Ở THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), bạn sẽ luôn tìm thấy “bộ lạc” của mình với danh sách CLB trải dài từ các lĩnh vực học thuật cho đến văn hoá, xã hội.
Hội mê thể thao có nhà là các CLB bóng đá, bóng chuyền cho đến… bắn súng. Bạn học của bạn là cô nàng nhớ 100 dấu vân tay trong Siêu trí tuệ Việt Nam kiêm kiện tướng bơi lội, Taekwondo thành phố. Tại trường Lê Hồng Phong, bạn có thể trở thành bất cứ ai miễn bạn thấy hạnh phúc.
Kate Nguyễn (cựu học sinh) chia sẻ: “Khi mới vào trường chị thấy mọi người ai cũng học giỏi hết trơn. Chị nghĩ trong đầu chắc là ai cũng chăm chỉ học từ mờ sáng đến tối mịt mà không được chơi bời gì đâu. Nhưng sau một năm chị nhận ra: Không phải học giỏi là không biết chơi, mà ngược lại, mọi người rất năng động và hoạt bát. Ở trường Lê Hồng Phong có rất nhiều hoạt động, phong trào được tổ chức mà các LHP-ers lúc nào cũng nhiệt tình tham gia. Chị nghĩ đây cũng là một điều rất đặc trưng ở trường Lê Hồng Phong: Học hết sức, chơi cũng hết mình luôn”.
Tương truyền rằng cứ 10 tấm hình bạn chụp ở trường Lê Hồng Phong thì hết 9 tấm trông như được chỉnh “filter” màu-nắng-ấm. Đó là bởi vì vàng chính là tông màu chủ đạo của trường Lê Hồng Phong. Mỗi ngày nhìn ra cửa sổ là thấy một màu vàng rực của nắng, vàng nhạt của sơn tường, thấy những cánh hoa điệp vàng nhẹ nhàng rơi xuống trong cơn gió.
Ở trường Lê Hồng Phong 3 năm, mỗi ngày nhìn ra cửa sổ chỉ muốn khoảnh khắc đó ngưng lại mãi, và mình mãi mãi là học sinh trường Lê Hồng Phong, đặc biệt là những ngày cuối của hội 12.
Để đánh dấu mình (từng) là học sinh trường Lê Hồng Phong, các LHP-ers đã rủ nhau sưu tầm cho bằng hết những đồ dùng “cộp mác” trường Lê Hồng Phong. Vật đầu tiên mà thần dân của trường nhất định phải có chính là cặp đỏ - phần thưởng dành cho danh hiệu học sinh giỏi. Nếu siêu hơn, bạn có thể rinh về chiếc cặp cam bằng bảng thành tích nhất lớp/ học sinh giỏi Quốc gia/ Huy chương Olympic và khiến lũ bạn ghen tị. Chưa kể mỗi lần ra đường đeo ba-lô này đi học rất hay được mọi người ngưỡng mộ: “Chội bạn đó giỏi chưa, học trường chuyên đó nha”, hay cô bán xôi thương cũng cho nhiều lạp xưởng với trứng cút hơn hẳn.
Bộ sưu tập trường Lê Hồng Phong còn trải dài từ vòng tay, túi tote sang hộp bút, sổ tay, ốp điện thoại hình đồng phục... Các thành viên trong trường sáng tạo đủ mọi món dễ thương gắn logo LHP. để Đây cũng là cách các LHP-ers nhận ra nhau khi không còn khoác trên mình bộ đồng phục đó!
Có rất nhiều cách để thoát cô đơn ở trường Lê Hồng Phong:
Bạn có thể đứng trước tượng cụ Lê và xin cụ tác hợp cho mình và crush.
Bạn có thể mời người ta làm fesmate đi Festival Lê Hồng Phong.
Bạn có thể mời người ta làm bạn nhảy đôi, cùng nhau ký tên vào tờ giấy đăng ký ở trường và nhận quà đôi nếu may mắn là 100 cặp đầu tiên.
Hoặc bạn có thể rủ crush cùng đi Hạ Về.
