Gặp những người cần gặp, nghe những điều cần nghe
Những ngày đầu chập chững bước sang trời Tây, tớ vẫn nhớ như in cảm giác bơ vơ truớc những điều lạ lẫm. Từ những chuyến xe buýt “nói không” với tiền thừa trả lại cho đến thói quen xem điện thoại hằng ngày để “thời trang không phang thời tiết”, mọi thứ đều được “lập trình” lại từ đầu. Có những ngày tớ khóc ướt cả gối vì việc làm thêm với mức lương tối thiểu thật vất vả. Có những đêm tớ muốn từ bỏ mọi thứ vì suy cho cùng, mình thật nhỏ bé…
Tớ và chị Huyền Chip trong dịp phỏng vấn viết bài cho cuốn đặc san Project Du Học. |
Nhưng cậu biết không, đi qua những ngày tháng “giông bão” ấy, tớ luôn biết ơn những câu chuyện tớ được nghe và những người tớ được gặp tại nhà Hoa. Trước khi hành trình định cư “cất cánh”, tớ may mắn được gặp chị Huyền Chip trong dịp phỏng vấn viết bài cho đặc san Project Du Học thuộc bộ sách “Gõ cửa tương lai” của nhà Hoa.
Đến giờ tớ vẫn nhớ hôm được nghe chị Chip để về hành trình du học tại ngôi trường Đại học Stanford. Chị Huyền Chip bảo: “Mọi người luôn nghĩ du học là để hiểu thế giới. Nhưng thật ra, du học cốt yếu là để hiểu bản thân mình: Hiểu những thế mạnh, điểm yếu của mình trên bản đồ thế giới. Hiểu rõ bản thân chẳng phải ngọn đèn sáng bật lên trong một khoảnh khắc, mà thay và đó, nó phải trải qua một quá trình”.
Nhờ bài học của chị Huyền Chip, tớ luôn biết ơn những khoảnh khắc khiến tớ nhận ra mình thật nhỏ bé để tiếp tục tiến lên phía trước.
Cùng bước ra từ “nhà Hoa”, mình là “gia đình”!
Những tưởng sang trời Tây đồng nghĩa với việc tạm gác chữ “duyên” với nhà Hoa lại bên kia biên giới. Thế mà tớ đã lầm to! Khi vừa sang Mỹ, tớ đi làm thêm tại cửa hàng thời trang ZARA. Những ngày đầu tiên tại ZARA, tớ mừng húm vì mình chẳng hề bơ vơ. Xem lịch làm việc nhân viên, tớ phát hiện có một chị người Việt vì cái tên Việt Nam: Hằng Trà. Đợi hoài đợi mãi mới đến ngày bọn tớ có cùng ca làm. Sau hôm làm chung, tớ mừng húm vì biết chị Hằng cũng từng là cây viết kỳ cựu của nhà Hoa.
Sau hôm làm chung, tớ mừng húm vì biết chị Hằng cũng từng là cây viết kỳ cựu của nhà Hoa. |
Chia sẻ những kỷ niệm thật đẹp tại Hoa Học Trò, hai chị em tớ nhanh chóng dính lấy nhau như hình với bóng. Với kinh nghiệm chinh phục “giấc mơ Mỹ”, chị là người truyền bí kíp về “những điều đầu tiên” trong cuộc sống mới mẻ của tớ.
Tớ vẫn nhớ như in lần đầu nhận được bằng lái và chạy ùn ùn trên chiếc xe bốn bánh, chị Hằng là người hướng dẫn tớ cách đổ xăng và kiểm tra bánh xe. Chị cũng giúp tớ trải nghiệm những điều mang đậm màu sắc của nước Mỹ. Từ leo núi cho đến chèo ván, từ những chuyến du lịch bụi road trip cho đến những món ăn thơm nức mùi phô mai, tớ đều được trải nghiệm với sự thúc đẩy của người chị bước ra từ nhà Hoa.
