Thú chơi và làm sách 'ấn bản giới hạn'

0:00 / 0:00
0:00
TP - Việc tìm mua những cuốn sách thủ công, ấn bản giới hạn hay đặc biệt đã có từ lâu và vẫn tồn tại song song cùng văn hóa đọc, tuy nhiên, thú chơi này trở nên sôi động thì mới chỉ vài năm gần đây. Việc Nhà xuất bản Đông A đại diện Việt Nam mang những cuốn sách đặc biệt đi “đấm xứ người” càng thổi thêm hy vọng cho dòng sách này.

Sách Việt bản S lần đầu xuất ngoại

Đầu tháng 2 vừa qua, các bản sách thủ công giới hạn của Đông A (được ký hiệu bằng đầu chữ cái S) đã có mặt tại Hội chợ Nghệ thuật Sách Quốc tế CODEX lần thứ 9 diễn ra tại Mỹ, đánh dấu lần đầu tiên Việt Nam có đại diện tham dự tại một trong những hội chợ nghệ thuật sách hàng đầu thế giới.

“Chúng tôi đem tới hội sách các ấn bản đặc biệt trong các tủ sách Trăm năm Nobel, Văn học kinh điển thế giới và Văn học kinh điển Việt Nam. Các nhà sưu tập và khách hàng tham gia rất thích thú các ấn bản Số đỏ, Thần khúc, Nhà thờ Đức bà Paris… Nhiều người khen sách Việt đẹp mà rẻ”, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A Trần Đại Thắng hồ hởi chia sẻ về chuyến “xuất ngoại” đầu tiên của dòng sách đặc biệt.

Thú chơi và làm sách 'ấn bản giới hạn' ảnh 1

Độc giả quốc tế quan tâm đến dòng sách đặc biệt của Việt Nam tại Hội chợ Nghệ thuật Sách Quốc tế CODEX lần thứ 9

Ông cho biết, để tham dự hội sách lần này, Đông A đã phải chuẩn bị trước một năm, từ khâu đăng ký, gửi hồ sơ, catalog tham dự, cho đến thực hiện các ấn bản trưng bày. Đây có thể xem là một dấu mốc quan trọng trong hành trình làm sách S của Đông A, khi tự tin giới thiệu các sản phẩm của mình ra quốc tế.

“Tôi muốn mình phải là một thành phần trong đó, tham gia hội chợ để hiểu mình đang ở đâu. Tôi cũng muốn cộng đồng biết đến Việt Nam trên bản đồ sách Nghệ thuật thế giới. Được giao lưu, học hỏi từ những đất nước có lịch sử làm sách đặc biệt 400-500 năm rất thú vị. Việc ấn bản giới hạn The Great Gatsby bằng tiếng Anh cháy hàng tại hội sách là một tín hiệu tích cực để chúng tôi có thêm các ấn bản tiếng Anh cũng như các sản phẩm chất lượng khác để giới thiệu với bạn bè quốc tế trong hội sách lần sau ”, ông Thắng chia sẻ.

Đông A cũng là đơn vị tiên phong theo đuổi dòng sách đặc biệt, được in với số lượng giới hạn, có đánh số và hướng đến những người sưu tầm sách. Trong 5 năm qua, đơn vị này đã lựa chọn nhiều cuốn sách thuộc hàng kinh điển và thực hiện bản giới hạn. Đông A thường chia ra thành các bản như S100 với số lượng in chỉ 100 cuốn/tựa, tương tự có thêm dòng S365, S500 hay S1000. Mỗi cuốn sách được đóng số riêng và có dấu sở hữu sách để bạn đọc ghi dấu ấn cá nhân.

Ngoài Đông A, Thái Hà Books cũng là đơn vị đầu tư nhiều ấn bản sách giới hạn, đặc biệt như: “Trái tim của Bụt”, “Lịch sử chữ quốc ngữ”, “Việt Nam miền ngon”, “Bài học từ người quét rác”, “Thế giới Phật giáo”… Công ty sách Nhã Nam, NXB Kim Đồng cũng từng cho ra đời những cuốn sách in trên các loại giấy đặc biệt, có độ bền với thời gian, tính thẩm mỹ cao, phù hợp với dòng sách sưu tầm.

Nghề chơi cũng lắm công phu

Thú chơi và làm sách 'ấn bản giới hạn' ảnh 2

Bên cạnh chọn lọc nội dung, những cuốn sách phiên bản giới hạn được đầu tư công phu về hình thức

Trong chuyến thăm Việt Nam tháng 9/2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden được Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng một món quà đặc biệt. Đó là cuốn sách mang tên “Một con người, một con đường và một lịch sử: Hồ Chí Minh - Thư gửi nước Mỹ” do Nhà xuất bản Hội Nhà văn Việt Nam phát hành. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho biết, cuốn sách có mặt bìa hộp làm bằng gốm men lam do các nghệ nhân Huế thực hiện. Bìa sách chế tác từ da đặc biệt của Hermes.

Sau khi sách được bọc bìa, nhà sản xuất dùng chữ bằng đồng nung nóng đóng chìm xuống mặt da thành tên sách. Bìa sách có bức chân dung đen trắng Chủ tịch Hồ Chí Minh chụp năm 1946, in trên chất liệu canvas, dán vào bìa. Khung ảnh cũng được làm bằng da khâu tay… Giấy in là giấy mỹ thuật loại tốt có độ bền cao, mặt giấy có vân màu ngà xưa, tạo vẻ cổ điển. Phông chữ được chọn giống như loại chữ đánh từ máy chữ Hermes mà Bác Hồ từng sử dụng nhiều năm. Các trang in được đóng rời bằng tay.