Nếu các anh chị trường Lê Hồng Phong “đời trước” chỉ mới biết đến sân đá banh Lam Sơn thì giờ đây các đàn em đã có hẳn một nhà thi đấu đa năng. Chỉ mới đưa vào hoạt động từ năm 2019, nhà thi đấu và sân thể thao đa năng là nơi diễn ra các hoạt động thể thao - quốc phòng, nơi tập flashmob, nghỉ trưa, và là địa điểm hẹn hò của các cặp gà bông. Ngoài ra, chiếc hầm gửi xe ngay nhà thi đấu cũng đã trở thành một “huyền thoại” trường Lê Hồng Phong vào những ngày trời đổ mưa.
Đặc biệt, năm học 2020 - 2021 sắp tới sẽ đánh dấu sự xuất hiện của khu D, một khu nhà được trang bị hiện đại. Với 5 tầng lầu, khu D chính thức soán ngôi tháp đồng hồ, trở thành “nóc nhà” của trường Lê Hồng Phong.
Đã học ở trường Lê Hồng Phong thì bạn chắc chắn sẽ nghe đến những cái tên như Lê Diệp Kiều Trang (thủ khoa đầu vào và đầu ra, cựu Tổng giám đốc Facebook tại Việt Nam), ca sĩ Tóc Tiên, Orange, Hà Anh Tuấn, Đức Tuấn… xuất hiện xen kẽ trong các bài giảng của thầy cô. Ngoài ra còn có Tùng Leo (MC, host talkshow nổi tiếng), Hoàng Lê Giang (người Việt Nam đầu tiên đặt chân lên Bắc Cực)...
Bên cạnh đó, danh sách những giáo viên ai-cũng-biết-là-ai cũng được truyền tai nhau qua bao thế hệ. Đó là thầy Dương Quốc Tuấn - giáo viên Toán, gương mặt vàng trong làng ra đề khó, từng khiến bao thế hệ học sinh “lao đao” vì câu nói: “Hết năm nay tôi sẽ đi Úc” (hiện thầy đã về hưu và đang sống ở Úc). Đó là thầy Đỗ Hữu Nhân - giáo viên Toán, gương mặt vàng trong làng ôn thi Đại học. Đó là cô Trần Thị Ngọc Phượng - giáo viên Văn, gương mặt vàng trong làng ôn thi tuyển sinh lớp 10. Và vô số thầy cô nghe tên thôi đã mường tượng được một phong cách rất đáng yêu.
Trải qua 92 năm từ thời còn mang tên Petrus Ký, trường THPT chuyên Lê Hồng Phong tự hào là một trong những ngôi trường lớn tuổi nhất thành phố với những truyền thống lâu đời. Tuy nhiên, trường Lê Hồng Phong cũng nổi tiếng là ngôi trường “thức thời” khi tiên phong trong việc giảng dạy môn Trí tuệ nhân tạo hay đi đầu trong việc đào tạo học sinh tham gia các cuộc thi Khoa học.
Trong gần một thế kỷ phát triển, các thế hệ trường Lê Hồng Phong đã kịp có mặt trên hầu hết các quốc gia, châu lục trên thế giới. Anh Thư (du học sinh Mỹ, cựu học sinh trường) kể: “Dù đi du học tớ vẫn cứ thích dùng ba-lô trường Lê Hồng Phong. Ở trường tớ có một chị cũng hay mang đồng phục trường Lê Hồng Phong ra mặc. Nhờ vậy mà tụi tớ mới biết nhau, và còn rủ nhau mặc “đồng phục đôi” trong lễ hội song sinh nữa. Lúc đó tớ thấy tự hào lắm luôn, kiểu nước Mỹ rộng lớn mà các LHP-ers vẫn có cách để tìm được nhau”.
Nguồn ảnh: CLB Báo Chí Chuyên Lê Hồng Phong, CLB Thơ Văn Thắp Sáng, Đoàn trường THPT Chuyên Lê Hồng Phong, Hạ Về LHP, Quán Hạ, Đồng Khởi Lê Hồng Phong.