Học trực tuyến: Chuyện “dở khóc dở cười”
Trên các diễn đàn và mạng xã hội, nhiều học sinh bày tỏ nỗi lo lắng, bất an khi học trực tuyến nhưng lại thi trực tiếp tại trường. Việc học online tuy được xem là biện pháp tối ưu trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát nhưng vẫn còn tồn tại nhiều điểm bất cập, ảnh hưởng đến quá trình học tập của nhiều học sinh.
Khuyết điểm lớn nhất nằm ở đường truyền mạng và phương tiện kỹ thuật. Trong quá trình học tập, học sinh thường xuyên gặp phải tình trạng mạng “chập chờn”, thiếu thiết bị kết nối. Đôi lúc, các tình huống như mất điện, hết pin đột xuất cũng vô tình đẩy các bạn vào tình thế khó khăn.
Đề cập đến vấn đề này, bạn Nguyễn Gia Cát Long (trường THPT Nguyễn Hữu Huân, TP.HCM) bày tỏ: “Mỗi khi có mưa lớn hay bão là đường truyền mạng không ổn định. Có lúc mình không vào lớp học được, có lúc thì vào lớp được nhưng mạng chập chờn không nghe được thầy cô giảng”.
Internet đứt nghẽn luôn là nỗi ám ảnh lớn nhất với Cát Long. Ảnh: NVCC |
Thiếu tài liệu học tập cũng là một nguyên do khiến nhiều teen quan ngại. Khi học online, các bạn cần phải thực hiện nhiều bước đăng nhập mới có thể lấy được tài liệu.
Trong trường hợp học sinh sống tại vùng ngoại thành, không trang bị đủ thiết bị kỹ thuật thì việc tiếp cận được nguồn tài liệu sẽ không đảm bảo. Nguyễn Lê Thục Anh (trường THPT Thực hành Sư phạm - ĐH Cần Thơ) chia sẻ: “Đối với việc học online tại nhà thì cũng gặp phải khó khăn như là tìm kiếm nguồn tài liệu. Bởi vì thực tế thì có một số bạn học sinh thuộc vùng sâu vùng xa nên là việc có được nguồn tài liệu không phải là điều dễ dàng”.
Thục Anh nghĩ rằng khó khăn khi học trực tuyến là không có đủ tài liệu. Ảnh: NVCC |
Ngoài những yếu tố trên, học trực tuyến còn làm học sinh xao nhãng, không tập trung nghe giảng. Do cách nhau một màn hình khiến sự tương tác giữa giảng viên và lớp giảm xuống. Buổi giảng cũng vì vậy mà thiếu sinh động, kém thu hút. Điều này tác động đến sự chú ý của học sinh, kéo theo lượng kiến thức thu nhận không đầy đủ.
Lo ngại về việc chênh lệch mức điểm
Từ những bất cập trong quá trình học online, hình thức tổ chức kỳ thi trực tiếp tại trường vào lúc này có thể khiến teen "app lực" vì đã quen với cách thức kiểm tra online. Vấn đề lo ngại việc chênh lệch điểm số giữa hai hình thức học online và offline cũng được các học sinh và thầy cô quan tâm.
Cô Võ Thụy Mai Huỳnh (trợ giảng tại trung tâm Anh ngữ Apollo) chia sẻ teen có thể tập làm quen lại với áp lực thời gian trong lúc làm bài tập, để không quá "khớp" với lúc làm bài thi: "Việc bỗng dưng phải chịu gấp đôi áp lực về thời gian, thi cử có thể ảnh hưởng trực tiếp đến não bộ khiến cho tình trạng đau đầu, đau nửa đầu diễn ra thường xuyên và làm giảm khả năng tập trung ở đại đa số học sinh."
Cô Mai Huỳnh gợi ý teen có thể tập bấm giờ lúc làm bài tập để quen với giới hạn thời gian trong lúc thi. Ảnh: NVCC |
Cô Chu Ngọc Mỹ Anh (trường THPT Trần Hưng Đạo, Hà Nội) cho rằng khác biệt giữa thi trực tuyến và thi trực tiếp còn nằm ở số điểm: “Trong suốt thời gian dịch bệnh, việc học online nhiều tháng đã dần trở thành thói quen với các bạn học sinh và việc thi online cũng dễ thở hơn với việc học, thi trực tiếp. Do đó, khi quay trở lại trường học tập trực tiếp và thi trực tiếp, các bạn học sinh gặp khá nhiều khó khăn và sẽ có mức chênh lệch điểm số nhất định, thường sẽ kém hơn đôi chút so với điểm số khi thi online”.