Hầu hết các ấn bản đặc biệt của các nhà xuất bản hiện nay cũng đều đầu tư thiết kế phần bìa. Các bản sách S100 của Đông A có phần bìa được làm bằng da thật hoặc da nhân tạo, được nghệ nhân Nguyễn Đức Khuynh chế tác hoàn toàn thủ công. Trên bìa chạm trổ những hoa văn đẹp mắt. Phần logo tên sách được thiết kế riêng mạ vàng. Ruột in 2 màu trên giấy đẹp, có đóng dấu đỏ của Đông A và đánh số thứ tự từ 1 tới 100.

Ông Trần Đại Thắng cho biết, vì làm thủ công nên những bản sách đặc biệt mất rất nhiều thời gian mới có thể hoàn thành. Ví như những bản sách đánh chữ “S” làm theo lối châu Âu cổ điển, khâu sách từng tép, siết tay những chiếc gân trên gáy sách và để nguyên trong 24 giờ để định hình, sau đó mạ nhũ vàng trên da. Một số ấn bản có tờ gác thủy ấn phải đặt các chuyên gia làm thủ công từng tờ, mỗi tờ gác được tạo ra đều là duy nhất.

Cuốn sách “Nghệ thuật và nghệ nhân vùng kinh thành Huế” được Thái Hà Books làm thêm bản đặc biệt có hộp gỗ và bản siêu đặc biệt bằng giấy trúc chỉ, có hộp đựng, được thiết kế tinh xảo. “Lịch sử chữ quốc ngữ” với bìa sách được làm trên chất liệu gỗ, tên sách được khắc laze trực tiếp trên bề mặt.

Cuốn “Tết Việt” phiên bản đặc biệt mang đậm chất dân gian khi bìa sách được bọc hoàn toàn bằng mành tre, ảnh bìa được phóng tác từ tranh dân gian Đông hồ Rước rồng.

Thú chơi và làm sách 'ấn bản giới hạn' ảnh 3

Ông Trần Đại Thắng, Giám đốc Công ty Cổ phần Văn hóa Đông A tham vọng mang dòng sách đặc biệt của Việt Nam “xuất khẩu” ra thế giới

“Việc chọn sách để làm bản đặc biệt không khó, mà cái khó ở chỗ ý tưởng cho mỗi cuốn. Thái Hà chọn hướng đi sử dụng nguyên liệu dân gian Việt Nam gắn với các làng nghề để thực hiện các bìa sách. Mỗi bộ sẽ được lựa chọn nguyên liệu riêng sao cho phù hợp với nội dung. Ví dụ bìa của bộ “Trà kinh - Trà thư” sử dụng bột đất đắp lên giấy giang để tạo họa tiết đồi núi, rồi dùng lá trà để gắn lên. Lá trà cũng được xử lý để trông tự nhiên nhưng vẫn giữ độ bền 15 năm. Hay bộ “Trái tim của Bụt” với bức tượng Phật khắc trên bìa vải. Cuốn “Người thầy đầu tiên” dùng lụa tơ tằm kết hợp với thêu tay…”, bà Phạm Thủy, Giám đốc đối ngoại truyền thông của Thái Hà Books chia sẻ.

Bên cạnh việc kiểm soát nội dung kỹ lưỡng, phần biên dịch, chú giải hay hình ảnh đính kèm của ấn bản đặc biệt cũng được các đơn vị chăm chút cẩn thận hơn. Chẳng hạn, với cuốn “Một chiến dịch ở Bắc Kỳ”, Đông A làm thêm phần phụ bản ảnh và gần 1.000 chú thích chi tiết. Nhiều tác phẩm trong tủ sách Văn chương - Mỹ thuật đều có minh họa mới của các họa sĩ đương đại như: “Gió đầu mùa” và “Hà Nội băm sáu phố phường” của Thạch Lam do họa sĩ Đào Hải Phong minh họa, “Người kép già” của Kim Lân do họa sĩ Thành Chương minh họa, “Số đỏ” của Vũ Trọng Phụng được họa sĩ trẻ Thành Phong phụ trách hình ảnh...

Thú chơi và làm sách 'ấn bản giới hạn' ảnh 4

Sau 1 tháng phát hành, “Trái tim của Bụt” phiên bản đặc biệt của Thái Hà Books đã bán hết sạch 300 cuốn

Đánh giá về tác động của dòng sách đặc biệt đối với văn hóa đoc hiện này, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng Biên tập Nhà Xuất bản Hội Nhà văn cho rằng, nhiều đơn vị thực hiện những cuốn sách công phu, đẹp mắt đưa ra thị trường với giá cao và được người đọc đón nhận “là tín hiệu đáng mừng, cho thấy người yêu sách Việt Nam đã có ý thức sở hữu những ấn phẩm hay trên sự sáng tạo mới”. “

“Xu hướng sưu tập sách đặc biệt đã trở thành yếu tố thúc đẩy ngành xuất bản phát triển hơn. Đa số nhà sưu tập sách chính là người yêu thích việc đọc, bởi đó mới là điều dẫn họ đến việc sưu tầm sách. Trước đó, họ đã mua một bản phổ thông để đọc, còn bản giới hạn thì để sưu tầm, lưu giữ và trưng bày. Bên cạnh đó, nhiều người khi không mua được bản giới hạn thì chuyển sang mua bản thường. Nhờ đó, nhiều đầu sách bản thường trở nên bán chạy”, bà Phạm Thủy, Giám đốc đối ngoại truyền thông của Thái Hà Books cho biết thêm.

MỚI - NÓNG