hòa nhập. Ở trường, Bonnie đã “tái chế” một chiếc nĩa tạo thành một món đồ chơi mới, đặt tên cậu là Forky và vô cùng yêu quý cậu. Nhưng thay vì cảm thấy hãnh diện là một món đồ chơi được yêu thích, Forky chỉ có khát khao được chui vào… thùng rác. Trong một kì nghỉ cùng gia đình, Forky đã tẩu thoát và Woody đã phải lên đường để mang “chiếc nĩa tái chế” này trở về với cô chủ nhỏ. Trên chuyến hành trình xa nhà tiếp theo đó, Woody đã gặp lại người quen đồ chơi cũ và gặp thêm những món đồ chơi mới, đồng thời học thêm một bài học mới.
Những nhân vật mới của Toy Story 4 đầy thú vị và hài hước. Cặp đôi gấu bông Ducky và Bunny với trí tưởng tượng vươn xa tận ngân hà, ma mãnh một cách ngây thơ. Tay đua Duke Caboom - được lồng tiếng bởi Keanu Reeves - ngoại hình thì hầm hố, trái tim lại quá sức mỏng manh. Đây là những nhân vật mang đến nhiều tiếng cười cho khán giả bởi những tình huống mà họ gây ra hoặc gặp phải. Sự xuất hiện của nhân vật “phản diện” Gabby Gabby cũng khiến mạch phim trở nên gay cấn hơn, đồng thời cũng khiến bộ phim lắng đọng hơn.
Toy Story 4 cho khán giả gặp lại những người bạn cũ, đặc biệt nhất chính là cô nàng đồ chơi xinh đẹp Bo Peep. “Người yêu” của Woody đã không xuất hiện trong phần 3, và đây là lúc khán giả được biết chuyện gì đã xảy ra với cô. Câu chuyện của Bo Peep rất truyền cảm hứng khi đây là một nhân vật đầy can đảm, không ngại thay đổi, luôn biết cách nắm bắt các cơ hội. Bo Peep như một chiếc gương soi vào Woody, để cho anh chàng cao bồi nhìn thấy hình ảnh trái ngược của chính mình. Woody nhận ra dù không cố tình, nhưng anh chàng đã quá bám víu vào quá khứ và e ngại những thay đổi.
Không bồi hồi và xúc động bằng Toy Story 3, nhưng Toy Story 4 vẫn đẹp và đáng nhớ theo cách riêng. Có thể nói, đây là phần phim chàng cảnh sát trưởng Woody mất mát nhiều nhất, buồn bã và hoang mang nhất, để rồi khi đã vượt qua tất cả khán giả đã được nhìn thấy một Woody trưởng thành và tự do nhất. Cuối cùng, Woody đã trở thành điều mà trước đây chính bản thân mình sợ hãi nhất - trở thành một món đồ chơi “đi lạc”. Nhưng là một sự “đi lạc” hoàn toàn chủ động, chàng cảnh sát trưởng có thể khám phá thế giới rộng lớn, tìm thấy những phiên bản tốt hơn ở chính mình. Và thay vì bị phủi bụi trong một hốc tủ nào đó, Woody vẫn thấy mình hữu ích khi có thể giúp đỡ những món đồ chơi khác trên con đường phiêu lưu của mình.
Toy Story 3 đã mang đến câu chuyện và bài học về lời tạm biệt, như Andy phải tạm biệt Woody - cũng chính là tạm biệt tuổi thơ tươi đẹp của mình - để trưởng thành. Và Toy Story 4 là câu chuyện mang đến bài học về lòng can đảm bắt đầu những hành trình mới. Rằng mỗi người đều phải học cách xếp lại những ngày quá khứ để bắt đầu những con đường mới.
Trưởng thành chính là như thế. Chúng ta luôn phải tạm biệt một điều gì đấy, dù chúng vô cùng tốt đẹp. Và rồi phải vô cùng can đảm, để bắt đầu một điều mới khác. Thế giới cũ khuyết đi một chút rồi sẽ phình ra nhiều chút. Hãy luôn sẵn sàng để từ bỏ một đoạn đời và hãy luôn sẵn sàng để bắt đầu một đoạn đời khác. Ở những khúc quanh tạm biệt, hãy cứ cho mình được khóc, rồi sau đó hết tốc lực chạy mải miết về phía trước, để “Tới vô cực và xa hơn nữa!”