Thưa cô, chúng em cần một người truyền cảm hứng, không cần thêm một cuốn sách giáo khoa!

Thưa cô, chúng em cần một người truyền cảm hứng, không cần thêm một cuốn sách giáo khoa!
HHT - Lá thư gửi tới “cô giáo lạnh lùng và không nói gì cả” tại huyện Nhà Bè, TP.HCM.

Trong suốt 4 tháng đứng lớp, cô giáo chỉ chép toàn bộ bài giảng lên bảng và không nói một lời với học trò , phương pháp sư phạm của cô quả thật là kỳ quặc và có lẽ là độc đáo nhất trên thế giới.

Khi Sở Giáo dục - Đào tạo gặp cô hỏi chuyện, cô giải thích lý do là trong lớp có một học sinh dọa sẽ ghi âm lại bài giảng của cô và đưa ra để “uýnh” cô. Trước đó, cô đã từng bị kỷ luật ở ngôi trường cũ vì hỏi học trò: “Ai đã sủa trong lớp?” và vì một số biện pháp kỷ luật học sinh gay gắt như thường xuyên cho cả nửa lớp ra hành lang đứng.

Vậy là có vẻ để tránh rắc rối vì ngôn ngữ trong khi giao tiếp với học trò, cô giáo đã quyết định im lặng. Im lặng hoàn toàn. Im lặng bền vững. Tiết này qua tiết khác. Trong suốt 4 tháng đứng lớp.

Thưa cô, chúng em cần một người truyền cảm hứng, không cần thêm một cuốn sách giáo khoa! ảnh 1

Đọc tới đây, em thực sự thấy thương cô. Bởi em biết không dễ để giữ được sự im lặng bất tận ấy. Bởi trong các trò chơi của học trò tụi em, trò khó nhất chính là trò Ai giữ im lặng lâu nhất. Thường thì kẻ thua cuộc chẳng thể vượt qua được 30 giây thử thách. Thế nên để im lặng trước năm chục học trò “nhất quỷ nhì ma”, trước những câu hỏi về kiến thức, cách làm, đáp số… đầy rắc rối của môn Toán lớp 11, trong cô hẳn phải có cả một cuộc đấu tranh nội tâm đầy căng thẳng và không khoan nhượng.

Có lẽ cô đã nghĩ, mình đã tìm được cách thực hiện được công việc của mình tối ưu nhất: Vẫn đưa ra được toàn bộ bài giảng của mình và không để xảy ra “sự cố” với học trò. 

Chỉ có một điều hình như cô quên mất: Lớp học không phải là chiến tuyến nơi giáo viên và học trò căng thẳng đấu trí. Và học trò tụi em cần một người truyền cảm hứng, một người soi đuốc dẫn đường, chứ không cần một cuốn sách giáo khoa khác.

Thưa cô, chúng em cần một người truyền cảm hứng, không cần thêm một cuốn sách giáo khoa! ảnh 2

Có lẽ trong quá khứ, từng có bạn học sinh xúc phạm tới cô, từng làm cô tổn thương. Nhưng từng là học sinh, hẳn cô cũng hiểu mỗi lớp học cũng như một xã hội thu nhỏ. Có những bạn luôn thích phát biểu và những bạn cảm thấy việc đến trường là một nghĩa vụ. Có học trò “ngôi sao” và học trò “cá biệt”. Có hội mọt sách, hội showbiz mê văn nghệ văn gừng, hội “mười phẩy thể dục”. Có trò ngoan và trò chưa ngoan.

Nhưng chẳng phải đó là lý do chúng em cần đến trường, cần tới thầy cô? Để tìm thấy cảm hứng từ việc học tập. Để được đánh thức những tiềm năng bản thân chúng em chưa nhìn ra ở bản thân mình. Để được chỉ ra những lầm lỗi và sửa đổi. Để hiểu ra rằng đừng vội từ bỏ bản thân khi có những người thật sự đáng kính dám đặt niềm tin ở mình.

Trong một thời đại mà phần lớn mọi kiến thức đều có thể được tìm thấy chỉ với một cú kích chuột và được chia sẻ miễn phí, điều chúng em cần là một người dẫn đường, đâu phải là một cuốn từ điển hay sách giáo khoa.

Thưa cô, chúng em cần một người truyền cảm hứng, không cần thêm một cuốn sách giáo khoa! ảnh 3

Những người cô, người thầy mà chúng em nhớ nhất sau mỗi mùa Hè chuyển lớp không phải là những người giỏi nhất, có kiến thức uyên thâm nhất. Đó là những thầy cô vị tha và bao dung. Họ không giúp chúng em bao che cho lỗi lầm của mình. Ngược lại, họ chỉ ra những lỗi lầm đó, buộc chúng em phải đối mặt, nhưng ở bên cạnh, động viên chúng em trên hành trình sửa sai của mình. 

Chúng em biết, học trò đôi khi - mà không - thường xuyên đùa quá trớn. Thế nên mới có câu “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò”. Và cuốn “từ điển học trò” luôn có những phép giải nghĩa thật đặc biệt. Một trò nghịch tai quái nhiều khi thực ra là tín hiệu kêu cứu, cầu khẩn được chú ý và lắng nghe. Thế nên cũng hơn ai hết, học trò chúng em hiểu được công việc của các thầy cô thử thách và khó khăn thế nào. Một công việc đòi hỏi thật nhiều sự nhẫn nại, lòng thương yêu, từ tâm và độ lượng.

Vì vậy, em thật lòng mong rằng nếu tiếp tục công việc này, cô sẽ tìm lại được niềm tin vào học trò chúng em cũng như ý nghĩa cao cả của công việc giáo viên. Để khi trở lại bục giảng, cô sẽ không từ bỏ chúng em lần nữa, bằng sự im lặng của mình.

Theo HOA HỌC TRÒ SỐ 1254
MỚI - NÓNG

Có thể bạn quan tâm