Là sinh viên tại ngôi trường “kim cương” University of Washington, chị Hằng còn giúp tớ hội ngộ các anh chị cựu học sinh Phổ Thông Năng Khiếu. Với sức mạnh của sự kết nối, tớ cũng được gặp những anh chị niên khoá một-nghìn-chín-trăm-hồi-đó với profile cực khủng vì là kỹ sư công nghệ cho các “ông trùm” Google, Facebook, Snapchat hay Microsoft.
Tự tin bước ra thế giới
Nghĩ đi ngẫm lại, nhà Hoa cho tớ nhiều hơn cả một “gia đình”! Suốt khoảng thời gian được hít thở dưới bầu trời nhà Hoa, tớ cóp nhặt được cả một “va li kỹ năng” trước khi du học Mỹ.
Đầu tiên phải kể đến là kỹ năng viết lách “sang xịn mịn”. Thường khi vào trường Đại học, ai nghe tới việc viết bài luận cũng sợ “quéo càng”. Thế nhưng có lẽ vì đã nằm lòng bí kíp tạo ra một bài báo, những bài luận đều được tớ giải quyết ngọt xớt. Tớ nhớ hoài những hôm lọ mọ chạy deadline, trước khi gửi bài, lúc nào cũng phải kiểm tra lý luận có chặt chẽ chưa, dẫn chứng có thú vị không, dẫn chứng đáng tin cậy như thế nào và đặc biệt là có hấp dẫn người đọc hay không - những nguyên tắc tớ được học ở “nhà Hoa”.
Tớ hạnh phúc khi cầm trong tay đặc sản mà tớ là đồng tác giả! |
Và rồi khi dịch COVID-19 bùng phát và kéo dài mang tới bao đổi thay, tớ đã mạnh dạn viết về chủ đề “Tương lai của giáo dục thông qua góc nhìn của Gen Z” cho bài luận nghiên cứu. Nghe có vẻ đao to búa lớn, thế nhưng tớ đã tìm được cách giúp bài luận trở nên thú vị hơn thông qua những bài phỏng vấn các bạn cùng lớp và thầy cô cùng trường.
Mê TikTok, tớ lấy quy tắc “15 giây vàng ròng” để làm dẫn chứng cho công thức truyền đạt thông tin mới. Áp dụng bài học “thần thánh” được học tại “nhà Hoa” vào bài luận, tớ không những “về đích” với điểm A mà còn được thầy cô tấm tắc khen nữa!
Tớ chụp ảnh cùng các anh chị BTV khác tại nhà Hoa |
Không chỉ thế đâu, “nhà Hoa” còn dạy tớ mở lòng đón nhận những góc nhìn khác nhau. Những ngày đầu tiên viết báo, cứ hễ tớ gửi bài cho chị biên tập viên thì bài sẽ được trả về kèm một dòng feedback: Đa chiều hơn! Cứ như thế, mỗi bài báo là một lần tớ rèn luyện tư duy đa chiều, dạy cho tớ cách nhìn nhận một vấn đề từ nhiều phía khác nhau.
Bước sang trời Tây với tư duy đủ trưởng thành và trái tim đủ yêu thương, tớ thường dừng lại suy xét mỗi khi gặp khúc mắc để có cái nhìn bao dung và khách quan hơn. Tớ học cách đặt mình vào vị trí của những người bạn lớp mỗi khi làm việc nhóm, hiểu nỗi lo sợ và mất mát mà mọi người trải qua trong giai đoạn dịch bệnh. Vì vậy, thay vì ngồi “than trời” do phải “gánh team”, tớ chọn cách nhắn tin hỏi thăm, chia sẻ với mọi người.
Cảm ơn vì một thanh xuân rực rỡ!
Đi thật xa, tớ cảm thấy may mắn vì đã có quãng thời gian thanh xuân thật đẹp tại nhà Hoa. Tớ luôn tin rằng: “Everything happens for a reason” (Mọi thứ xảy ra đều có lí do của nó). Và được là một phần của “nhà Hoa” là lý do tớ đang ở đây, với hành trình tuyệt vời này. Cảm ơn cậu, Hoa Học Trò, vì đã cho tớ một quãng thanh xuân rực rỡ!